Sáng tạo hình thức truyền thông kiến thức pháp luật cho bà con dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa

Nhằm 'mềm hóa' tuyên truyền kiến thức pháp luật đến người dân, Sở Tư pháp cùng các ban ngành, đoàn thể, Hội Phụ nữ các cấp tỉnh Thanh Hóa đã sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức truyền thông mang lại hiệu quả cao.

 Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Thanh,Thanh Hóa phát tờ rơi tuyên truyền Luật Biên phòng Việt Nam cho người dân bản Bôn, xã Tam Thanh. Ảnh: ĐBP Tam Thanh

Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Thanh,Thanh Hóa phát tờ rơi tuyên truyền Luật Biên phòng Việt Nam cho người dân bản Bôn, xã Tam Thanh. Ảnh: ĐBP Tam Thanh

Theo thống kê của Sở Tư pháp Thanh Hóa, 6 tháng đầu năm 2025, sở đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và địa phương triển khai đồng bộ các chương trình, đề án phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Tiêu biểu, phải kể đến các đề án trọng điểm như: "Đẩy mạnh công tác PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi"; "Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống"; "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2018–2025" và "Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021–2025"...

Truyền thông PBGDPL đến người dân nói chung đã luôn là một đề tài khó, việc BGDPL đến đồng bào DTTS sẽ càng khó hơn bởi nhiều rào cản về nhận thức, phong tục, nếp nghĩ cách làm… Để "mềm hóa" kiến thức pháp luật, Sở Tư pháp Thanh Hóa cùng các ban ngành, đoàn thể, Hội Phụ nữ đã sáng tạo nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả như sân khấu hóa, tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng, tổ chức phiên tòa giả định về bạo lực gia đình… Nhờ đó, mỗi buổi truyền thông đã thu hút hàng trăm người dân địa phương theo dõi, phần lớn là phụ nữ và người lớn tuổi tham gia.

Tính đến hết tháng 6/2025, toàn tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức được 71 cuộc tuyên truyền, PBGDPL tại các xã miền núi, biên giới, thu hút 11.914 lượt người tham gia. Con số ấn tượng cho thấy hiệu quả và sức hút của các hoạt động này.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tổ chức 2 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 550 lượt người dự thi, phát hành 46.992 cuốn tài liệu pháp luật đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng chuyển tải thông tin pháp luật đến với người dân, các báo cáo viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở và cộng tác viên tuyên truyền được tập huấn bài bản, sử dụng song ngữ (tiếng Kinh và tiếng dân tộc) khi cần thiết.

Đặc biệt, trong tuyên truyền, các báo cáo viên và cán bộ tư pháp không giảng lý thuyết suông mà trò chuyện thân tình, dẫn chứng các tình huống cụ thể, chú ý đến các vấn đề bà con đang quan tâm, vướng mắc (như đất đai, hộ tịch, hôn nhân, bảo hiểm, chính sách pháp luật). Với cách tiếp cận này, các cán bộ tư pháp đã xây dựng được lòng tin ở nhân dân, trở thành người kết nối, kênh tư vấn thông tin pháp luật uy tín của bà con.

Lực lượng công an tỉnh Thanh Hóa “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho nhân dân

Lực lượng công an tỉnh Thanh Hóa “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho nhân dân

Trước đây, các bản trong xã từng xảy ra nhiều vụ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn giữa người dân dẫn đến xích mích, mất đoàn kết. Nhưng giờ đây, nhờ có cán bộ tư pháp đến tận bản tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ của công dân, giải thích cặn kẽ các tình huống xảy ra trong đời sống theo luật nên mỗi khi có chuyện gì, bà con không manh động, xử lý theo cảm tính mà gọi già làng, trưởng bản hòa giải, không phải đưa lên cấp xã giải quyết.

Có được sự thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân chính là nhờ kết quả của công tác PBGDPL tại địa phương. Không chỉ lan tỏa kiến thức pháp lý, các hoạt động tuyên truyền còn góp phần xây dựng niềm tin, khơi gợi tinh thần "thượng tôn pháp luật" trong bà con DTTS.

Đặc biệt, đề án "Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021–2025" đã đem lại hiệu quả thiết thực. Thông qua các buổi tuyên truyền kết hợp biểu diễn múa khèn, hát đối, chiếu phim ngắn về thực hành tang lễ mới… đã giúp bà con nhận thức sâu sắc rằng, việc tổ chức tang theo nếp sống mới vừa đảm bảo đúng luật mà vẫn trang trọng, thiêng liêng.

Trên thực tế, ở nhiều xã như Nhi Sơn, Mường Chanh, Tam Chung…, số lễ tang tổ chức theo hình thức văn minh, tiết kiệm tăng lên rõ rệt. Việc tổ chức tang lễ theo đời sống mới đã giúp thay đổi một tập quán lạc hậu lâu đời mà không hề làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc.

Một chương trình truyền thông, giáo dục pháp luật tại cơ sở ở Thanh Hóa

Một chương trình truyền thông, giáo dục pháp luật tại cơ sở ở Thanh Hóa

Không chỉ tuyên truyền theo kế hoạch, các sở, ban, ngành và đoàn thể cấp tỉnh còn phát động nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật rộng rãi. 6 tháng qua, có tới 197.308 lượt người tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, từ trực tuyến đến viết tay, từ học sinh phổ thông đến cán bộ thôn bản. Qua đó, góp phần không nhỏ vào việc trau dồi nền tảng hiểu biết pháp luật cho mỗi người dân.

Dù còn không ít khó khăn như giao thông cách trở, điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, hay sự chênh lệch ngôn ngữ và trình độ dân trí, song Thanh Hóa vẫn từng bước xây dựng được hệ sinh thái PBGDPL phù hợp với từng vùng, từng nhóm dân cư đặc thù. Từ các xã vùng cao như Trung Lý, Pù Nhi, Tam Chung… đến các xã biên giới như Mường Lý, Nhi Sơn, Quang Chiểu, mô hình phối hợp liên ngành giữa tư pháp, dân vận, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, người có uy tín và già làng đã phát huy hiệu quả rõ rệt.

Hành trình đưa pháp luật thấm sâu vào đời sống không phải ngày một ngày hai, nhưng qua kết quả 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy, cách làm bài bản, sáng tạo và mang tính lan tỏa rộng của tỉnh Thanh Hóa. Chắc chắn, khi người dân được nâng cao hiểu biết, có ý thức chấp hành pháp luật sẽ là một trong những tiền đề quan trọng để xây dựng cộng đồng dân cư tự quản, văn minh, đoàn kết và phát triển bền vững.

Nhật An

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/sang-tao-hinh-thuc-truyen-thong-kien-thuc-phap-luat-cho-ba-con-dan-toc-thieu-so-o-thanh-hoa-20250713073328826.htm
Zalo