Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy: Một cuộc biến đổi lớn!
Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy được ví như một 'cuộc cách mạng', có khả năng tạo ra một cuộc biến đổi lớn, làm thay đổi những quan niệm, những kết cấu cũ, không còn phù hợp. Song, để có thể đưa 'cuộc cách mạng' này đi đến thành công, thì cần có cách làm phù hợp và hơn hết là có quyết tâm chính trị rất cao, mới có thể vượt qua những thách thức, rào cản.
Là người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt quan tâm đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tổng Bí thư đã đặt ra 3 câu hỏi cho người đứng đầu cấp ủy và hệ thống tổ chức cán bộ của Trung ương, đó là: Phải làm sao có được bộ máy hoạt động của Đảng, hệ thống tổ chức bộ máy của Nhà nước hiệu năng, hiệu quả, hiệu lực? Làm sao phải có đội ngũ cán bộ có giác ngộ, có tâm huyết vì nước, vì dân, vì sự nghiệp của Đảng? Tại sao Đảng ta phải chọn khâu cán bộ là then chốt? Có được câu trả lời hợp lý cho được 3 câu hỏi lớn này cũng chính là tiền đề, là cơ sở để thực hiện một cuộc biến đổi lớn về tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, thực hiện thành công “cuộc cách mạng” sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy sẽ tạo ra nền tảng vững chắc và động lực thúc đẩy đất nước ta bước vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ.
Đóng vai trò quan trọng là vậy, song sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy chưa bao giờ là việc dễ dàng, nếu không muốn nói là rất khó, rất phức tạp. Bởi, việc sắp xếp không chỉ là giảm bớt sự cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, giảm sự chồng chéo, trùng lắp của tổ chức bộ máy; mà còn tác động trực tiếp đến quyền lợi, tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Chính vì lẽ đó, việc sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cần phải làm một cách thận trọng, khách quan, dân chủ, bài bản, với tinh thần trách nhiệm cao và vì lợi ích chung. Đặc biệt, cần xác định rõ việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là yêu cầu có tính tất yếu và cấp bách lúc này. Bởi, khi tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, thậm chí còn những “khuyết thiếu”, thì sẽ làm giảm tính linh hoạt, thậm chí sẽ làm hạn chế năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành. Đồng thời, nếu những hạn chế, yếu kém của tổ chức bộ máy chậm được khắc phục, còn tạo nguy cơ lãng phí nguồn lực và làm giảm niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Trước yêu cầu đó, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết số 18-NQ/TW với những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, đã góp phần định hướng và đẩy mạnh quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị. Thanh Hóa là một trong những địa phương đã và đang triển khai nghiêm túc, bài bản Nghị quyết số 18-NQ/TW và đạt được nhiều thành quả rất quan trọng.
Một dấu ấn nổi bật của Thanh Hóa trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW là những con số kết quả ấn tượng trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp thôn. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2021, tỉnh đã sáp nhập 143 xã để thành lập 67 xã, giảm 76 xã; sáp nhập 3.100 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.522 thôn, tổ dân phố, giảm 1.578 thôn, tổ dân phố. Với kết quả này, Thanh Hóa là một trong những địa phương thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp thôn nhiều nhất cả nước.
Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 theo Nghị quyết số 939/NQ-UBTVQH15 ngày 13/12/2023 và Nghị quyết số 1238/NQ-UBTVQH15 ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện tỉnh đã thực hiện thành công việc nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa. Từ đó, góp phần mở ra không gian phát triển mới cho đô thị tỉnh lỵ, sớm đưa TP Thanh Hóa trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại và là 1 trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước. Với việc sáp nhập Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và sáp nhập 23 xã để thành lập 11 xã, tỉnh Thanh Hóa có 26 đơn vị hành chính cấp huyện (22 huyện, 2 thị xã và 2 thành phố) và 547 đơn vị hành chính cấp xã.
Bên cạnh đó, giai đoạn 2016-2021 tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành vượt chỉ tiêu tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW (giảm trên 10% biên chế cán bộ, công chức, viên chức). Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện đúng lộ trình, kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026, với việc giảm 5% cán bộ, công chức và 10% viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước...
Những kết quả đạt được từ quá trình triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW, sẽ là cơ sở để Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực, quyết tâm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mới. Một trong số đó là tiến hành sáp nhập các ban, sở, ngành, đơn vị theo định hướng của Trung ương; đồng thời, gắn tinh gọn bộ máy với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ. Đây sẽ là nhiệm vụ nhiều khó khăn và phức tạp. Do đó, công tác tư tưởng phải đi trước một bước để thay đổi tư duy, tầm nhìn và nhận thức; đồng thời, đòi hỏi bản lĩnh, ý chí và tinh thần đoàn kết, thống nhất rất cao của cả hệ thống chính trị. Và, hơn lúc nào hết là phải phát huy cao độ tinh thần “dĩ công vi thượng” vì lợi ích chung.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Thời điểm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa. Để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi. Muốn vậy cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”. Như vậy, “cuộc cách mạng” tinh gọn tổ chức bộ máy lúc này, là câu chuyện quyết tâm làm và làm cho hiệu quả, chứ không còn là câu chuyện để bàn. Và chỉ có như vậy mới thật sự tạo ra một cuộc biến đổi lớn, góp phần tạo dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín mới của quốc gia - dân tộc.