Sắp xếp bộ máy Nhà nước: Cán bộ, công chức mang thai và có con nhỏ không thuộc diện nghỉ việc
Bộ Nội vụ đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động khi Chính phủ tiến hành sắp xếp bộ máy.
Bộ Nội vụ vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ thực hiện việc chi trả chế độ cho người lao động nằm trong diện dôi dư do sắp xếp bộ máy.
Người về hưu trước tuổi được hưởng ba chế độ
Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất quy định cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (trước thời điểm ngày 15-1-2019 và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động được áp dụng chính sách như công chức) chịu tác động do sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền. Tuy nhiên, mức hưởng, thời gian hưởng có sự khác nhau.
Cụ thể, các đối tượng nêu trên có nhiều năm công tác trong khu vực Nhà nước sẽ được hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi. Khi về hưu sớm hơn 5 tuổi so với quy định họ không bị trừ tỉ lệ lương hưu do nghỉ hưu sớm hơn quy định, đồng thời được trợ cấp bằng 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ sớm.
Với những người còn trên 5 năm đến đủ 10 năm mới đến tuổi nghỉ hưu ngoài chính sách không bị giảm trừ tỉ lệ lương hưu thì được trợ cấp bằng 4 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu sớm.
Thêm vào đó, hai nhóm đối tượng nghỉ hưu trước tuổi còn được hưởng trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
Ngoài ra, người lao động thuộc diện nghỉ hưu trước tuổi còn được hưởng chính sách hưu trí một lần; trường hợp được khen thưởng sẽ tiếp tục được hỗ trợ theo quy định.
Như vậy, đối tượng thuộc diện về hưu trước tuổi được hưởng 3 chính sách gồm: chế độ nghỉ hưu trước tuổi, hưu trí một lần và chế độ khen thưởng.
Chính phủ cũng lần đầu tiên hỗ trợ người về hưu trước tuổi bằng tiền lương hiện hưởng, thay vì tiền lương bình quân như trước đây.
Chính sách với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý
Dự thảo nghị định cũng đề xuất cán bộ đã quá tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng được Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định kéo dài thời gian công tác làm việc trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, nếu nghỉ hưu được trợ cấp hưu trí một lần bằng 30 tháng tiền lương hiện hưởng và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Chính sách với cán bộ, công chức
Đối với cán bộ, công chức đang làm việc trong khu vực Nhà nước (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã), có tuổi đời còn đủ 2 tuổi trở lên đến tuổi nghỉ hưu và không đủ điều kiện hưởng chính sách, chế độ nghỉ hưu trước tuổi, nếu nghỉ thôi việc thì được hưởng bốn chế độ sau:
Một là, được hưởng trợ cấp thôi việc: Trường hợp nghỉ thôi việc trong thời hạn 12 tháng thì được hưởng trợ cấp bằng 0,8 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc.
Trường hợp nghỉ từ tháng thứ 13 trở đi thì được hưởng bằng 0,4 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc (tối đa là 60 tháng).
Hai là, được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Ba là, được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Bốn là, được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm.
Chính sách với viên chức người lao động
Viên chức và người lao động, không bao gồm người làm việc ở các đơn vị sự nghiệp công lập khác, Bộ Nội vụ đề xuất họ được hưởng bốn chế độ như cán bộ, công chức nghỉ thôi việc nêu trên.
Tuy nhiên, chế độ thứ 4 (tiền lương tìm việc làm) viên chức và người lao động hưởng trợ cấp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trả, thay vì ngân sách nhà nước chi như với cán bộ và công chức.
Chế độ cho lãnh đạo quản lý
Dự thảo Nghị định cũng đề xuất cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc được bầu cử, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thấp hơn do sắp xếp tổ chức sẽ được hưởng các chính sách sau:
Người lao động được bảo lưu mức lương chức vụ cũ hoặc phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ đến hết nhiệm kỳ bầu cử hoặc hết thời hạn giữ chức vụ. Trường hợp đã giữ chức vụ theo nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời hạn bổ nhiệm còn dưới 6 tháng thì được bảo lưu 6 tháng.
Chính sách đi công tác cơ sở
Bộ Nội vụ cũng đề xuất, cán bộ, công chức, viên chức ở Trung ương và địa phương được cử đi công tác tăng cường ở cấp xã, được hưởng các chế độ sau:
- Được hưởng tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) theo vị trí việc làm trước khi được cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi.
- Trợ cấp 1 lần bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác.
- Được hưởng chính sách đối với đơn vị công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Sau khi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ tại cơ sở, được tiếp nhận trở lại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cử đi hoặc được cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp; đồng thời, được nâng lương vượt 1 bậc và được bộ, ban, ngành và tỉnh xem xét khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức ở Trung ương và địa phương được cử đi công tác tăng cường ở cấp tỉnh, cấp huyện, được hưởng các chế độ tương tự như trên, chỉ khác mức trợ cấp một lần chỉ bằng 3 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác.
Chính sách khuyến khích người tài
Bộ Nội vụ để xuất đưa vào dự thảo nghị định quy định chính sách trọng dụng người có phẩm chất, năng lực nổi trội. Theo đó, người tài sẽ được hưởng bốn chế độ gồm:
- Được nâng lương vượt 1 bậc.
- Được hưởng tiền thưởng do Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định trong tối đa 50% quỹ tiền thưởng.
- Được quan tâm, ưu tiên quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí vào vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp trên.
- Được hưởng chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Nghị định khác của Chính phủ.
Một điểm đáng chú ý trong dự thảo Nghị định là việc cơ quan soạn thảo đề xuất không cho nghỉ việc đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp cá nhân tự nguyện nghỉ việc.
Thêm vào đó, những người đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị thanh tra, kiểm tra do có dấu hiệu vi phạm cũng không thuộc diện áp dụng các chính sách nêu trên.
Nghị định này dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.
Theo Bộ Nội vụ, nếu được Chính phủ thông qua các đề xuất trên ngân sách Trung ương sẽ chi ra khoảng 130.000 tỉ đồng để thực hiện. Trong đó, 111.000 tỉ đồng kinh phí chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ; 4.000 tỉ đồng kinh phí chi trả chính sách, chế độ đối với người lao động; 9.000 tỉ đồng kinh phí chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã; 4.000 tỉ đồng kinh phí đóng bảo hiểm xã hội và 2.000 tỉ đồng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng.