Sắp xếp để đảm bảo hiệu quả việc quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công trong lĩnh vực y tế
Theo Bộ Y tế, việc sắp xếp này để bảo đảm quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công của các cơ sở y tế hiệu quả, tiết kiệm, minh bạch, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao sau thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đồng thời, tránh lãng phí tài sản, bảo đảm duy trì hoạt động khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân không bị gián đoạn...

Ảnh minh họa.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ Y tế hướng dẫn sắp xếp, bố trí diện tích làm việc, cơ sở hạ tầng y tế.
SỬ DỤNG HIỆU QUẢ CƠ SỞ HẠ TẦNG Y TẾ
Về nguyên tắc sắp xếp, Bộ Y tế nhấn mạnh, cơ bản duy trì, giữ nguyên trụ sở, nhà đất, cơ sở hạ tầng hiện có của các cơ sở y tế các cấp, để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân theo địa bàn, khu vực.
Việc sắp xếp trụ sở, nhà đất, cơ sở hạ tầng phải phù hợp với phương án bố trí, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp đã được phê duyệt.
Căn cứ điều kiện về trụ sở hiện có, hạ tầng giao thông, phương tiện đi lại, hạ tầng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, các địa phương có thể bố trí duy trì, sử dụng làm việc tại các cơ sở phục vụ hoạt động chuyên môn theo yêu cầu chức năng, nhiệm vụ.
Trong đó, lựa chọn hoặc bổ sung cơ sở nhà, đất mới làm nơi điều hành chính, đảm bảo thuận lợi và đồng bộ trong việc điều hành chung của chính quyền địa phương mới.
Việc xử lý, tiếp nhận tài sản dôi dư cần thực hiện chặt chẽ, tuân thủ hướng dẫn tại công văn số 2950 ngày 11/3/2025 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và các quy định pháp luật hiện hành. Đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí tài sản công.
Các địa phương cũng cần thống kê diện tích quỹ đất, diện tích xây dựng, tổng diện tích sàn xây dựng, cấp công trình của tất cả các cơ sở y tế hiện có trên địa bàn (hoặc sử dụng kết quả kiểm kê đã thực hiện để phục vụ cho công tác sắp xếp tổ chức mô hình địa phương 2 cấp), để làm cơ sở tổng hợp, báo cáo đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sắp xếp, bố trí diện tích làm việc của các cơ sở y tế của từng địa phương.
Đồng thời, xây dựng danh mục các hạng mục cần đầu tư, sửa chữa, cải tạo hoặc xây mới đối với từng cơ sở y tế, nhằm bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu hoạt động, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ sau khi sắp xếp, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Danh mục này là cơ sở để đề xuất tiếp nhận, phân bổ và sử dụng hiệu quả tài sản dôi dư (nếu có). Trên cơ sở đó, triển khai công tác đầu tư xây dựng cho từng cơ sở y tế theo đúng quy định hiện hành.
PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP CƠ SỞ Y TẾ THEO TUYẾN
Về phương án sắp xếp, bố trí cụ thể theo tuyến, trong đó đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không thực hiện sáp nhập, sắp xếp chính quyền cấp tỉnh: Đối với cơ sở y tế không thay đổi, không bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thì cơ bản duy trì, giữ nguyên trụ sở, nhà đất hiện có.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, củng cố và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng y tế hiện có, để đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, và khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn.

Quá trình sắp xếp cần bảo đảm duy trì hoạt động khám, chữa bệnh cho nhân dân không bị gián đoạn. Ảnh minh họa: Tuấn Dũng.
Đối với cơ sở y tế có thay đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, cần chủ động rà soát nhu cầu.Trước mắt, sắp xếp điều chỉnh bổ sung từ các trụ sở dôi dư trên địa bàn, để đáp ứng và phù hợp với yêu cầu thực hiện ngay chức năng, nhiệm vụ mới sau khi sắp xếp mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện sáp nhập, sắp xếp chính quyền cấp tỉnh: Thực hiện rà soát, thống kê toàn bộ trụ sở, cơ sở vật chất và tài sản hiện có của các cơ sở y tế cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý.
Đánh giá mức độ phù hợp của cơ sở hạ tầng hiện tại, với yêu cầu hoạt động và quy mô dân số của đơn vị hành chính mới sau sắp xếp.
Đối với cơ sở y tế cấp huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) trước đây: Việc sắp xếp các cơ sở y tế cấp huyện được thực hiện rà soát, điều chỉnh chức năng để phù hợp với mô hình quản lý mới theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, đảm bảo tính liên tục và hiệu quả trong cung cấp dịch vụ y tế cho người dân
Xây dựng kế hoạch sử dụng hiệu quả các tài sản công này, bao gồm cả việc nâng cấp, cải tạo hoặc điều chuyển để đảm bảo không gây xáo trộn, tạo thuận lợi tối đa cho người dân được tiếp cận dịch vụ y tế, và phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Các cơ sở y tế hiện có giữ nguyên trụ sở, nhà đất tiếp tục duy trì hoạt động. Cùng với đó, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của cấp có thẩm quyền, để đảm bảo tính liên tục trong cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe người dân.
Đối với trạm y tế xã, phường, Bộ Y tế yêu cầu tập trung củng cố, tăng cường năng lực cho các trạm y tế hiện có tại các đơn vị hành chính mới được hình thành sau sáp nhập.
Ưu tiên sử dụng các cơ sở trạm y tế hiện có phù hợp để duy trì hoạt động y tế tại các địa bàn sáp nhập, đảm bảo người dân tiếp cận thuận lợi các dịch vụ y tế ban đầu.
Trong trường hợp có nhiều trạm y tế tại cùng một đơn vị hành chính cấp xã mới, ưu tiên lựa chọn nơi có vị trí thuận lợi, cơ sở vật chất tốt nhất làm cơ sở chính.
Các cơ sở còn lại, địa phương rà soát, bố trí tiếp tục hoạt động, đáp ứng yêu cầu với chức năng, nhiệm vụ theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, để duy trì và mở rộng mạng lưới tiếp cận dịch vụ, phục vụ tốt nhất cho người dân.
Trường hợp cần thiết, xem xét điều chỉnh, bổ sung thêm diện tích cho cơ sở chính từ các cơ sở dôi dư sau sắp xếp, để đảm bảo phù hợp với yêu cầu và chức năng, nhiệm vụ mới.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, việc sắp xếp áp dụng đối với các loại hình cơ sở y tế (không bao gồm các loại hình cơ sở hành chính như Sở Y tế, hoặc phòng y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện trước khi sắp xếp theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp), bao gồm:
Trạm Y tế xã, phường, thị trấn sau khi sắp xếp theo mô hình chính quyền 2 cấp; cơ sở y tế cấp quận, huyện trước khi sắp xếp theo mô hình chính quyền 2 cấp.
Cơ sở y tế cấp tỉnh, bao gồm: Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, trung tâm chuyên khoa, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), và các cơ sở y tế khác thuộc Sở Y tế quản lý, đặc biệt là các cơ sở có sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ hoặc mô hình tổ chức do sự điều chỉnh sau khi sắp xếp theo mô hình chính quyền 2 cấp.
Các loại hình tài sản công, bao gồm đất, nhà cửa, công trình xây dựng và các tài sản khác gắn liền với đất và công trình thuộc quyền quản lý của các cơ sở y tế nêu trên.