Sập bẫy 'chạy án': Mất tiền, rước họa vào thân
Mắc lừa thủ đoạn 'chạy án', nhiều nạn nhân không biết rằng sẽ 'tiền mất tật mang'. Ngoài bị lừa tiền, họ còn phải đối mặt với những rủi ro rất lớn về pháp luật. Bởi, có tội thì phải chịu, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
Những chiêu lừa "chạy án" để chiếm đoạt tài sản
Hiện tượng lừa đảo "chạy án" đã xuất hiện nhiều trong các năm qua, tuy nhiên gần đây lại gia tăng dưới nhiều hình thức, chiêu trò, gây ra hậu quả nặng nề cho những người liên quan.

Đối tượng Trương Văn Tưởng tại cơ quan Công an. (Ảnh: CA).
Chị M. (ngụ tỉnh Đồng Nai) có chồng đang bị Công an tỉnh Tây Ninh tạm giữ, điều tra về hành vi buôn lậu.
Khi chị M. qua thăm chồng tại Tây Ninh sau đó chị M. có quen biết Trương Văn Tưởng (SN 1992, ngụ huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh).
Tưởng "Nổ" quen biết nhiều lãnh đạo công an để nhận tiền "chạy án". Đối tượng đã đưa ra thông tin gian dối về việc có thể xin cho chồng chị M. được tại ngoại và hưởng án treo với giá 40 triệu đồng.
Bằng những lời lẽ ngon ngọt, chị M. đã tin tưởng đối tượng và đồng ý với yêu cầu của Trương Văn Tưởng, chị M. đã đưa trước cho Tưởng 14 triệu đồng. Chị M. hẹn Tưởng sau khi làm xong sẽ đưa tiếp số tiền còn lại.
Đến ngày 21/2, Trương Văn Tưởng cùng với Nguyễn Văn Phong đến quán cà phê trên địa bàn phường 1, Tp.Tây Ninh để tiếp tục nhận tiền của chị M. thì bị các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh bắt quả tang cùng tang vật.
Đối tượng Tưởng có tiền án về tội Giao cấu; đối tượng Phong có tiền án về tội Tàng trữ, lưu hành tiền giả.

Đối tượng Nguyễn Văn Phong tại cơ quan Công an. (Ảnh: CA).
Trước đó, vào ngày 29/11/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Nhật Tùng (44 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) và Nguyễn Gia Lộc (36 tuổi, ngụ Tp.Hà Nội) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra, chị H.T.N.Y. có quen biết và chung sống như vợ chồng với K. (quốc tịch Campuchia). Đến tháng 6/2024, K. bị khởi tố và bắt tạm giam do vi phạm pháp luật tại Việt Nam.
Trong quá trình tìm cách giúp đỡ K., chị Y. thông qua các mối quan hệ đã quen biết với Nguyễn Nhật Tùng và Nguyễn Gia Lộc. Hai đối tượng này đã đưa ra những thông tin gian dối, tự nhận có thể lo cho K. được tại ngoại và hưởng án treo, khiến Y. tin tưởng.
Tin vào những lời hứa hẹn này, chị Y. đã nhiều lần chuyển tiền cho Tùng và Lộc với tổng số tiền 670 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế cả hai không có khả năng can thiệp mà chỉ lợi dụng sự lo lắng của chị Y. để chiếm đoạt số tiền trên rồi tiêu xài cá nhân. Khi nhận ra mình bị lừa, chị Y. đã trình báo sự việc lên Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tp.HCM.
"Chạy án" là hành vi vi phạm pháp luật
Những vụ án như trên cho thấy, các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng tâm lý hoang mang của gia đình bị can để đưa ra lời hứa hẹn có thể "lo lót", giảm án hoặc "giải cứu" bị can bằng cách viện dẫn mối quan hệ với lãnh đạo, cơ quan chức năng. Dù những lời cam kết này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, nhưng vì lo lắng, nhiều gia đình bị can vẫn sập bẫy và mất số tiền lớn.
Hành vi "chạy án" không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiếp tay cho các đối tượng xấu trục lợi. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác, không tin vào những lời hứa hão huyền và nếu phát hiện hành vi lừa đảo tương tự, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.

Lực lượng chức năng đọc lệnh bắt giữ đối tượng Nguyễn Gia Lộc. (Ảnh: CA).
Hậu quả của những vụ lừa đảo "chạy án" không chỉ dừng lại ở việc mất mát tài sản mà còn gây tổn hại nghiêm trọng về tinh thần và pháp lý cho gia đình nạn nhân. Khi hành vi lừa đảo bị phát giác, không chỉ các đối tượng nhận tiền bị truy tố, mà ngay cả người đưa tiền cũng có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự do cố ý tác động vào quy trình tố tụng.
Thông tin với Người Đưa Tin, một lãnh đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước cho biết, qua điều tra các vụ án lừa đảo liên quan đến thủ đoạn "chạy án", có thể thấy nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế.
Khi bị cơ quan điều tra triệu tập hoặc đối mặt với các vấn đề pháp lý, nhiều người thường tìm cách liên hệ với những mối quan hệ bên ngoài để mong muốn tác động giúp "miễn, giảm" trách nhiệm hình sự.
Để phòng ngừa loại tội phạm này, cơ quan Công an khuyến nghị người dân cần hiểu rõ rằng mọi quá trình tố tụng như bắt tạm giữ, tạm giam hay thi hành án đều được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, không ai có thể can thiệp. Vì vậy, cần cảnh giác để tránh trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Luật gia Nguyễn Đăng Hoan – Hội Luật gia tỉnh Bình Phước nhận định, hiện tượng lừa đảo "chạy án" đang có dấu hiệu ngày càng phổ biến. Thân nhân của những người vướng vào pháp lý thường có tâm lý hoang mang, lo sợ về việc người thân bị kết án hoặc thất bại trong các tranh chấp dân sự, kinh tế.
Lợi dụng điều này, các đối tượng lừa đảo đưa ra những lời hứa hẹn phi lý nhằm đánh vào tâm lý mong muốn "giải cứu" của nạn nhân, khiến họ sẵn sàng chi tiền mà không lường trước hậu quả.

Đối tượng Nguyễn Nhật Tùng làm việc với cơ quan Công an. (Ảnh: CA).
Các đối tượng lừa đảo thường tự nhận có mối quan hệ với người trong các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc những cá nhân có quyền lực nhằm tạo lòng tin với nạn nhân. Đánh vào tâm lý lo lắng, sợ hãi, chúng dễ dàng khiến nạn nhân sập bẫy.
Bên cạnh đó, không ít người dân do thiếu hiểu biết pháp luật nên lầm tưởng rằng chỉ cần bỏ tiền "chạy án" là có thể giảm nhẹ hình phạt, thoát khỏi tù tội hoặc giành phần thắng trong tranh chấp. Họ không nhận thức được rằng mọi vấn đề pháp lý đều phải được giải quyết theo quy định của pháp luật, và không ai có thể thay đổi sự thật hay can thiệp trái phép vào quá trình tố tụng.
Luật gia Nguyễn Đăng Hoan nhận định, khi rơi vào bẫy lừa đảo "chạy án", nạn nhân không chỉ mất tiền mà còn không đạt được kết quả mong muốn. Thậm chí, nếu tin vào những lời hứa hẹn của kẻ lừa đảo và tham gia vào hoạt động "chạy án", họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đưa hối lộ.
Trường hợp nạn nhân hoàn toàn không hiểu biết và bị lừa dối rằng số tiền đưa ra là khoản phí hợp pháp để giải quyết công việc, họ chỉ là nạn nhân đơn thuần. Tuy nhiên, nếu họ biết rõ mục đích của việc đưa tiền là để tác động đến kết quả vụ án nhưng vẫn cố tình thực hiện, hoặc có hành vi tham gia vào quá trình "chạy án", có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.