Sáng ngủ dậy khạc ra đờm màu đen là bệnh gì? Có nguy hiểm không?

Khạc ra đờm màu đen hoặc sẫm màu có thể do nhiễm trùng hoặc hít phải chất gây kích ứng, nhưng triệu chứng này cũng cảnh báo các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Ngủ dậy họng có đờm có thể là một tình trạng bình thường và không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu khạc ra đờm màu đen hoặc nâu sau khi thức dậy, đặc biệt tình trạng này diễn ra dai dẳng, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra sớm.

1. Khạc ra đờm màu đen là bệnh gì?

Khạc ra đờm màu đen có thể do tiếp xúc với khói hoặc bụi bẩn trong không khí, nhiễm trùng đường hô hấp. Tuy nhiên, đờm đen cũng có thể do một tình trạng nghiêm trọng hơn gây ra, chẳng hạn như ung thư phổi. Do đó, bạn không nên chủ quan khi xuất hiện triệu chứng này.

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng khạc ra đờm có màu đen:

- Chất gây kích ứng

Hít phải các chất gây kích ứng như chất gây ô nhiễm hay khói cháy có thể khiến các chất độc hại này lắng đọng trong đường thở, làm sẫm màu chất nhầy và đờm.

Ngoài ra, việc hút thuốc hay hít phải khói thuốc cũng có thể gây ra tình trạng này. Các hóa chất trong thuốc lá sẽ bám vào đường thở của bạn, làm cho chất nhầy và đờm chuyển sang màu đen. Hút thuốc cũng khiến đờm đặc lại trong phổi, gây ra nhiều cơn ho hơn. Một lý do dẫn đến tình trạng tích tụ này là hút thuốc có thể làm hỏng hoặc phá hủy cơ chế làm sạch của phổi — lông mao giống như sợi tóc lót phổi. Điều này khiến đờm làm tắc nghẽn đường thở của bạn.

Hút thuốc cũng là một yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi, nhiều loại ung thư khác, bệnh tim và hầu hết các vấn đề về hô hấp khác.

Hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư phổi (Ảnh: ST)

Hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư phổi (Ảnh: ST)

- Nhiễm trùng

Khạc ra đờm màu đen là bệnh gì? Các bệnh ảnh hưởng đến hệ hô hấp có thể gây ra nhiều thay đổi về màu sắc và độ đặc của chất nhầy như nhiễm trùng do nấm, lao hay viêm phổi.

Nhiễm trùng do nấm có thể gây kích ứng đường thở, thậm chí có thể gây chảy máu, từ đó làm chất nhầy chuyển sang màu nâu đỏ hoặc đen. Tuy nhiên, nhiễm trùng do nấm thường xảy ra ở những người bị suy yếu hệ miễn dịch như đang trải qua quá trình điều trị ung thư hoặc mắc chứng rối loạn tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp.

Nhiễm trùng lao do vi khuẩn rất dễ lây lan. Bệnh thường xảy ra nhất khi hệ thống miễn dịch của một người yếu. Các triệu chứng của bệnh lao như ho dai dẳng kéo dài hàng tuần, đờm màu đen, đau ngực, sụt cân, đổ mồ hôi đêm và ho ra máu.

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng các túi khí trong phổi, thường dẫn đến tích tụ dịch ở một hoặc cả hai phổi. Nguyên nhân gây viêm phổi có thể do vi khuẩn, vi-rút và các sinh vật khác. Ngoài đờm sẫm màu, các dấu hiệu khác của bệnh viêm phổi bao gồm đau ngực, khó thở, ho, sốt và mệt mỏi.

- Bệnh van tim

Khạc ra đờm màu đen là bệnh gì? Có thể do bệnh van tim. Máu đi từ tim, qua phổi (nơi trao đổi carbon dioxide lấy oxy), sau đó trở lại tim để được bơm ra các bộ phận còn lại của cơ thể. Khi van tim bị khiếm khuyết hoặc bị bệnh không cho phép máu đi vào và ra khỏi tim dễ dàng, máu có thể chảy ngược vào phổi.

Trong bệnh van tim, chất lỏng bị ứ đọng này có thể tích tụ trong phổi, gây ra suy tim sung huyết. Điều này có thể tạo ra đờm có bọt hoặc có vệt máu, khiến đờm chuyển sang màu hồng, đỏ, màu gỉ sắt, nâu hoặc đen.

Người bị bệnh van tim có thể khiến máu chảy ngược vào phổi (Ảnh: ST)

Người bị bệnh van tim có thể khiến máu chảy ngược vào phổi (Ảnh: ST)

- Thuốc làm loãng máu

Thuốc chống đông máu và thuốc chống tiểu cầu có tác dụng làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông có khả năng làm tắc nghẽn động mạch, dẫn đến các tình trạng như đau tim hoặc đột quỵ. Tuy nhiên, các loại thuốc làm loãng máu này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trong.

Ho ra máu hoặc đờm đen là dấu hiệu của tình trạng chảy máu và có thể là dấu hiệu cho thấy chế độ dùng thuốc của bạn cần được điều chỉnh.

- Bệnh tự miễn

Khạc ra đờm màu đen là bệnh gì? Một số bệnh tự miễn hoặc viêm, chẳng hạn như bệnh sarcoidosis, ảnh hưởng trực tiếp đến phổi và khiến hình thành đờm đen hoặc nâu. Tình trạng này liên quan đến chảy máu trong đường hô hấp. Bệnh sarcoidosis cũng có thể ảnh hưởng đến da, mắt, xoang, thận và các cơ quan khác.

Các bệnh tự miễn khác, chẳng hạn như bệnh lupus và viêm khớp dạng thấp, có thể ảnh hưởng đến phổi và các bộ phận khác của cơ thể theo những cách khác nhau.

- Ung thư phổi

Ung thư phổi được chẩn đoán khi phát hiện thấy tế bào ung thư phổi trong phổi, hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác. Các dấu hiệu của ung thư phổi như ho và khạc ra đờm đen, ho ra máu, đau ngực, khàn giọng, hụt hơi, thở khò khè.

2. Cách điều trị khạc ra đờm có màu đen

Phương pháp điều trị cho tình trạng đờm hoặc chất nhầy đen sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân. Trước tiên, bạn cần đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe và tìm chính xác nguyên nhân gây bệnh.

- Nếu do các nguyên nhân như hít phải các chất gây kích ứng, bạn chỉ cần loại bỏ các tác nhân này là tình trạng sẽ tự cải thiện.

- Nếu do nhiễm trùng, bạn cần sử dụng thuốc và nghỉ ngơi. Một số loại thuốc có thể được chỉ định như kháng sinh, thuốc kháng vi-rút hoặc kháng nấm.

- Các phương pháp điều trị liên quan đến van tim nên được bác sĩ tim mạch chỉ định. Các biện pháp bao gồm thuốc men, phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay van.

- Liều lượng và loại thuốc làm loãng máu có thể được điều chỉnh, nhưng bạn nên đến tìm bác sĩ để được hướng dẫn.

- Nếu chức năng phổi của bạn bị ảnh hưởng bởi các quá trình bệnh khác, bạn có thể cần dùng thuốc và các phương pháp điều trị khác, bao gồm liệu pháp oxy.

3. Cách long đờm nhanh tại nhà

Ngoài các phương pháp điều trị, bạn cũng có thể thử một vài phương pháp tại nhà để làm long đờm và giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn:

- Uống nước ấm: Nước và các chất lỏng khác, đặc biệt là nước ấm có thể làm loãng chất nhầy bằng cách giúp chất nhầy di chuyển. Bạn có thể uống nước lọc, nước ép trái cây.

- Uống trà thảo mộc: Uống các loại trà từ gừng, tỏi, cúc tím, xạ hương có thể giúp điều trị cảm lạnh, ho và giảm chất nhầy dư thừa.

- Ăn súp gà: Súp gà có thể tốt để điều trị cảm lạnh và loại bỏ chất nhầy dư thừa. Vì súp gà làm chậm chuyển động của bạch cầu trung tính trong cơ thể. Bạch cầu trung tính, một loại tế bào bạch cầu, chống lại nhiễm trùng. Khi di chuyển chậm, chúng sẽ ở lại các khu vực cơ thể bạn bị nhiễm trùng lâu hơn.

- Súc miệng bằng nước muối ấm: Phương pháp này có thể giúp làm sạch đờm ở phía sau cổ họng và làm dịu cơn đau họng.

-Hít dầu khuynh diệp: Hít tinh dầu khuynh diệp pha loãng có cảm giác như giúp làm loãng chất nhầy.

- Sử dụng máy tạo độ ẩm: Máy tạo độ ẩm sẽ giúp làm loãng chất nhầy và đờm, từ đó giúp đờm dễ dàng được đẩy ra ngoài hơn.

Hy vọng qua bài viết bạn đã có lời giải đáp cho vấn đề: "khạc ra đờm màu đen là bệnh gì?". Lưu ý, nếu bạn khạc ra đờm màu đen và kèm theo các triệu chứng khác như sốt cao, đau ngực, khó thở hoặc nếu bạn ho ra máu, bạn nên đến bệnh viện ngay để được chăm sóc y tế kịp thời.

Nguồn: Healthline

Vân Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/sang-ngu-day-khac-ra-dom-mau-den-la-benh-gi-co-nguy-hiem-khong-20241217141337456.htm
Zalo