Sáp nhập trung tâm GDTX, GDNN: Tình trạng chồng chéo tuyển sinh được khắc phục
Sáp nhập trung tâm GDTX, GDNN-GDTX là chủ trương tốt nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo phát triển nguồn nhân lực, khắc phục tình trạng chồng chéo trong tuyển sinh.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề cập trong Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI là: “Đánh giá toàn diện việc thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên cả nước để có giải pháp phù hợp, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và phát triển hệ thống này trong thời gian tới”.
Mô hình hoàn toàn phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của người dân
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Minh Vỹ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đánh giá, việc sáp nhập này là một mô hình hoàn toàn phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của người dân; đồng thời, thể hiện chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc đào tạo nghề và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội.
Sau 3 năm học tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, những học sinh đạt yêu cầu được cấp 02 bằng (bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và bằng trung cấp nghề). Đồng thời, người học sẽ có cơ hội được tuyển dụng làm việc tại các doanh nghiệp ngay khi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, người học cũng được hưởng những khoản trợ cấp nhất định. Theo Nghị quyết số 61/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang quy định một số chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025: Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học trình độ trung cấp, cao đẳng là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người không có nguồn nuôi dưỡng, được hỗ trợ 400.000 đồng/tháng. Học sinh ngoài đối tượng trên tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ 200.000 đồng/tháng. Đây là một sự khích lệ và là chính sách ngày càng thu hút nhiều người học hơn.
Ông Nguyễn Minh Vỹ cũng thông tin: “Về dạy học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông, Trung tâm đã chỉ đạo đội ngũ giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học; dạy học, kiểm tra, đánh giá học viên theo chuẩn kiến thức kỹ năng chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông; chỉ đạo giáo viên phân loại học viên để bồi dưỡng, kèm cặp, kết hợp với gần gũi động viên để các em bớt mặc cảm và tự ti. Chính vì vậy, chất lượng giáo dục toàn diện đã được nâng lên, năm sau cao hơn năm trước.
Trung tâm đã lựa chọn các trường cao đẳng có uy tín trong việc đào tạo nghề để liên kết đào tạo hệ trung cấp cho học sinh ngay từ lớp 10.
Đồng thời, trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, nhằm gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp nghề. Kết quả, hằng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp đạt trên 70%. Số còn lại, các em học liên thông lên cao đẳng”.
Năm học 2024-2025, tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện Lục Ngạn, có 38 lớp với 1.700 học sinh học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông. Năm học này, đơn vị đã được giao tuyển sinh 13 lớp 10, với 600 chỉ tiêu. 100% học sinh học văn hóa trung học phổ thông đều đăng ký học nghề trung cấp, tổng số lớp trung cấp là 67 lớp, tương đương với 1.700 học sinh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quý Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) cũng đánh giá: “Việc sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là xu hướng tất yếu nhằm thực hiện tốt chức năng, dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác tuyển sinh.
Đối với trung tâm sau khi sáp nhập, phải chủ động tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động, tích cực đổi mới phương pháp đào tạo, mở rộng chương trình liên kết, hợp tác với các đơn vị và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, qua đó nâng cao chất lượng công tác dạy nghề và giáo dục thường xuyên đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Nâng cao nhận thức về giáo dục nghề nghiệp, làm tốt hướng nghiệp, phân luồng
Theo vị Phó Giám đốc, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đăk Hà hiện có 08 lớp với hơn 350 học sinh. Trong công tác giáo dục thường xuyên, nhiều năm liên tục, trung tâm luôn đứng trong “top” về chất lượng thi học sinh giỏi các môn văn hóa, thi tốt nghiệp trung học phổ thông và giáo viên dạy giỏi khối giáo dục thường xuyên.
Ngoài ra, kết quả tuyển sinh đầu vào lớp 10 hằng năm luôn vượt chỉ tiêu được giao, học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông luôn đạt tỷ lệ từ 98% trở lên; trong đó có nhiều em đỗ vào các trường cao đẳng, đại học với số điểm cao.
“Bên cạnh nâng cao chất lượng dạy học văn hóa, trung tâm cũng đã làm tốt công tác liên kết đào tạo nghề và đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn. Trung tâm đã liên kết với các trường nghề, lựa chọn những nghề phù hợp, để đào tạo trên cơ sở hướng nghiệp và đăng ký theo nguyện vọng, sở thích của học viên với đa dạng các nghề như: hàn, công nghệ ô tô, điện dân dụng, tin học văn phòng…
Công tác đào tạo nghề gắn với phương pháp, chương trình giảng dạy theo phương châm “lý thuyết đi đôi với thực hành”, thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường lao động đã giúp các học viên dễ hiểu, dễ áp dụng những kiến thức, kỹ năng vào thực tế để tìm kiếm việc làm. 100% học viên khi vào học tại trung tâm đều được đăng ký học nghề theo nguyện vọng và được dạy nghề miễn phí.
Khi ra trường, các em vừa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông vừa có bằng trung cấp nghề. Hàng năm, Ban Giám đốc trung tâm làm công tác “đấu mối” với các tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện liên kết đầu ra cho học viên. Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các em đều tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm.
Ngoài ra, trung tâm còn thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về giáo dục nghề nghiệp và làm tốt việc hướng nghiệp, phân luồng thông qua Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, phụ huynh và học sinh; mở rộng, đa dạng hóa các ngành nghề, phối kết hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để liên kết đào tạo đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động.
Công tác giáo dục văn hóa kết hợp đào tạo nghề của trung tâm thời gian qua đã phát huy được hiệu quả rõ rệt. Học viên tốt nghiệp trung học phổ thông, lại có nghề trong tay để tìm việc làm…
Kết quả này cho thấy, hoạt động sáp nhập trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là hoàn toàn hợp lý” - ông nguyễn Quý Châu cho biết.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đăk Hà, sau thời gian sáp nhập, trung tâm đã ổn định và phát huy hiệu quả bước đầu về một mô hình đào tạo mới: “Chủ động xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể về những bước đi trong thời gian tới, đặc biệt là có sự chủ động trong việc tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn. Tích cực đổi mới phương pháp đào tạo, mở rộng chương trình liên kết, hợp tác với các đơn vị và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để giải quyết việc làm cho người lao động.
Phối hợp hiệu quả với các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Đồng thời, chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực để tạo sự hứng thú, phát huy tính chủ động, sáng tạo và tự học, giúp học sinh vững kiến thức, kỹ năng cơ bản, tự tin khi tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông”.
Ông Nguyễn Quý Châu cho biết thêm, để đảm bảo tốt việc dạy văn hóa gắn với dạy nghề, các trung tâm cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và phát triển đội ngũ giáo viên; đa dạng hóa nội dung chương trình và hình thức học tập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân.
“Hằng năm, bên cạnh việc dạy nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đã dạy đủ 08 môn văn hóa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tổ chức thi tốt nghiệp lấy bằng giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông theo đúng quy chế, quy định. Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 và năm 2024, học sinh đỗ tốt nghiệp đạt tỷ lệ 100%. Việc dạy văn hóa kết hợp dạy nghề ở trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được xem là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, giúp các em có được hai bằng sau khi tốt nghiệp.
Đồng thời đào tạo nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương, để có được việc làm, góp phần ổn định cuộc sống” - ông Châu nhấn mạnh.
Sáp nhập với trường nghề là lựa chọn đáng cân nhắc, song cần nghiên cứu kỹ
Bên cạnh những thuận lợi trong thực tiễn hoạt động tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên sau khi sáp nhập, có một về vấn đề được đặt ra đối với các trung tâm này khi từng có đề xuất sáp nhập với các trường cao đẳng, trung cấp nghề ở địa phương.
Nhiều ý kiến cho rằng việc này không tránh khỏi những khó khăn nhất định từ khâu quản lý đến đào tạo.
Chỉ ra một số khó khăn, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục huyện thường xuyên Đăk Hà nêu: “Thứ nhất, hiện nay trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đang chịu sự quản lý của 3 cơ quan. Tại Điều 2, Thông tư 01/2023/TT-BGDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên nêu: trung tâm chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo; hoạt động giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; đồng thời chịu sự quản lý nhà nước trên địa bàn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nếu siệc sáp nhập trung tâm vào các trường nghề có thể sẽ chỉ chú tâm cho các hoạt động của các trường nghề, còn chức năng đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời cho người học của trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ có thể bị bỏ quên. Đây là một điểm đáng lưu ý nếu sáp nhập.
Thứ hai, ở các huyện, nhất là các huyện vùng khó khăn thường không có trường nghề. Nếu học sinh muốn học cao đẳng, trung cấp nghề, các em phải di chuyển một quãng đường xa về các khu vực trung tâm của tỉnh. Trong khi đó, các em mới tốt nghiệp lớp 9, tuổi còn nhỏ, còn thiếu kinh nghiệm khi sống xa nhà và phụ huynh các em cũng không yên tâm khi để con em mình đi học xa như vậy”.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh), thời gian qua, trung tâm vẫn vận hành tốt trong việc dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề, đội ngũ giáo viên tuy ít nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng giảng dạy cho người học.
Song, nếu sáp nhập với trường cao đẳng, thì đây lại là một vấn đề nan giải, bởi sự không thống nhất trong ngành nghề giữa 2 cơ sở. Một số trường cao đẳng, trung cấp vẫn giữ những ngành nghề mà theo ông Nguyễn Thanh Minh, là đã quá cũ, không bắt kịp với xu hướng việc làm hiện nay của xã hội như: chăm sóc cây trồng, công nghệ hàn.
“Trong khi đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Quảng Yên đã mở ra những ngành nghề với cơ hội nghề nghiệp cao trong bối cảnh hiện tại như: chăm sóc sắc đẹp, ngôn ngữ Hàn, ngôn ngữ Trung… Do đó, nếu sáp nhập với các trường cao đẳng, trung cấp, sẽ dẫn tới sự nhập nhằng, không phù hợp trong chương trình đào tạo cũng như soạn thảo sách giáo khoa. Dẫn tới, tỉ lệ học sinh ra trường có việc làm cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Một khó khăn nữa đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, là cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học vẫn chưa được chú trọng đầu tư. Điều này gây ra những bất lợi cho người học. Do đó, nếu sáp nhập thì cần được đi kèm với đầu tư cơ sở hạ tầng thích hợp nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy và học tập, tránh tình trạng không có hiệu quả lâu dài” - ông Nguyễn Thanh Minh lý giải.
Về vấn đề cơ sở vật chất chưa được đầu tư đúng mức, ông Nguyễn Viết Cường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) cũng có chung quan điểm. Ông Cường bày tỏ, cơ sở dạy học ở trung tâm thường chật hẹp, nhưng diện tích đất tại các trường cao đẳng nghề thường rộng rãi hơn. Trong khi nếu sáp nhập, việc dạy nghề sẽ được đặt tại trung tâm để đào tạo. Đây là một nghịch lý khi “nhà đông con thì bé”.
Theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, phấn đấu đến năm 2025, có 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Ông Nguyễn Viết Cường cho rằng, đây là một con số hợp lý.
“Tuy nhiên, điều này cũng đặt áp lực lớn lên bộ phận quản lý chất lượng, đồng thời là “gánh nặng” cho các em học sinh. Bởi vì, hiện nay, những em học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở thường không đủ năng lực để học lên bậc trung học phổ thông, nên đã chọn các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên để theo học.
Nếu sáp nhập trung tâm với trường cao đẳng, đồng nghĩa với việc các em học sinh ngay sau khi tốt nghiệp lớp 9, phải vừa học chương trình văn hóa bậc trung học phổ thông, vừa học chương trình đào tạo nghề. Đây là bài toán khó, nếu không giải quyết tốt khâu quản lý chất lượng thì có thể sẽ bị “phản tác dụng”.
Thực tế hiện nay, nhiều phụ huynh và học sinh thường chọn hệ giáo dục thường xuyên để sở hữu tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hơn chọn học nghề. Do đó, tạo ra một tình thế lưỡng nan là nếu sáp nhập, thì chương trình học quá nặng với các em, nhưng nếu giảm tải chỉ còn 4 môn văn hóa thì không đủ điều kiện để các em thi tốt nghiệp” - ông Cường phân tích thêm.
Chính vì vậy, ông Nguyễn Minh Vỹ kiến nghị: “Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu, khảo sát ý kiến nhân dân trước khi thực hiện việc sáp nhập trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với trường cao đẳng, trung cấp nghề ở từng địa phương, để có góc nhìn toàn diện. Bởi, khó khăn của từng trung tâm trên từng địa phương là không giống nhau. Chỉ khi nắm được những khúc mắc đó thì công tác sáp nhập mới hiệu quả và đem lại nguồn lực lao động có tay nghề cao.
Mặt khác, ông Nguyễn Viết Cường cũng đề xuất: “Khâu quản lý trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cần được đồng bộ, thống nhất hơn.
Khi thực hiện việc sáp nhập với các trường cao đẳng nghề, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên nên đưa về trực thuộc Sở Giáo dục Đào tạo hoặc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, tránh tình trạng quản lý “rối ren” mà kém hiệu quả như hiện nay”.