Sáng tạo phim thể nghiệm nghệ thuật

Trong phân môn Mỹ thuật chương trình giáo dục lớp 9 - bộ sách Chân trời sáng tạo, các em học sinh được học nhiều nội dung thiết thực về lĩnh vực nghệ thuật. Trong đó, phim thể nghiệm nghệ thuật (video art) là một nội dung mới, thu hút sự quan tâm của học sinh cuối cấp THCS. Bởi ở lứa tuổi này, các em có thể làm quen và sử dụng thiết bị điện tử để hỗ trợ hoàn thành bài thực hành, mở ra cánh cửa trải nghiệm thực tế, góp phần định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Tiết học lý thuyết vềphim thể nghiệm nghệ thuật, phân môn Mỹ thuật thu hút học sinh - ảnh: Từ Huy

Chúng tôi bất ngờ khi xem một số video art, sản phẩm phim thể nghiệm nghệ thuật do các “nhà sản xuất” tuổi hoa niên làm. Mỗi sản phẩm là một câu chuyện, thời lượng từ 4-5 phút, với lối tư duy đơn giản, dễ hiểu, thông điệp rõ ràng. Có thể chưa tròn trịa, sâu sắc nhưng sản phẩm đã phản ánh cảm nhận của các em học sinh về những điều quan sát được trong cuộc sống.

Để có thể sản xuất một sản phẩm video art, các em đã được học lý thuyết tại lớp dưới sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn. Sau đó, các em chia thành từng nhóm để thảo luận, lên ý tưởng và phân công thực hiện từng phần việc. Thông qua hoạt động, học sinh nhận biết được hình thức thể hiện về bối cảnh, hình ảnh, màu sắc, ánh sáng, bố cục trong các khung hình, nội dung và thông điệp chính của đoạn phim. Từ đó, hình thành ý niệm ban đầu về phim nghệ thuật đương đại.

Mỗi nhóm khoảng 10 học sinh, các em sẽ đảm nhận vai trò: diễn viên, quay phim, dựng phim. Để có được những phân cảnh ưng ý, các em phải lên kịch bản chi tiết, trao đổi với giáo viên hướng dẫn góp ý, chỉnh sửa. Sau đó, tổ chức quay, chụp, dựng… bằng thiết bị điện thoại. Chúng tôi khá ấn tượng với video “Thanh xuân của chúng ta” do một nhóm học sinh lớp 9A3, Trường THCS Tân Tiến, huyện Đồng Phú sản xuất. Thông điệp của sản phẩm này đó là giá trị của những trò chơi dân gian thế hệ 8X, 9X..., phản ánh một thời vô tư, khi chưa biết đến các thiết bị điện tử và cả ước mơ cháy bỏng của thế hệ trẻ lúc bấy giờ. Một câu chuyện có chiều sâu, với rất nhiều bối cảnh được quay, dựng khéo léo, chất liệu phong phú. Các em đã có sự đầu tư trong tư duy và sáng tạo khi sử dụng âm nhạc chọn lọc, phù hợp, lời thoại cực ngắn nhưng cực chất, cuốn hút người xem từ đầu đến cuối.

Quá trình thực hành của các em học sinh để tạo ra một sản phẩm phim thể nghiệm nghệ thuật - ảnh: Từ Huy

Em Nguyễn Kỳ Duyên, trưởng nhóm sản xuất cho hay, nhờ sự gợi ý của cô giáo Mỹ thuật và sự sáng tạo của nhóm để lên ý tưởng, chuẩn bị đạo cụ, chọn bối cảnh phù hợp. Các em mất 2 ngày để sản xuất đoạn phim này, với mong muốn mang đến người xem “chiếc vé” quay về tuổi thơ.

Em Nguyễn Khánh Vy đảm nhận vai trò quay và dựng phim chia sẻ: Em đã cố gắng tìm hiểu các góc quay và suy nghĩ rất nhiều khi thao tác vì em muốn tất cả thành viên trong nhóm đều thể hiện được mình qua những lăng hình. Rất may là tụi em đã tìm được một căn nhà gỗ phù hợp để làm bối cảnh, tạo sự chân thật nhất, mọi người khi nhìn vào sẽ thấy được sự hoài niệm về tuổi thơ.

Chương trình của môn Mỹ thuật chú trọng dạy học trải nghiệm, vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức, không gian hoạt động học tập nhằm huy động kiến thức, kích thích trí tưởng tượng, tư duy hình ảnh thẩm mỹ của học sinh; tạo cơ hội để học sinh được vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực hành. Thể nghiệm ý tưởng sáng tạo và đưa các sản phẩm sáng tạo vào đời sống, coi trọng kết hợp phương pháp giáo dục với khai thác, sử dụng hợp lý thiết bị dạy học, mạng internet, tận dụng các chất liệu, vật liệu sẵn có ở địa phương. Hoàn thành nội dung phân môn, học sinh có thể nêu được quy trình làm phim thể nghiệm nghệ thuật ở mức độ đơn giản, quay được tư liệu để tạo nguồn cho bộ phim ngắn theo chủ đề đã xác định, biên tập được nội dung và hình ảnh trên phần mềm tương ứng, có ý thức sử dụng sản phẩm để tuyên truyền về một số chủ đề do các em cảm nhận trong nhà trường cũng như gia đình và xã hội.

Cô Nguyễn Thị Thúy Hòa, Trường THCS Tân Tiến, phụ trách môn học này cho biết, qua những tiết học về làm phim, cô cảm thấy các em học sinh cùng nhau làm việc nhóm, phát huy sự sáng tạo, nhất quán trong phân công để hoàn thành các phần việc, giúp các em phát huy khả năng thuyết trình, định hình một số ý tưởng sản xuất. Ngoài ra, một số em yêu thích nghệ thuật như đồ họa, thiết kế phần mềm, một số bạn mong muốn làm phóng viên, quay phim, dựng phim thì những tiết học này rất hữu ích, thú vị để các em thể hiện mình.

Ngoài nội dung làm phim thể nghiệm nghệ thuật, học sinh lớp 9 còn được học và thực hành các nội dung về hội họa, đồ họa, điêu khắc, thiết kế công nghiệp, thời trang... Đây là những kiến thức cơ bản và cần thiết để các em có thể tiếp cận, làm quen một số kỹ năng chuyên môn, phát hiện năng khiếu bản thân để từ đó nuôi dưỡng đam mê, xác định được nghề nghiệp tương lai.

Toàn cảnh phim trường trong sản phẩm Thanh xuân của chúng ta” của nhóm học sinh Trường THCS Tân Tiến, huyện Đồng Phú - ảnh: Từ Huy

Ly Na

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/171665/sang-tao-phim-the-nghiem-nghe-thuat
Zalo