Sắp xếp bộ máy gắn với phân cấp, phân quyền, không để ách tắc, gây phiền hà

Bộ Xây dựng triển khai đúng mục tiêu, tiến độ các nhiệm vụ; đặc biệt là công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cải cách hành chính.

Sáng 8/1, Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Trụ sở Chính phủ với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, năm 2024, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội để chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, khoa học, linh hoạt với phương châm "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững". Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phục hồi rất tích cực, đạt nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực.

Trong tham luận gửi đến Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ triển khai đúng mục tiêu, tiến độ các nhiệm vụ; đặc biệt là công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cải cách hành chính đã được đẩy mạnh; cơ chế, chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện, thị trường bất động sản từng bước được phục hồi qua giai đoạn khó khăn nhất, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành xây dựng từng bước ổn định.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

* Phát triển nhà ở và thị trường bất động sản

Khởi công xây dựng 440 căn nhà ở xã hội tại Khu đô thị Hạ Đình (Hà Nội). Ảnh: Linh Khánh/TTXVN

Khởi công xây dựng 440 căn nhà ở xã hội tại Khu đô thị Hạ Đình (Hà Nội). Ảnh: Linh Khánh/TTXVN

Đối với chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho vay khoảng 4.000 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt 2.360 tỷ đồng (2.162 tỷ đồng cho chủ đầu tư vay tại 17 dự án; 198 tỷ đồng cho người mua nhà tại 15 dự án).

* Sắp xếp tổ chức, bộ máy phải gắn với phân cấp, phân quyền mạnh mẽ

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, năm 2025, ngành Xây dựng sẽ tiếp tục chủ động, tập trung hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, đặc biệt là các nhiệm vụ trong các chiến lược phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, ngành tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; đảm bảo nội dung, chất lượng của các dự án, đề án, văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngay đầu năm 2025, Bộ Xây dựng có 2 luật phải trình Quốc hội cho ý kiến, đó là Luật Cấp, thoát nước (trình Chính phủ trong tháng 1/2025) và Luật Quản lý phát triển đô thị (trình Chính phủ trong tháng 2/2025). Bộ sẽ tập trung triển khai theo đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Bộ thực hiện nghiêm, triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới; đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm; triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Công điện số 130/CĐ-TTg về việc đôn đốc chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính liên thông, dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, hướng dẫn, giám sát công tác giải quyết các thủ tục của đội ngũ cán bộ, công chức, không để kéo dài thời gian thực hiện thủ tục. Tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường bất động sản, kịp thời xử lý, đề xuất biện pháp, giải pháp điều tiết thị trường bảo đảm thị trường phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, chấp hành nghiêm chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Chính phủ về việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ Xây dựng đã thực hiện tổng kết Nghị quyết 18, cùng với Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện nội dung đề án hợp nhất 2 Bộ trình Chính phủ.

Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng xác định rõ đây là công việc đặc biệt quan trọng; khó khăn, phức tạp, nhạy cảm. Do đó, mỗi lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, phải gương mẫu, quyết liệt trong quá trình thực hiện, bám sát các nguyên tắc của Đảng, cương lĩnh chính trị, điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật và thực tiễn; nghiêm túc quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao, “cùng vì sự nghiệp và nhiệm vụ chính trị chung; tin tưởng vào sự hợp nhất là sức mạnh”.

Việc sắp xếp tổ chức, bộ máy phải gắn với phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương. Sau sắp xếp, bộ máy phải vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, hiệu suất phải tốt hơn trước đây; không để bỏ trống các lĩnh vực quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ; không chồng chéo chức năng nhiệm vụ; không để ách tắc trong công việc, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Bộ Xây dựng đồng thuận cao, quyết tâm thực hiện và dù ở bất cứ vị trí nào cũng nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chu Thanh Vân/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/sap-xep-bo-may-gan-voi-phan-cap-phan-quyen-khong-de-ach-tac-gay-phien-ha/359491.html
Zalo