'Sập bẫy' vì… hám lợi

Với mức lãi suất béo bở từ 1.500 - 2.500 đồng/1 triệu/1 ngày mà các đối tượng đưa ra 'câu nhử', nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ đồng để cho vay với mong muốn được làm giàu nhanh chóng và đã… 'sập bẫy'.

 Nguyễn Thị Lê Na lãnh án 10 năm tù vì lừa của nhiều người hơn 9,4 tỷ đồng

Nguyễn Thị Lê Na lãnh án 10 năm tù vì lừa của nhiều người hơn 9,4 tỷ đồng

Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đưa ra xét xử nhiều vụ án liên quan đến hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vụ việc sau đây là một điển hình: Cuối tháng 8/2024, TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Đinh Trọng Huấn (SN 1987, trú phường Phú Thượng, TP. Huế) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Do đầu tư kinh doanh bị thua lỗ nên Huấn phải vay mượn tiền của nhiều người để trả nợ. Để có tiền trả cho các khoản vay đến hạn và tiêu xài cá nhân, Huấn lợi dụng bản thân đang làm việc ở Vietcombank chi nhánh Huế, đưa ra các thông tin gian dối: Đang cần tiền trong thời gian ngắn để đáo hạn cho khách hàng ở ngân hàng nơi Huấn làm việc, hoặc nói dối là đang cần vốn mua bất động sản, khi nào bán được sẽ trả gốc và lãi.

Để tạo lòng tin, Huấn đưa ra mức lãi suất cao 2.000 - 2.500 đồng/1 triệu đồng/1 ngày và thường vay trong khoảng thời gian ngắn từ vài ngày đến 30 ngày. Tin tưởng Huấn, nhiều bị hại là đồng nghiệp hoặc khách hàng đã cho Huấn vay mượn và bị Huấn chiếm đoạt số tiền rất lớn.

Từ cuối tháng 6/2021 - 10/2022, Huấn đã chiếm đoạt tiền của 6 bị hại là: chị D. H., anh Ph. H., anh V. T., anh L. Q., anh Đ. L., chị D. Th. (đều là đồng nghiệp hoặc khách hàng của Huấn) với tổng số tiền gần 22 tỷ đồng. Riêng chị H. đã 11 lần đưa cho Huấn vay với số tiền 8,2 tỷ đồng, anh H. đã 6 lần đưa cho Huấn vay 6,7 tỷ đồng…

Tòa án đã tuyên phạt bị cáo Đinh Trọng Huấn 15 năm tù giam về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, bị cáo phải trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.

Tương tự, TAND tỉnh đã xét xử và kết án nhiều đối tượng với chiêu trò cần tiền trong thời gian ngắn để “đáo hạn” ngân hàng với lãi suất cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nguyễn Thị Lê Na (SN 1981, trú đường Nguyễn Lộ Trạch, TP. Huế), nguyên là cán bộ tín dụng Vietcombank chi nhánh Huế đã dùng thủ đoạn gian dối để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của nhiều người với số tiền 9,4 tỷ đồng, lấy tiền trả nợ và sử dụng vào mục đích cá nhân. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo 10 năm tù giam. Nguyễn Thị Lê Na còn phải trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.

Một vụ án khác cũng “sập bẫy” vì tin tưởng, hám lợi lãi suất cao khi cho vay tiền nên chị Nguyễn Thị H. (giám đốc một công ty, trú ở đường Điện Biên Phủ, TP. Huế) cũng sập bẫy lừa của Trần Đức Biểu (SN 1987, trú tại phường Trường An, TP. Huế) nguyên nhân viên phòng giao dịch HDBank đóng ở TP. Huế. Biểu vay tiền của chị H. với mục đích đáo hạn ngân hàng và cam kết trả tiền lãi cao hàng tháng cho chị H. Những lần vay đầu, Biểu đều trả lãi đúng hạn cho chị H. Do tin tưởng nên sau đó chị H. nhiều lần cho Biểu vay với tổng số tiền 5,4 tỷ đồng.

Trước những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn tỉnh với chiêu trò lãi suất béo bở, các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa. Đồng thời, khuyến cáo người dân không tin tưởng, không nghe theo lời dụ dỗ và không hám lợi "trả lãi suất cao" của các đối tượng vay mượn tiền, nhất là những người đã và đang làm việc trong ngành ngân hàng. Mọi người tuyệt đối không tin tưởng, không nghe theo lời yêu cầu của các đối tượng để tránh sập bẫy lừa đảo. Trường hợp phát hiện các đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc nghi ngờ bị lừa với các chiêu thức trên, cần sớm trình báo đến cơ quan công an để kịp thời được tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết, xử lý theo quy định pháp luật.

Bài, ảnh: THÁI SƠN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/phap-luat-cuoc-song/sap-bay-vi-ham-loi-146093.html
Zalo