Sắp công bố nguyên nhân đàn bò chết bất thường ở Lâm Đồng
Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết, sau chuyến khảo sát tình hình đàn bò sữa chết bất thường ở Lâm Đồng, ngành chức năng đã đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho đàn bò; bước đầu ghi nhận số lượng bò chết đã giảm dần.
2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng là những vùng chăn nuôi bò sữa lớn nhất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Tổng đàn bò sữa tại 2 địa phương này vào khoảng 25.000 con; năng suất và chất lượng sữa ổn định.
Những ngày qua, tại 2 địa phương nêu trên đã liên tục ghi nhận trường hợp bò sữa bị chết sau khi tiêm vaccine viêm da nổi cục. Tính đến nay, số bò bị bệnh sau tiêm vaccine là 4.900 con, trong đó đã có 209 con bò bị chết.
Trước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến đàn bò sữa tại tỉnh Lâm Đồng, Bộ NN&PTNT đã tiến hành rà soát các giải pháp, đồng thời cùng các nhà khoa học, ngành chức năng đưa ra phác đồ điều trị sát thực tiễn.
Theo đó, giải pháp an toàn sinh học được triển khai. Đàn bò được tiến hành phân loại, con nào khỏe, con nào yếu, con nào bị bệnh nặng hơn, để từ đó có phác đồ điều trị phù hợp trên từng đối tượng vật nuôi.
Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu tỉnh Lâm Đồng tập trung cao nhất nguồn lực vật tư, dịch truyền, thuốc bổ trợ, kháng sinh, hoạt chất, cùng với sự vào cuộc của các doanh nghiệp như TH True Milk, Vinamilk..., thực hiện giám sát đến từng đàn bò, từng hộ, đảm bảo đủ 100% vật tư cho từng hộ, từng đối tượng.
Đánh giá tình hình hiện nay cho thấy, sức khỏe của đàn bò trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có những chuyển biến tích cực. Phác đồ điều trị đã được công bố từng bước góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tiêu chảy, duy trì đàn bò sữa ở tỉnh Lâm Đồng.
Liên quan đến nguyên nhân khiến đàn bò sữa ở tỉnh Lâm Đồng chết bất thường, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã làm việc với chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan. Theo đó, trước mắt có thể khẳng định, việc tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục có sự ảnh hưởng nhất định.
“Vaccine viêm da nổi cục đã được tiêm trên đàn bò ở nhiều địa phương và chủ yếu trên đàn bò vàng. Có thể do sức đề kháng của đàn bò vàng tốt hơn nên khả năng miễn dịch rất tốt, trong khi đàn bò sữa lại xảy ra sự cố sau khi tiêm. Tuy nhiên, để có thể kết luận chính xác nguyên nhân thì phải đợi đến khi có kết quả giải trình tự gen mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng…” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói thêm.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang tập trung nguồn lực, vật tư, hóa chất để chống dịch, bảo vệ sức khỏe đàn bò. Sau khi xác định được nguyên nhân đàn bò bị chết thì sẽ tiến hành làm rõ trường hợp nào đền bù, trường hợp nào được hỗ trợ. Bộ NNPTNT sẽ làm triệt để nội dung này để bà con yên tâm sản xuất, chăn nuôi.
“Tiêm vaccine là tấm lá chắn phòng bệnh hiệu quả nhất cho đàn vật nuôi, bảo vệ sinh kế, cơ nghiệp của bà con. Tôi nghĩ, sau khi có kết quả cuối cùng, xác định được nguyên nhân, chúng ta cần truyền thông để bà con nắm rõ, tránh tâm lý e ngại khi sử dụng vaccine phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi…” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.