Sắp xếp, tinh gọn là để bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, việc tinh gọn bộ máy để giảm chi thường xuyên chỉ là một phần, mục tiêu quan trọng hơn là để bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy phát triển đất nước trong giai đoạn tới.
![Tổng Bí thư Tô Lâm. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_207_51466609/d627493b7975902bc964.jpg)
Tổng Bí thư Tô Lâm. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)
Sáng 13/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Phát biểu tại thảo luận Tổ 1 (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, bộ máy hiện còn cồng kềnh, nhiều lĩnh vực chồng chéo, chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan phân định chưa rõ ràng, do đó việc rà soát, sắp xếp là rất cần thiết.
Chủ trương tinh gọn, sắp xếp bộ máy được Nhân dân, các cơ quan, Quốc hội đồng tình ủng hộ và tổ chức triển khai thực hiện rất nhanh, rất tốt; cho thấy đây là chủ trương rất đúng, được Nhân dân mong đợi từ rất lâu. Việc tinh gọn bộ máy để giảm chi thường xuyên chỉ là một phần, mục tiêu quan trọng hơn là để bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy phát triển đất nước trong giai đoạn tới.
![Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận Tổ sáng 13/2. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_207_51466609/e7434c5f7c11954fcc00.jpg)
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận Tổ sáng 13/2. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)
Để đưa đất nước phát triển, Tổng Bí thư cho rằng có 2 nhiệm vụ rất quan trọng là phải có sự tăng trưởng kinh tế, từ đó bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân trên tất cả các lĩnh vực. “Điều đó mới thể hiện được hiệu năng, hiệu lực của bộ máy nhà nước. Chúng ta nói tăng trưởng mấy con số, nhưng nếu đời sống người dân không được nâng lên thì tăng trưởng đó để đi đâu”, Tổng Bí thư Tô Lâm nói.
Bên cạnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy, vấn đề thứ hai được Tổng Bí thư đặt ra là phải có hệ thống quy định pháp lý, pháp luật để bộ máy nhà nước và toàn dân thực hiện; toàn xã hội đồng lòng thực hiện. Đồng thời, cần bố trí đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao được hiệu lực, hiệu quả, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật đúng với quy định.
“Mô hình tổ chức bộ máy đã sắp xếp, cơ bản được đồng tình, từ Trung ương, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đến chính quyền địa phương, cơ sở, người dân đồng thuận; cơ chế để hoạt động, hệ thống pháp luật bây giờ chúng ta đang thực hiện; sau đó phải bố trí được đội ngũ cán bộ để thực thi nhiệm vụ hết lòng, hết sức vì dân, vì Đảng. Lộ trình bước đi là như thế, chúng ta đang làm từng bước một”, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết.
Nhận định thời điểm này là “thời cơ vàng” để thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, Tổng Bí thư phân tích, nếu để sau Đại hội lần thứ XIV của Đảng thì không làm được. Do đó, thời điểm này triển khai rất hợp lý, sau đó triển khai Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Trong quá trình này, Tổng Bí thư cho biết đã nghiên cứu kỹ về các yêu cầu nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy. Tham khảo kinh nghiệm của thế giới cho thấy các quốc gia đều phải quan tâm đến vấn đề này, bởi bộ máy không hiệu quả thì Nhân dân không còn tín nhiệm. Sự hài lòng của người dân là thước đo hiệu quả điều hành của bộ máy.
![Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi với các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_207_51466609/0855a64996077f592616.jpg)
Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi với các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)
Tổng Bí thư cho rằng khả năng lãnh đạo, tầm nhìn dài hạn, khả năng thích ứng, ưu tiên chiến lược và sự đổi mới của chính quyền, của Chính phủ là những tiêu chí để đánh giá hiệu năng và kết quả của bộ máy.
“Mỗi một giai đoạn, mỗi cuộc cách mạng, mỗi đường lối lại cần có một bộ máy để thực thi. Chúng ta xác định phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì bộ máy, chính sách pháp luật phải bảo đảm được mục tiêu đó”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư cho rằng, yêu cầu giai đoạn mới của đất nước đòi hỏi phát triển với tốc độ rất cao, rất nhanh nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng bộ máy nhà nước hiện nay nặng nề, vậy có phát huy được hết hiệu quả và tiềm lực hay không? Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy chỉ là bước đầu, đây là cả một quá trình cần được tiếp tục đánh giá...
Tổng Bí thư lấy ví dụ về một quận, huyện của Hà Nội như Đông Anh, Hoàn Kiếm thu ngân sách bằng nhiều tỉnh, thậm chí hơn hàng chục lần so với một số tỉnh. “Tại sao một huyện, một quận với quy mô đất đai, tài nguyên và dân số hạn chế, lại có thể làm được những điều như vậy? Thực tế đó đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề phải nghiên cứu, phải suy nghĩ”, Tổng Bí thư đặt vấn đề.
Mục tiêu của cuộc cải cách về tổ chức bộ máy, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Chỉ có tăng trưởng thì mới có đủ tiềm lực bảo vệ đất nước, bảo vệ Tổ quốc, đủ điều kiện để thực thi các chính sách của Đảng, Nhà nước, đạt được các mục tiêu mới, bỏ được nguy cơ tụt hậu, không còn cách nào khác. Những gì cản trở ta phát triển, cái gì là điểm nghẽn thì phải giải quyết”, Tổng Bí thư nhấn mạnh và yêu cầu bộ máy nhà nước phải làm sao để phục vụ cho sự phát triển của xã hội, phải động viên được Nhân dân, doanh nghiệp tham gia tích cực vào xây dựng, phát triển đất nước; phải nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân để thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội vào quá trình nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính, củng cố nền dân chủ; nếu không huy động được sức mạnh của Nhân dân thì sẽ rất khó khăn.
Ngoài ra, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy cũng cần tính đến khả năng phối hợp, năng lực thực thi chính sách của bộ máy; khả năng quản lý về ngân sách. Nhiều năm qua, chúng ta luôn có tình trạng “có tiền nhưng không tiêu được”. “Tiềm lực chúng ta có, tại sao không phát triển được, đầu tư công không được. Luật lệ phức tạp, đủ các quy định mới có thể chi được tiền. Rồi các vấn đề về hợp tác công - tư cũng vướng mắc”, Tổng Bí thư nêu rõ.
Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng là vấn đề được tính tới khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Theo Tổng Bí thư, chúng ta cần nhìn nhận vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu so sánh với chính bản thân mình, các thành quả của Việt Nam thời gian qua là rất to lớn, vĩ đại, song khi nhìn ra các nước trong khu vực và trên thế giới, Tổng Bí thư cho rằng chúng ta đang quá chậm, khả năng cạnh tranh quốc gia rất khó khăn.
Đề cập đến mục tiêu tăng trưởng 2 con số giai đoạn tới, Tổng Bí thư đề nghị nhận diện các cản trở, điểm nghẽn để sớm khơi thông, huy động mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ Nhân dân. Theo Tổng Bí thư, nếu được người dân đồng tình, ủng hộ thì sức mạnh sẽ được phát huy.