Sập bẫy đầu tư chứng khoán quốc tế ACX

Ngày 23/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố Đặng Thị Thương (29 tuổi) về tội 'Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản'.

Nhiều nhà đầu tư bị lừa tham gia “Sàn giao dịch chứng khoán quốc tế ACX”.

Nhiều nhà đầu tư bị lừa tham gia “Sàn giao dịch chứng khoán quốc tế ACX”.

Thủ đoạn lừa đảo bằng cách gọi điện, dụ nạp tiền đầu tư vào sàn giao dịch chứng khoán quốc tế ACX

Liên quan đến vụ lừa đảo đầu tư chứng khoán quốc tế ACX, theo hồ sơ vụ án, từ cuối năm 2020 cho đến khi bị phát hiện, Trần Hải Anh (31 tuổi, đã xuất cảnh sang Campuchia) thành lập và sử dụng các công ty "ma" gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn Plus Market, Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Startrust, Công ty trách nhiệm hữu hạn TANHI và Công ty trách nhiệm hữu hạn NEXZEN.

Thông qua việc đăng tin tuyển dụng không yêu cầu trình độ, chuyên môn, Hải Anh đã tuyển dụng các nhân viên làm việc tại bộ phận kế toán, nhân sự, kỹ thuật và kinh doanh, chăm sóc khách hàng để thực hiện hành vi phạm tội.

Các nhân viên kinh doanh, chăm sóc khách hàng trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng bằng thủ đoạn gọi điện thoại, dẫn dụ nạp tiền đầu tư vào sàn giao dịch chứng khoán quốc tế ACX.

Nhóm đối tượng đã sử dụng hai website được thiết kế rất giống với các website chính thống của những công ty tài chính uy tín quốc tế, sử dụng các tài khoản ngân hàng (còn gọi là điện chuyển) đứng tên công ty nhằm mục đích gian dối là công ty trung gian đổi ngoại hối, môi giới chứng khoán quốc tế đã được cấp phép kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam để bị hại tin tưởng nạp tiền.

Bị can Đặng Thị Thương có vai trò giúp sức cho Hải Anh trong việc phụ trách quản lý, giám sát các nhân viên làm việc tại văn phòng công ty ở quận Bình Thạnh. Hải Anh và Thương soạn sẵn kịch bản tư vấn, thông tin về thị trường, mã chứng khoán tiềm năng, danh sách dữ liệu khách hàng để nhân viên tư vấn.

Để thực hiện ý định chiếm đoạt tài sản, Đặng Thị Thương cùng đồng bọn làm chuyên gia tư vấn đánh lệnh giỏi, có kinh nghiệm, đem lại lợi nhuận cao cho nhiều nhà đầu tư. Từ đó, các bị can nắm bắt tư tưởng, ý định của các bị hại, tính toán cách thức để bị hại dồn lệnh mua, bán cổ phiếu liên tục để kẹt lệnh không rút được tiền, không bán được cổ phiếu.

Trước đó, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trả hồ sơ để điều tra, làm rõ một số vấn đề. Kết quả điều tra bổ sung xác định, Thương không được đào tạo, không có chứng chỉ của cơ quan chức năng về lĩnh vực tư vấn, môi giới đầu tư chứng khoán, nhưng đã dẫn dụ các bị hại chuyển tiền để đầu tư tại sàn giao dịch chứng khoán quốc tế ACX, chiếm đoạt hơn 2,9 tỉ đồng. Thương khai thực hiện hành vi phạm tội theo sự chỉ đạo trực tiếp của Hải Anh.

Điều 290 Bộ Luật hình sự quy định mức xử phạt tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản

1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;

d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;

đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

c) Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

PV

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/sap-bay-dau-tu-chung-khoan-quoc-te-acx-179250123150832442.htm
Zalo