Sắp lên sàn HoSE, VietABank cũng sẽ huy động hàng nghìn tỷ từ phát hành
Gần 540 triệu cp VAB sẽ chính thức giao dịch trên HoSE từ 22/7/2025. Ngày giao dịch cuối trên UPCoM (09/07), mã này đạt 15.200 đồng/cp, tăng 67% so với đầu năm.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa công bố quyết định chấp thuận niêm yết chính thức hơn 539,96 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank).
Theo kế hoạch, cổ phiếu VAB sẽ bắt đầu giao dịch trên sàn HoSE từ ngày 22/07/2025, với giá tham chiếu 14.250 đồng/cổ phiếu trong ngày đầu tiên và biên độ dao động ±20%.
Trước đó, VAB đã giao dịch trên UPCoM từ tháng 7/2021 đến ngày 10/07/2025. Trong phiên giao dịch cuối cùng (ngày 09/07), cổ phiếu VAB đóng cửa tại mức 15.200 đồng/cp, tăng 67% so với đầu năm và đạt đỉnh cao nhất trong hơn ba năm.
Song song với kế hoạch chuyển sàn, VietABank cũng đang triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ quy mô lớn. Cuối tháng 6/2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận cho ngân hàng tăng vốn điều lệ đợt 1 năm 2025 thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, với tổng giá trị tối đa 2.764 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ từ gần 5.400 tỷ đồng lên khoảng 8.164 tỷ đồng.

Ảnh minh họa
Theo kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thông qua, trong năm 2025, VietABank sẽ tiếp tục triển khai 3 phương án tăng vốn điều lệ tổng cộng thêm 6.183 tỷ đồng như sau:
Thứ nhất, phát hành hơn 285 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu và lợi nhuận chưa phân phối, với tỷ lệ tối đa 52,8%, tương đương giá trị gần 2.851 tỷ đồng.
Thứ hai, phát hành 20 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động, tương đương tỷ lệ 3,7%, với giá bán dự kiến 10.000 đồng/cp, huy động thêm 200 tỷ đồng.
Thứ ba, chào bán hơn 313 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ thực hiện quyền 100:58, giá phát hành 10.000 đồng/cp, dự kiến thu về hơn 3.130 tỷ đồng.
Tổng cộng, nếu cả ba đợt phát hành được triển khai thành công, vốn điều lệ của VietABank sẽ tăng hơn gấp đôi, đạt trên 11.582 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh, trong quý 1/2025, VietABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 353 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ, và là mức cao nhất theo quý trong lịch sử hoạt động. Con số này cũng tương đương 27% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Động lực tăng trưởng đến từ việc cắt giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro, cùng với sự cải thiện rõ rệt trong hoạt động tín dụng và dịch vụ. Thu nhập từ lãi thuần và phí dịch vụ đồng loạt tăng, trong khi chất lượng tài sản được cải thiện đáng kể. Tổng nợ xấu tại thời điểm cuối quý 1 chỉ còn 536,3 tỷ đồng, giảm hơn 51% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giảm từ 1,37% xuống còn 0,63%.