Sao vẫn để người tâm thần, ngáo đá gây án?

Theo thống kê của Bộ Công an, trong 10 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 38 vụ giết người do đối tượng có vấn đề về sức khỏe tâm thần gây ra, khiến 41 nạn nhân bị thương vong. Trong 38 vụ, có 31 vụ là do đối tượng tâm thần, có biểu hiện tâm thần gây án, xảy ra tại 22 địa phương; 7 vụ do các đối tượng sử dụng ma túy dẫn đến ảo giác, loạn thần gây án.

Đặc biệt, trong tuần cuối cùng của tháng 10/2024, đã liên tiếp xảy ra 5 vụ giết người do đối tượng có vấn đề về sức khỏe tâm thần gây ra khiến dư luận lo lắng, bức xúc, đặt vấn đề cần quản lý, chữa bệnh cho nhóm đối tượng này, không để những vụ án đáng tiếc xảy ra.

Ám ảnh những vụ án mạng do người tâm thần, ngáo đá gây án

Những ngày qua, người dân ở xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, Phú Thọ chưa hết bàng hoàng về vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn khiến 2 người vô tội tử vong. Đối tượng gây ra vụ án đau lòng trên là Hà Quốc Dương, sinh năm 1991, trú gần nhà với hai nạn nhân. Dương là đối tượng bị tâm thần phân liệt, động kinh, được cấp sổ từ tháng 7/2018, hiện ở cùng gia đình.

Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 - một trong những nơi đối tượng tâm thần gây án chữa bệnh bắt buộc

Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 - một trong những nơi đối tượng tâm thần gây án chữa bệnh bắt buộc

Điều đáng nói là, cả hai nạn nhân không hề có bất cứ mâu thuẫn hay hành vi, lời nói nào khiến đối tượng kích động. Họ đều là những người nông dân hiền lành, chất phác, chưa từng có mâu thuẫn gì với bất cứ ai. Vụ án xảy ra vào khoảng 8h ngày 28/10, tại khu Chiềng 1, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, Phú Thọ. Thời điểm trên, bà Hà Thị Khê, sinh năm 1955, trú tại khu Chiềng 1, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn cầm dao rựa (dài khoảng 40cm) đi lên đồi gần nhà để lấy củi. Khi đi qua nhà Hà Quốc Dương thì bất ngờ bị Dương giật dao và chém khiến bà Khê tử vong tại chỗ. Sau đó, Dương cầm dao đến nhà ông Hà Văn Lới, sinh năm 1939, ở cùng khu.

Thấy ông Lới đứng trong sân, Dương dùng dao chém nhiều nhát khiến ông Lới tử vong tại chỗ. Sau đó, Dương mang dao về cố thủ tại nhà. Ngay khi nhận được tin, Công an xã Kim Thượng và Công an huyện Tân Sơn đã bao vây, tổ chức bắt giữ. Đến khoảng 8h30 phút cùng ngày, lực lượng chức năng đã bắt được Dương.

Cũng trong ngày 28/10, tại Long Khánh, Đồng Nai đã xảy ra vụ án mạng thương tâm do người tâm thần gây ra. Nạn nhân là em trai bán vé số mới 14 tuổi là cháu Phạm Xuân Huy, trú ở phường Xuân Tân, TP Long Khánh. Cháu Huy được phát hiện trong tình trạng ngừng thở, nằm trước cửa nhà Ngô Sơn Duy, sinh năm 1991, ở xã Hàng Gòn, TP Long Khánh, trên người có nhiều vết thương. Qua điều tra, Công an Đồng Nai xác định, kẻ gây ra cái chết của Huy chính là Ngô Sơn Duy. Duy là đối tượng tâm thần nên kể cả khi bị Công an bắt giữ, hắn vẫn đang trong tình trạng không kiểm soát được bản thân nên chưa thể làm việc được.

Theo điều tra, lực lượng chức năng xác định, cháu Huy đi qua nhà Duy, bị đối tượng này dùng gậy gỗ đánh tử vong. Được biết, từ năm 2020, Duy có biểu hiện tâm thần và đã được gia đình đưa đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương II (TP Biên Hòa). Gần đây, gia đình đã lấy thuốc để Duy điều trị tại nhà.

Công an làm việc với đối tượng tâm thần gây án.

Công an làm việc với đối tượng tâm thần gây án.

Bàng hoàng, đau xót là tâm trạng chung của những người dân đang sinh sống tại thôn Phú Khê, xã Phú Dương, TP Huế khi nhắc về vụ việc em N.T.T.N sau khi đi học về đã bị một đối tượng nghi mắc tâm thần dùng búa đánh đến chấn thương sọ não trên địa bàn. Được biết, cách đây vài năm, đối tượng từng có tiền sử sử dụng hung khí đe dọa người dân; thế nhưng do chủ quan cùng hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình chỉ để bệnh nhân ở nhà mà không đưa đi thăm khám, điều trị. Còn tại tỉnh Bình Định, những ngày này khu xóm nhỏ ở xã Nhơn An, thị xã An Nhơn bao trùm sự tang thương, khi Hồ Thanh Cường, 34 tuổi đã dùng rựa chém chết cha và anh ruột, còn người mẹ bị đa chấn thương đang phải điều trị tích cực tại bệnh viện.

Liên tiếp các vụ người tâm thần gây án khiến dư luận lo lắng, hoang mang, mong muốn các cơ quan chức năng có biện pháp phòng ngừa để không còn xảy ra những vụ án đau lòng.

Nhiều người bệnh tâm thần không được quan tâm, chữa trị

Theo phân tích của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, trong số 38 vụ án mạng do người tâm thần, sử dụng ma túy dẫn đến ảo giác gây ra trong 10 tháng đầu năm 2024, có 31 vụ do đối tượng tâm thần gây án, 7 vụ do đối tượng sử dụng ma túy dẫn đến ảo giác, loạn thần gây án; 25 vụ nạn nhân là người thân trong gia đình (chiếm 65,79%), 13 vụ nạn nhân là người ngoài xã hội (chiếm 34,21%). Đa phần việc giám sát hành vi của người tâm thần ngoài xã hội hiện chỉ trông vào gia đình người bệnh.

Có thể thấy đặc điểm chung của những vụ việc thương tâm trên đó là người thực hiện hành vi thường có biểu hiện bề ngoài khá bình thường, nhưng lúc lên cơn lại bộc phát hành động rất nguy hiểm, gây ra hậu quả đau lòng ít ai ngờ đến. Hệ lụy này đến từ công tác quản lý, giám sát, điều trị người bị tâm thần, có biểu hiện tâm thần trong mỗi gia đình và cộng đồng còn nhiều bất cập.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay cả nước có khoảng 320 nghìn người có vấn đề sức khỏe tâm thần được quản lý, điều trị. Ngoài ra, số người có vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt… lên tới hàng triệu người. Tuy nhiên, cứ 10 người bị tâm thần thì chỉ có 2-3 người được chữa trị tại các cơ sở y tế, số còn lại đang sinh sống trong cộng đồng và vẫn có nguy cơ gây án khi mất khả năng kiểm soát hành vi. Cơ sở vật chất khám chữa bệnh đối với những người có bệnh lý tâm thần còn hạn chế. Hiện toàn quốc có 45 bệnh viện chuyên khoa tâm thần, trong đó có 3 bệnh viện tuyến Trung ương, 42 bệnh viện tuyến tỉnh. Nhiều người bệnh không được gia đình quan tâm, chữa trị khiến bệnh nặng hơn, không kiểm soát được hành vi.

Khám chữa bệnh cho bệnh nhân tâm thần

Khám chữa bệnh cho bệnh nhân tâm thần

Đặc biệt, theo quy định của pháp luật, người bệnh khi chưa thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội thì vẫn sống cùng gia đình, không bắt buộc chữa bệnh. Do sống cùng thân nhân nên rất dễ phát sinh việc giết người thân khi xảy ra mâu thuẫn hoặc khi phát bệnh. Theo Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Và cho đến khi thực hiện những hành vi đó, theo quy định tại Điều 49, lúc đó Viện Kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần mới có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Chính vì người tâm thần là đối tượng đặc biệt, khi phạm tội được miễn hoặc giảm hình phạt nên việc phòng ngừa họ gây án chủ yếu là công tác phòng ngừa xã hội.

Để làm được việc này, Cục Cảnh sát hình sự đã xác định phòng ngừa người tâm thần gây án là một chuyên đề trong lĩnh vực xâm phạm nhân thân và đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự Công an các địa phương tập trung thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Bộ Công an đã trình Chính phủ ban hành Công văn số 1676 về tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm giết người, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành và địa phương.

Cần trang bị kiến thức, kỹ năng cho các gia đình có người tâm thần

Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho biết, trong thời gian tới, do sự thay đổi về đời sống kinh tế xã hội, áp lực cuộc sống, ảnh hưởng của môi trường mạng, nhất là thanh thiếu niên, dẫn đến số người có vấn đề về sức khỏe tâm thần sẽ tăng cao; tội phạm giết người, nhất là do đối tượng tâm thần gây án sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Điều trị cho bệnh nhân tâm thần

Điều trị cho bệnh nhân tâm thần

Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm này, đề nghị tiếp tục thực hiện hiệu quả Công văn 1676 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người; nâng cao hiệu quả phòng ngừa, nhất là phòng ngừa xã hội, trong đó, quan trọng nhất là huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương. Cục Cảnh sát hình sự và Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tiếp tục hướng dẫn nghiệp vụ cho Công an cấp xã để phòng ngừa người sử dụng trái phép ma túy và người tâm thần gây án. Đặc biệt là làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền cơ sở; nắm, phối hợp quản lý người tâm thần giúp người bệnh không lang thang, không phát bệnh nặng hơn dẫn đến không kiểm soát được hành vi.

Khi người tâm thần có biểu hiện phát bệnh thì cần kịp thời phối hợp với ngành Y tế đưa vào điều trị tại các cơ sở chuyên khoa, phối hơp quản lý chặt chẽ người bị áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc. Thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn dân cư, nhất là quản lý người nghiện ma túy tại cộng đồng; lập hồ sơ, đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc…

Theo các chuyên gia, thì ngoài sự quan tâm của gia đình, chính quyền, đoàn thể, đề nghị các cơ quan chức năng cũng cần quy định việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần kể cả khi họ chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Bởi nếu để xảy ra những hành vi nguy hiểm rồi mới yêu cầu chữa bệnh, thì sẽ là quá muộn để phòng tránh những vụ án đau lòng.

Phương Thủy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/sao-van-de-nguoi-tam-than-ngao-da-gay-an-i750651/
Zalo