Sắp xếp tinh gọn bộ máy: Khó mấy cũng phải làm
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã được đặt ra từ lâu. Thời gian qua, các cấp, các ngành cũng đã có lộ trình và chỉ tiêu cụ thể về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Tuy nhiên, thời điểm này, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, của Tổng Bí thư Tô Lâm, nước ta đang tập trung triển khai toàn diện, sâu rộng, khẩn trương từ Trung ương đến địa phương.
Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, hành động quyết liệt
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy được các cấp, các ngành triển khai quyết liệt với tinh thần quyết tâm cao nhất, nhằm nâng cao năng lực quản lý và điều hành đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại.
Theo đó, cuộc “cách mạng” này yêu cầu phải được nhất quán tuân thủ và nghiêm túc triển khai theo định hướng và sắp xếp của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, bảo đảm tiến độ tinh gọn bộ máy.
Lấy cải cách nền hành chính là trọng tâm
Hiện các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương đang triển khai các phương án sắp xếp, sáp nhập. Công tác tinh gọn bộ máy gắn với tổ chức lại bộ máy khoa học hơn, lấy cải cách bộ máy nhà nước, cải cách nền hành chính là trọng tâm, đồng thời với cải cách, đổi mới hệ thống chính trị. Dư luận cho rằng, nếu hoàn thành công cuộc này thì nước ta sẽ phát triển đến một trình độ ngang tầm với các quốc gia phát triển.
Triển khai chỉ đạo của Trung ương Đảng, còn nhớ vào chiều tối 30/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Sau khi nghe các báo cáo, ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số quan điểm về phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, đó là bảo đảm phù hợp Hiến pháp, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị trong quá trình tổng kết thực hiện Nghị quyết, tiếp tục xây dựng bộ máy nhà nước theo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".
Theo đó, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ phải theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và của Bộ Chính trị; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan; kế thừa những thành tựu, tiếp tục đổi mới Chính phủ đồng bộ với đổi mới Quốc hội, cơ quan tư pháp trên quan điểm xây dựng Chính phủ dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ lần này có phạm vi tác động rộng, là việc phức tạp, nhạy cảm, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, quá trình thực hiện cần tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó; phải đoàn kết, thống nhất và đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Bộ máy cồng kềnh, nặng gánh ngân sách
Trả lời phỏng vấn báo chí, TS. Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục)- người đã có nhiều năm tâm huyết đóng góp cho công tác sắp xếp tổ chức bộ máy cho rằng, chủ trương tinh gọn bộ máy của cả hệ thống chính trị hiện đang được triển khai sẽ mang lại kết quả rất lớn để xây dựng bộ máy “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” như Tổng Bí thư Tô Lâm và Trung ương đã xác định.
Theo TS. Nguyễn Viết Chức, lần này, từ chỉ đạo của Trung ương, của Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta triển khai một cách toàn diện, tức là cả hệ thống chính trị, bao gồm 3 bộ phận là Đảng, Nhà nước và Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội. Tính chất đặc biệt của tinh gọn bộ máy lần này là ở đây, chúng ta không cắt giảm một cách cơ học mà sẽ tổ chức bộ máy khoa học hơn, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Cách đây nửa năm, tại cuộc họp báo của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã thông tin về việc Bộ này đang tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính của các bộ. “Đây là những việc làm hết sức hệ trọng. Tổ chức bộ máy của chúng ta cồng kềnh, tầng nấc, ngân sách gồng gánh cho bộ máy rất nặng. Ngân sách chi cho hệ thống hành chính chiếm tới 63%. Nếu không sắp xếp thì rất khó. Dù đây là việc nhạy cảm phức tạp, dù khó khăn đến mấy vẫn phải quyết tâm làm. Trung ương đã làm và đang làm. Địa phương cũng đã tích cực sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay
Để thực hiện thành công cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị lần này, không chỉ dừng lại ở việc thu gọn đầu mối mà theo TS. Nguyễn Viết Chức, cần đưa các cơ quan, tổ chức về đúng vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ của mình.
Trên thực tế, đây là việc làm khó và đòi hỏi phải có sự quyết tâm chính trị mạnh mẽ, sự lãnh đạo sáng suốt từ các cấp cao nhất và sự đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị. Đây cũng không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là sứ mệnh dài hạn, nhằm mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương
Tại Nghị quyết số 240/NQ-CP ngày 17/12/2024 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2024, Chính phủ cho ý kiến về 6 đề nghị xây dựng luật, 1 dự án pháp lệnh, trong đó có Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Chính phủ thống nhất sự cần thiết xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của Chính phủ, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới.
Chính phủ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến, đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính. Tích cực tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng dự án Luật.
Để thực hiện được, Bộ Nội vụ sẽ phải làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến việc phân công trong nội bộ từng cơ quan, cũng như cơ chế vận hành, quyền hạn và trách nhiệm của tập thể cơ quan với cá nhân người đứng đầu, qua đó giúp bộ máy của Chính phủ vận hành hiệu quả.
Đáng lưu ý, Chính phủ cơ bản thống nhất với mục tiêu của chính sách phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa Trung ương và chính quyền địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương. Việc xây dựng nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, HĐND, UBND các cấp, tránh chồng chéo trùng lắp nhằm triển khai kịp thời các chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với chính quyền địa phương.
Chính phủ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý vướng mắc, bất cập liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền, ủy quyền tại Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật liên quan theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".