Sáng tạo và kết nối bản sắc Việt

Trong dòng chảy không ngừng đổi mới của các ngành nghệ thuật, nhiều nghệ sĩ đã lấy chất liệu từ văn hóa truyền thống, cảm hứng từ lịch sử dân tộc để sáng tác, tạo nên khác biệt trong tác phẩm của mình...

Từ chất liệu bản địa

Tác phẩm Dòng chảy của nghệ sĩ Nguyễn Việt Cường đoạt giải cao nhất (hạng mục Nghệ sĩ thành danh) trong cuộc thi UOB Painting of the Year tại Việt Nam (cuộc thi dành cho hội họa lớn nhất trên cả nước hiện nay) và được chọn tham dự triển lãm tại National Gallery Singapore - Bảo tàng nghệ thuật lớn nhất Đông Nam Á. Hai vật liệu bản địa là than đá và bột gạo được họa sĩ Nguyễn Việt Cường sử dụng để kể câu chuyện về tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam.

Than đá Quảng Ninh tượng trưng cho ngành công nghiệp khai khoáng từ đồng bằng sông Hồng, bột gạo đại diện cho sản phẩm nông nghiệp từ đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ phản ánh sự vận động công - nông nghiệp từ đô thị đến ngoại thành, mà còn gửi gắm những trăn trở về sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại, giữa khai thác và bảo tồn, giữa con người và thiên nhiên.

Việc lựa chọn các chất liệu mang đậm văn hóa Việt Nam là một phần quan trọng trong hành trình sáng tạo của Nguyễn Việt Cường, như cách để anh kết nối với cội nguồn và kể những câu chuyện gần gũi với đời sống, lịch sử, và bản sắc dân tộc. Trong nghệ thuật, chất liệu không đơn thuần là phương tiện kỹ thuật mà còn là yếu tố truyền tải tinh thần và giá trị của tác phẩm.

 Chương trình sân khấu hóa “Bài ca không quên” lấy cảm hứng từ lịch sử dân tộc. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chương trình sân khấu hóa “Bài ca không quên” lấy cảm hứng từ lịch sử dân tộc. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Họa sĩ Việt Cường bày tỏ: “Tôi nhận thấy rằng văn hóa bản địa là kho tàng phong phú và độc đáo. Việc đưa các yếu tố này vào tác phẩm không chỉ là cách gìn giữ mà còn tái hiện văn hóa Việt theo cách hiện đại và cá nhân. Việc lồng ghép văn hóa bản địa vào sáng tạo nghệ thuật giúp tác phẩm trở thành cầu nối, thúc đẩy sự đối thoại giữa quá khứ và hiện tại. Đây là cách tôi nhấn mạnh rằng, dù thế giới ngày càng toàn cầu hóa, nghệ sĩ vẫn có trách nhiệm bảo vệ và làm mới những giá trị truyền thống. Hơn nữa, điều này cũng tạo cơ hội để khán giả quốc tế hiểu thêm về văn hóa Việt Nam qua góc nhìn độc đáo”.

Nâng tầm bản sắc Việt

Văn hóa Việt Nam vốn giàu hình ảnh, biểu tượng và câu chuyện, giúp nghệ sĩ không chỉ làm giàu bản sắc cá nhân mà còn mở rộng tầm nhìn nghệ thuật. Việc các nghệ sĩ lồng ghép yếu tố văn hóa bản địa mang ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định vị trí riêng biệt của nghệ thuật Việt Nam trên bản đồ quốc tế; tạo sức hút độc đáo giữa bối cảnh nhiều nghệ sĩ cùng tiếp cận ngôn ngữ nghệ thuật toàn cầu; đồng thời, góp phần gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống thông qua ngôn ngữ nghệ thuật mới.

PGS-TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, chia sẻ: “Xu hướng nghệ sĩ đưa chất liệu văn hóa truyền thống/ dân gian/ lịch sử dân tộc vào sáng tạo nghệ thuật hiện nay là một tín hiệu tốt, là con đường sáng tạo nghệ thuật đúng đắn, góp phần lan tỏa giá trị, nâng tầm bản sắc Việt qua các tác phẩm nghệ thuật... Mọi nền văn hóa, văn học nghệ thuật chân chính đều không thể tách rời dân tộc với thời đại. Hiện đại không thể tồn tại nếu tự cắt đứt với truyền thống. Ngược lại, không có truyền thống nào có thể đứng vững nếu không được hiện đại hóa”.

Truyền thống dân tộc không chỉ là di sản do cha ông để lại mà nó còn tồn tại và phát triển trong nền nghệ thuật hiện tại.

“Tính hiện đại phản ánh sự nhạy cảm của thế hệ chúng ta đối với nhu cầu thẩm mỹ được nâng cao trên nền tảng truyền thống nghệ thuật dân tộc. Yêu cầu về nội dung đề tài ở đây không khoa trương ồn ào kiểu kêu gọi mà lại sâu sắc về ý tứ thẩm mỹ, gián tiếp ẩn hiện qua kết cấu các hình dáng, các tiết tấu, các hòa sắc… trong tác phẩm, được rút ra từ chính cuộc sống trên đất nước này. Do đó, gần đây một số tác phẩm nghệ thuật thuộc nhiều lĩnh vực đã biết vận dụng, kết hợp các yếu tố truyền thống dân tộc nên có những thành công nhất định”, PGS-TS Nguyễn Văn Minh phân tích.

HỒNG DƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/sang-tao-va-ket-noi-ban-sac-viet-post780426.html
Zalo