Sắp diễn ra triển lãm quốc tế về nguyên liệu ngành thực phẩm và đồ uống

Ngành nguyên liệu thực phẩm và đồ uống đóng vai trò then chốt trong chuỗi giá trị của ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam, không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm ấn tượng đạt 10 - 12%...

Fi Vietnam 2024 mở rộng quy mô gấp đôi so với năm 2023 và góp phần đồng hành cùng DN ngành F&B Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trên thị trường khu vực ASEAN.

Fi Vietnam 2024 mở rộng quy mô gấp đôi so với năm 2023 và góp phần đồng hành cùng DN ngành F&B Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trên thị trường khu vực ASEAN.

Triển lãm quốc tế về nguyên liệu ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam 2024, sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC) từ ngày 9 - 11/10/2024, quy tụ hơn 150 đơn vị trưng bày đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại buổi hợp báo giới thiệu triển lãm, ban tổ chức cho biết Fi Vietnam 2024 tập trung vào đổi mới và phát triển bền vững nhằm mang đến những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất trong khu vực về nguyên liệu, hương vị, gia vị và công nghệ ngành thực phẩm và đồ uống; cũng như đa dạng danh mục sản phẩm, từ những nguyên liệu truyền thống của Việt Nam đến các nguyên liệu trên thế giới.

Bà Rose Chitanuwat, Giám đốc chuỗi dự án khu vực ASEAN thuộc Fi Global - Informa Maket, đánh giá ngành F&B Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khá ấn tượng, đạt xấp xỉ 10 - 12%. Đáng chú ý, trong khu vực Đông Nam Á, doanh thu ngành thực phẩm Việt Nam năm 2023 đã vươn lên vị trí thứ 3, sau Indonesia và Philippines.

Ngành sản xuất chế biến thực phẩm đã trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, chiếm tỷ trọng đáng kể 19,1% trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tỷ trọng này không chỉ phản ánh thế mạnh hiện tại mà còn hé lộ tiềm năng phát triển to lớn của ngành F&B trong tương lai.

Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng mới cũng đang tạo ra cơ hội lớn cho ngành. Theo đó, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng đòi hỏi sự đa dạng trong sản phẩm thực phẩm và đồ uống, dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng về các loại nguyên liệu, hương liệu đa dạng và độc đáo.

Đặc biệt sau đại dịch Covid-19, xu hướng tiêu dùng xanh, thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, thực phẩm hữu cơ và thực phẩm chức năng đang mở ra những thị trường mới đầy tiềm năng cho ngành.

Bên cạnh thị trường nội địa, các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… đã mở ra cánh cửa rộng lớn cho việc xuất khẩu nguyên liệu thực phẩm và đồ uống của Việt Nam sang các thị trường quốc tế tiềm năng. Trong khi đó, Việt Nam đang sở hữu lợi thế tự nhiên trong lĩnh vực nông nghiệp, với đa dạng các vùng trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, giúp cung cấp một nguồn nguyên liệu thực phẩm và đồ uống dồi dào.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM (FFA), đối tác đồng tổ chức Fi Vietnam 2024, thì thị trường F&B của Việt Nam có xu hướng tăng trong thời gian tới. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng đầu năm 2024 tăng 7,3% so cùng kỳ năm 2023 và đạt gần 3,2 triệu tỷ đồng; trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,2%.

FFA cũng cho rằng vì vậy mà Việt Nam được công nhận là một trong năm “giỏ thực phẩm” của thế giới, thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực F&B. Điều này tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển ngành nguyên liệu F&B nhằm phục vụ cho sản xuất thực phẩm và đồ uống.

Họp báo giới thiệu Fi Vietnam 2024.

Họp báo giới thiệu Fi Vietnam 2024.

Mặc dù vậy, theo FFA, ngành F&B của Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều thách đố trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể, chất lượng nguyên liệu còn nhiều hạn chế và thiếu ổn định do quy trình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu.

Cùng với đó, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng cũng gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng và chất lượng nông sản. Việc thiếu liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị cũng là một vấn đề nan giải, dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, đàm phán giá cả và đảm bảo chất lượng sản phẩm so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Vì vậy, việc tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, áp dụng công nghệ hiện đại, và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững sẽ là chìa khóa để ngành F&B Việt Nam nâng cao vị thế trên bản đồ ngành F&B quốc tế. Đồng thời, việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các loại nguyên liệu, hương liệu, gia vị mới lạ sẽ giúp ngành bắt kịp xu hướng tiêu dùng, nắm bắt được trái tim thực khách khó tính ngày nay.

Hoài Niệm

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/sap-dien-ra-trien-lam-quoc-te-ve-nguyen-lieu-nganh-thuc-pham-va-do-uong.htm
Zalo