Sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Thực hiện yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 - NQ/TW, đến nay, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cơ bản hoàn thành dự kiến sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm tối thiểu 15 - 20% đầu mối tổ chức bên trong.

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Cải cách triệt để, giúp bộ máy hoạt động hiệu quả

Bộ máy Chính phủ, với vai trò là trung tâm điều hành và quản lý các hoạt động quốc gia, cần bảo đảm hiệu quả, minh bạch và linh hoạt. Tuy nhiên, trong thực tế, bộ máy Chính phủ ở Việt Nam còn tồn tại hạn chế mang tính hệ thống, làm suy giảm hiệu quả quản trị Nhà nước, lãng phí nguồn lực. Sự cồng kềnh và chồng chéo chức năng giảm tốc độ ra quyết định, khiến các chính sách khó triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Bộ máy Chính phủ không hiệu quả sẽ khiến các nguồn lực quốc gia bị lãng phí. Thay vì được sử dụng để phát triển kinh tế - xã hội, một phần lớn ngân sách phải chi trả cho các hoạt động hành chính không cần thiết, làm chậm quá trình phát triển của đất nước tạo áp lực lên ngân sách quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn thu ngày càng bị thu hẹp do biến động của nền kinh tế toàn cầu.

Muốn xây dựng hình ảnh một quốc gia minh bạch, hiện đại và sáng tạo trên trường quốc tế, công cuộc cải cách bộ máy chính phủ phải được tiến hành triệt để theo các nguyên tắc sau:

Một là, sáp nhập các cơ quan trùng lặp chức năng, tinh gọn bộ máy. Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, sau khi sắp xếp, sáp nhập, tổ chức bộ máy của Chính phủ giảm 5 bộ, 4 cơ quan thuộc Chính phủ. Bộ máy của Chính phủ được tinh gọn còn 13 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ.

Hai là, phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn giữa các cấp chính quyền. Tái cấu trúc tổ chức không đạt hiệu quả nếu không phân định rõ về trách nhiệm và quyền hạn giữa các cấp chính quyền. Ở nhiều trường hợp, sự “mơ hồ” trong vai trò và nhiệm vụ giữa chính quyền Trung ương và địa phương dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, thiếu chủ động trong thực thi chính sách.

Mỗi cấp chính quyền cần có một cơ chế quản lý độc lập trong phạm vi được phân công, đồng thời phối hợp hiệu quả với các cấp khác. Điều này yêu cầu xây dựng một khung pháp lý chặt chẽ, xác định rõ ràng chức năng của từng cơ quan, để bộ máy gọn nhẹ hơn, chi tiêu ít hơn, hoạt động hiệu quả hơn, giúp các chính sách triển khai nhanh chóng và minh bạch.

Ba là, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số xây dựng Chính phủ hiện đại. Một trong những yếu tố cốt lõi của chuyển đổi số trong quản trị công là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia đầy đủ và đồng bộ. Các cơ quan Chính phủ hiện nay thường hoạt động với hệ thống dữ liệu riêng lẻ, gây khó khăn trong chia sẻ thông tin và phối hợp hành động. Việc thiết lập một cơ sở dữ liệu tập trung, kết nối toàn diện giữa các ngành, lĩnh vực là tiền đề để giảm thiểu các thủ tục không cần thiết và nâng cao hiệu quả quản lý.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính là một mục tiêu quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Thay vì yêu cầu người dân cung cấp nhiều loại giấy tờ, các thông tin cá nhân nên tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia, cho phép tra cứu nhanh, giảm thiểu sự phiền hà.

Bốn là, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc xây dựng một đội ngũ chuyên nghiệp, liêm chính, và tận tâm đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ vào công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn và ý thức trách nhiệm. Các chương trình đào tạo cần tập trung vào các kỹ năng mới, như quản trị số, phân tích dữ liệu và kỹ năng giải quyết vấn đề theo cách sáng tạo.

Liêm chính và trách nhiệm là những tiêu chuẩn không thể thiếu trong đội ngũ cán bộ. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải xây dựng văn hóa tổ chức minh bạch, trong đó các cán bộ được đánh giá không chỉ dựa trên kết quả công việc mà còn qua phẩm chất đạo đức và thái độ phục vụ.

Để thu hút và giữ chân nhân tài, cần áp dụng chế độ đãi ngộ hợp lý, bảo đảm cán bộ, công chức được trả công xứng đáng với năng lực và đóng góp của họ. Việc đánh giá hiệu suất công việc phải minh bạch, dựa trên các tiêu chí cụ thể và có sự giám sát độc lập, tránh tình trạng thiên vị hoặc bất công.

Chống lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân

Thực hiện yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã khẩn trương triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đến nay, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã cơ bản hoàn thành dự kiến sắp xếp tổ chức bộ máy.

Ban Chỉ đạo đã ban hành kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Theo đó, duy trì 8 Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất 14 Bộ, cơ quan ngang Bộ. Sau sắp xếp sẽ có 13 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ (giảm 5 bộ); có 4 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 4 cơ quan); giảm tối thiểu 15 - 20% đầu mối tổ chức bên trong.

Trên tinh thần “tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt; làm việc nào, dứt việc đó,” Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện Việt Nam, có sự tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Từ đó thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn song phải hiệu lực, hiệu quả; không bỏ chức năng, nhiệm vụ, thậm chí tăng thêm nhiệm vụ cho tổ chức; giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, tăng cường cho cơ sở; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, tránh cơ chế xin - cho, chống tham nhũng vặt.

Thủ tướng yêu cầu, trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân; làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đi đôi với xây dựng chế độ chính sách, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các Bộ, công chức, viên chức, người lao động. Trong quá trình sắp xếp, phải đảm bảo nhiệm vụ của các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị tiếp tục được thúc đẩy, không gián đoạn và hoàn thành như đã đề ra.

Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Chính phủ chỉ đạo phân loại doanh nghiệp và lên phương án sắp xếp, đảm bảo quản lý nhà nước song song với phát huy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện luật liên quan, đảm bảo phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm nhiều hơn cho doanh nghiệp.

Thủ tướng giao Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo - tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thiện đề án; trên cơ sở đó hoàn thiện đề án chung của Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền, đảm bảo đúng thời gian, chất lượng theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Với sự đoàn kết thống nhất, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân ta, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ đạt kết quả tốt đẹp, góp phần quan trọng hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh của dân tộc; là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước hướng đến một Việt Nam thịnh vượng, tự cường và sẵn sàng vươn xa trên trường quốc tế.

Khánh Hòa

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/sap-xep-to-chuc-bo-may-tinh-gon-hieu-luc-hieu-qua-392022.html
Zalo