Sắp xếp bộ máy để tạo nguồn tăng lương

Tiền lương đã bắt đầu tăng từ 1/7/2024, đồng nghĩa với việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tinh giản biên chế cần được ưu tiên.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn của các ĐBQH về cải cách tiền lương, xây dựng danh mục vị trí việc làm. Ảnh: Quang Vinh.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn của các ĐBQH về cải cách tiền lương, xây dựng danh mục vị trí việc làm. Ảnh: Quang Vinh.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế là một trong các nguồn để cải cách tiền lương. Tổng mức cho cả giai đoạn 2024-2026 lên đến hơn 900 nghìn tỷ đồng. Do đó từ nay đến năm 2026 cần tiếp tục tiết kiệm để phục vụ cho tăng lương và 10% tiền thưởng.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, trong 6 tháng đầu năm 2024, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, về cơ bản các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Do đó, số lượng tổ chức bên trong bộ máy hành chính nhà nước tương đối ổn định, các bộ, cơ quan ngang bộ không có biến động về số lượng tổng cục, vụ, cục và tương đương. Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố đã tích cực tham mưu UBND cấp tỉnh thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính. Theo đó đã giảm 10 tổ chức (chi cục, phòng và tương đương) của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (hiện còn 7.117 tổ chức) và giảm 8 tổ chức phòng và tương đương thuộcUBND cấp huyện (hiện còn 6.983 tổ chức).

Kết quả thực hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức trong 6 tháng đầu năm 2024 của bộ, ngành, địa phương theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ tổng số là 3.853 người; trong đó, bộ, ngành là 107 người (47 công chức, 60 viên chức), địa phương là 3.746 người (530 công chức, 3.216 viên chức).

Đến nay có 53 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 đã hoàn thiện phương án tổng thể. Trong đó cấp huyện thực hiện sắp xếp là 49 đơn vị (bao gồm 9 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 40 đơn vị khuyến khích và liền kề, sau sắp xếp dự kiến giảm 12 đơn vị), cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.247 đơn vị (bao gồm 745 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 502 đơn vị khuyến khích và liền kề, sau sắp xếp dự kiến giảm 624 đơn vị).

Tính đến ngày 30/6/2024, Bộ Nội vụ đã nhận được 28/53 hồ sơ đề nghị sắp xếp đơn vị hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, chủ trì tổ chức thẩm định, hoàn thiện trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Đề án của 5 địa phương, 9 địa phương đang hoàn thiện Đề án sau thẩm định; 14 địa phương đang hoàn thiện hồ sơ để tổ chức thẩm định (3 địa phương đã tổ chức khảo sát; 11 địa phương đang hoàn thiện hồ sơ) và 25 tỉnh, thành phố đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án.

Đối với cấp trung ương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2023, đã sắp xếp 17 tổng cục, 10 cục, 144 vụ, giảm gần 90% đơn vị hành chính số phòng của tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ. Bây giờ đang nỗ lực tiếp tục sắp xếp đơn vị sự nghiệp tại các bộ.

“Đây là việc rất nóng nhưng vô cùng hệ trọng. Ngân sách gồng gánh cho hệ thống hành chính rất nặng. Có lẽ ít nước nào có hệ thống hành chính nhà nước, nhất là các đơn vị sự nghiệp lớn như thế, các tổ chức hành chính cồng kềnh, ngân sách chi thường xuyên cho con người trong hệ thống chiếm tới 63%. Nếu không sắp xếp thì rất khó dù rằng đây là việc vô cùng nhạy cảm, phức tạp. Nhưng dù khó khăn đến mấy cũng phải làm, quyết tâm làm” - bà Trà nói.

Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết, sẽ tập trung hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 để các địa phương tổ chức đại hội đảng ở cơ sở vào năm 2025. Đồng thời kiên trì thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị và đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương bảo đảm mục tiêu, tiến độ của Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Trước đó, tại Thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 (tại phiên họp thứ 33), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương tổng hợp, rà soát các khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; kịp thời hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các quy trình, thủ tục liên quan đến công tác sắp xếp đơn vị hành chính để sớm hoàn thành các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong năm 2024.

Kết quả thực hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức trong 6 tháng đầu năm 2024 của bộ, ngành, địa phương theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ tổng số là 3.853 người; trong đó, bộ, ngành là 107 người (47 công chức, 60 viên chức), địa phương là 3.746 người (530 công chức, 3.216 viên chức).
Bên cạnh đó, đến nay có 53 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 đã hoàn thiện phương án tổng thể. Trong đó, cấp huyện thực hiện sắp xếp là 49 đơn vị (bao gồm 9 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 40 đơn vị khuyến khích và liền kề, sau sắp xếp dự kiến giảm 12 đơn vị), cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.247 đơn vị (bao gồm 745 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 502 đơn vị khuyến khích và liền kề, sau sắp xếp dự kiến giảm 624 đơn vị).

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/sap-xep-bo-may-de-tao-nguon-tang-luong-10285059.html
Zalo