Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Khó vẫn phải làm

Câu chuyện về sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy, giảm đầu mối, nhân sự... đang được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức thảo luận, bàn phương án, giải pháp. Việc sắp xếp, tinh giản biên chế liên quan trực tiếp đến nhân sự nên ảnh hưởng tâm trạng của phần lớn công chức, viên chức nhất là đối với cơ quan, đơn vị phải sáp nhập, dừng hoạt động...

Trong bất kỳ lĩnh vực gì, cơ chế, chính sách liên quan tới con người luôn thu hút sự quan tâm, chú ý và gặp không ít khó khăn khi triển khai thực hiện. Thời điểm này, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW nên Đảng, Nhà nước, Chính phủ yêu cầu cả hệ thống chính trị phải nỗ lực, kiên quyết sắp xếp, tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối bên trong mỗi cơ quan, đơn vị; sáp nhập các cơ quan có chức năng tương đồng theo hướng “một người làm nhiều việc”. Động chạm tới quyền lợi, việc làm nên sắp xếp, tinh gọn rõ ràng là việc khó. Tại hội nghị của Chính phủ triển khai việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, đây là việc khó, thậm chí rất khó nhưng không làm không được và khó mấy cũng phải làm, vì hiện nay bộ máy cồng kềnh, nhiều cấp trung gian, nhiều cấp hành chính dẫn tới nhiều công việc ách tắc.

Cán bộ Kho bạc Nhà nước Điện Biên tiếp nhận hồ sơ thanh toán vốn đầu tư công năm 2024. Ảnh: Phạm Trung

Cán bộ Kho bạc Nhà nước Điện Biên tiếp nhận hồ sơ thanh toán vốn đầu tư công năm 2024. Ảnh: Phạm Trung

Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc sẽ là lực cản đối với sự phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị nhiều đầu mối làm giảm tính linh hoạt trong quản lý, lãng phí nguồn lực và hơn cả là giảm lòng tin của nhân dân khi phải qua nhiều khâu, nhiều cửa chưa giải quyết xong thủ tục. Trong khi đó, ngay với đội ngũ công chức, viên chức chế độ lương chưa đủ đáp ứng yêu cầu cuộc sống nên phải “ăn cắp giờ nhà nước” làm việc khác kiếm thêm thu nhập. Thế nên việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy phải gắn với xem xét chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sắp xếp. Thời điểm sắp xếp là không thể lùi bởi “không phải lúc này thì chẳng còn lúc nào” khi cả nước đang chuẩn bị tổ chức đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Nói như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là “chỉ bàn làm không bàn lùi”; mỗi cơ quan, đơn vị sáp nhập, sắp xếp tinh gọn không chỉ giảm số lượng nhân sự mà xóa bỏ chức năng chồng chéo, tăng sự minh bạch, hiệu quả trong quản lý.

Trung ương làm gương đi trước với phương án sáp nhập các bộ, bỏ một số ban chỉ đạo, cắt giảm các tổng cục, cục, vụ... Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Điện Biên quán triệt việc tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW tới các cấp, thành lập ban chỉ đạo của tỉnh; yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc phương án sáp nhập, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong mỗi cơ quan. Ban Dân vận Tỉnh ủy sáp nhập với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; kết thúc hoạt động của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh thành lập Đảng bộ Chính quyền cấp tỉnh; hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND huyện theo định hướng của Trung ương. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh định hướng các cơ quan không thuộc diện sáp nhập, hợp nhất thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy giảm từ 15% - 20% đầu mối tổ chức bên trong, giảm 5% - 10% biên chế công chức, viên chức. Rà soát, kết thúc hoạt động của các ban chỉ đạo, tổ chức phối hợp liên ngành, chỉ giữ lại ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết. Sắp xếp, sáp nhập tổ chức bộ máy sẽ dôi dư nhân sự và đây là vấn đề không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Vì vậy, theo định hướng, những người đã gần tới tuổi nghỉ hưu hoặc có mong muốn làm việc ngoài nhà nước đề xuất nghỉ sớm để có phương án bố trí công việc. Cùng với sắp xếp là cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Bằng sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, sự quyết tâm, nỗ lực của mỗi địa phương sẽ tạo thành liều thuốc mạnh cắt bỏ “khối u phình biên chế” với bộ máy cồng kềnh nhưng không hiệu quả. Hệ thống chính trị chuyển từ “một việc nhiều người làm” sang “một người làm nhiều việc” từ Trung ương tới cấp nhỏ nhất là thôn, bản, tổ dân phố. Sắp xếp bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả cũng phải có phương án giữ chân người tài, người có năng lực thực sự, cắt giảm những người đi làm theo kiểu dựa vào ngân sách nhà nước. Thực tế, chi thường xuyên từ Trung ương tới địa phương đều ở mức cao, chiếm khoảng 70% tổng chi trong khi nguồn lực cho đầu tư phát triển có xu hướng bị thu hẹp, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội khó hoàn thành. Do đó, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ giảm gánh nặng ngân sách, dành nguồn lực chi đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội.

Các bộ ngành đang vào cuộc với tinh thần khẩn trương, các địa phương đồng thuận triển khai thực hiện nghiêm túc sẽ là liều thuốc trị căn bệnh “bộ máy biên chế phình to”, hệ thống chính trị “đông nhưng thiếu tinh thông”. Đây là cuộc cách mạng không dễ thực hiện nếu thiếu sự quyết tâm, nỗ lực.

Hà Anh

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/chinh-tri/sap-xep-tinh-gon-bo-may-kho-van-phai-lam33
Zalo