Sáp nhập TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương, quy hoạch sẽ ra sao?
Theo đại biểu TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương đã được phê duyệt quy hoạch và khi sáp nhập thì không thể cộng dồn 3 quy hoạch thành quy hoạch tỉnh mới.
Sáng 28-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Nhiều ý kiến băn khoăn vì Luật Quy hoạch được ban hành khá lâu, trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung nhưng đến nay vẫn gây ách tắc.
Sửa nhiều nhưng vẫn vướng
Sau khi nhiều Đại biểu (ĐB) phát biểu về các quy chuẩn, tính chất, các yêu cầu về tổ chức, triển khai quy hoạch, ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nói: "Tại sao Luật Quy hoạch chúng ta sửa rất nhiều rồi nhưng vẫn rối? Chúng ta cứ sửa như thế này thì đã thực sự tận tâm chưa hay càng sửa càng rối tiếp?".
Ông Hạ cho rằng triết lý trong Luật Quy hoạch trước đây là thay đổi căn bản việc lập quy hoạch. Tuy vậy, khâu tổ chức thực hiện quy hoạch vẫn chưa nắm bắt được tinh thần mới, cách làm mới nên có phương pháp tiếp cận, phối hợp liên thông chưa quen.
"Đây là vấn đề còn rất hạn chế khi đội ngũ nhân lực chưa nhận diện được mô hình mới, cách làm mới", ông Hạ nói.

ĐB Tạ Văn Hạ cho rằng Luật Quy hoạch sửa đổi, bổ sung nhiều lần mà vẫn vướng. Ảnh: QH
Cho rằng triển khai quy hoạch theo tinh thần mới thì cần “nhạc trưởng” nhưng hiện nay chưa có. Dự luật bổ sung thêm nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch về việc cho phép quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có thể lập đồng thời. Tuy nhiên, ông Hạ lo ngại chồng lấn xung đột giữa các quy hoạch khi triển khai song song các quy hoạch với nhau bởi sẽ thiếu thống nhất, xung đột về không gian, mục tiêu, chỉ tiêu…
"Chúng ta phải tìm cho đúng nguyên nhân chứ không phải sửa miết, sửa hoài mà vẫn vướng. Tôi cho rằng, căn bản bây giờ chúng ta phải thật bình tĩnh, cân nhắc vấn đề này", ĐB Hạ nói
Liệu có thể tạm dừng Luật Quy hoạch?
Theo ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương), việc sửa đổi, bổ sung luật Quy hoạch từ trước đến nay chủ yếu là sửa các chương, điều còn gây khúc mắc và nếu như vậy thì không giải quyết được vấn đề căn cơ.
Theo ông Huân, cần mạnh dạn xem xét toàn diện Luật Quy hoạch hiện nay đang thực hiện thì tính khả thi tới đâu, nhất là các quy hoạch tỉnh khi sắp tới triển khai sáp nhập các tỉnh với nhau.
"Chúng ta không thể cộng 2 quy hoạch với nhau để thành 1 quy hoạch được", ông Huân nói.
Lấy ví dụ 3 địa phương là TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương đã được phê duyệt quy hoạch. Sắp tới sáp nhập 3 tỉnh thành này với nhau thì không thể áp dụng việc cộng dồn 3 quy hoạch lại thành 1 quy hoạch mới, bởi như vậy không thể triển khai được.
Vì sáp nhập tỉnh là để tạo không gian phát triển mới, dữ liệu đầu vào đã thay đổi thì dữ liệu đầu ra của từng quy hoạch tỉnh trước đây không thể áp dụng được.
"Nếu chúng ta cố gắng làm để duy trì Luật Quy hoạch thì sẽ kìm hãm sự phát triển", ông Huân nói.

ĐB Nguyễn Quang Huân nói nếu tiếp tục duy trì Luật Quy hoạch sẽ kìm hãm sự phát triển. Ảnh: QH
Theo ông, các luật khác như Luật Xây dựng cũng đã có quy định rất chi tiết về quy hoạch ngành và đã có sự chồng lấn.
"Có những địa phương có những quỹ đất rất lớn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho sử dụng đất quy hoạch nhưng 10 năm nay không làm được. Gần đây nhất, khi hỏi đến thì vẫn đang chờ thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ quy hoạch, việc này sẽ mất khoảng 6 tháng đến 1 năm. Như vậy chúng ta đang rất lãng phí nguồn lực", ông Huân nêu.
Ông Huân đề nghị Quốc hội, cơ quan soạn thảo, các cấp có thẩm quyền xem xét nên tạm dừng thực hiện Luật Quy hoạch một thời gian để đánh giá lại toàn diện hoặc chí ít dừng một số điều quy định trong luật nhưng đang rất vướng.
"Nếu trong thời gian ngắn mà chúng ta sửa ngay một loạt điều thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề khác, cần đánh giá một cách khách quan. Dục tốc bất đạt, chúng ta có thể tạm ngừng để xem xét lại những gì thực sự còn vướng, còn cản trở để Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân được triển khai một cách nhanh gọn, đồng bộ", ông Nguyễn Quang Huân nói.
Dứt khoát phải sửa đổi luật quy hoạch
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết trong thời gian tới, Luật Quy hoạch sẽ được sửa đồng bộ và tổng thể.
Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch là do yêu cầu về thay đổi chiến lược liên quan đến chủ trương định hướng lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm, Kết luận 121 và Kết luận 127 của Bộ Chính trị về sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp.
"Từ 1-7 các địa phương sẽ hoạt động theo mô hình địa phương 2 cấp, tất cả việc triển khai các dự án sẽ vướng. Do đó, dứt khoát phải gấp rút sửa đổi Luật lần này", ông Thắng nói và cho biết lần sửa đổi này sẽ chỉ tập trung vào 3 vấn đề lớn.
Một là đảm bảo điều chỉnh ngay được các quy hoạch ở tất cả các cấp. Theo đó, tất cả các địa phương sẽ thực hiện điều chỉnh quy hoạch ngay sau khi Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh có hiệu lực. Đồng thời đảm bảo nguyên tắc là các quy hoạch đang được triển khai thì tiếp tục được thực hiện cho đến khi quy hoạch điều chỉnh có hiệu lực.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giải trình ý kiến ĐB. Ảnh: QH
Hai là đẩy mạnh phân cấp phân quyền tối đa, tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cấp ngành khi triển khai mô hình địa phương 2 cấp.
"Bởi nếu như quy định hiện hành của Luật Quy hoạch thì việc phân cấp rất khó khăn. Cái gì ở dưới địa phương thay đổi đều phải trình lên Chính phủ, Quốc hội. Do đó, sửa Luật lần này phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền rất rõ ràng", ông Thắng nói.
Ba là tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trên thực tiễn phải xử lý ngay để triển khai thực hiện các dự án, đáp ứng ngay yêu cầu tăng trưởng 8% năm 2025 và mục tiêu tăng trưởng 2 con số vào các năm tiếp theo.