Sáng đến trưa 30-8, bão số 4 giật cấp 11 đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20km, từ sáng đến trưa mai (30-8) đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Theo bản tin phát lúc 11 giờ của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, hồi 10 giờ ngày 29-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam 130km về phía Đông Nam, cách đất liền các tỉnh Nghệ An-Quảng Trị khoảng 460km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và có khả năng mạnh thêm.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20km, từ sáng đến trưa mai (30-8) đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Đến 10 giờ ngày 30-8, vị trí tâm bão ở khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 15,0 độ Vĩ Bắc.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 22 giờ ngày 30-8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 103,5 độ Kinh Đông, trên biên giới Lào-Thái Lan. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Cảnh báo gió mạnh trên biển: Từ tối nay (29-8), ở Nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12.
Từ đêm nay (29-8), ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Sóng biển cao từ 2-4m, vùng gần tâm bão sóng biển cao 3-5m, biển động rất mạnh. Vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa-Quảng Bình nước dâng do bão cao từ 0,5-1,0m.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ sáng sớm ngày 30-8, ở các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11.
Cảnh báo mưa lớn:
Từ nay đến ngày 31-8, ở các tỉnh Trung Bộ có mưa to đến rất to;
Từ ngày mai đến ngày 2-9, ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to;
Từ nay đến ngày 1-9, ở Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, Bắc Tây Nguyên mưa rất to.
Tổng lượng mưa phổ biến cả đợt ở các khu vực:
- Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị: 250-400mm;
- Thừa Thiên Huế, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ: 200-300mm;
- Khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và Đà Nẵng: 100-200mm;
- Khu vực trung du, vùng núi Bắc Bộ: 50-120mm;
- Các tỉnh Nam Bộ: 100-150mm;
- Các tỉnh Tây Nguyên: 150-250mm;
Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
* Trước diễn biến của bão số 4, tại cuộc họp ứng phó với bão số 4 diễn ra sáng nay 29-8 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, lực lượng biên phòng tuyến biển phối hợp với gia đình chủ tàu, chính quyền địa phương khẩn trương liên lạc, thông báo diễn biến bão với các chủ tàu. Hiện trong số 20 tàu của tỉnh Quảng Trị chưa liên lạc được vào hôm qua, sáng nay lực lượng biên phòng và gia đình đã liên lạc được với 13 tàu, hiện còn 7 tàu vẫn chưa liên lạc được.
Trong khi đó, thông tin từ Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển Hà Tĩnh cho biết, đến sáng 29-8, có 117 tàu, thuyền với 599 lao động đang hoạt động đánh bắt cá trên biển, trong đó có 20 tàu thuyền với 163 lao động đang đánh bắt cá vùng lộng khu vực biển Hà Tĩnh, Nghệ An, và 97 tàu, thuyền với 436 lao động đang hoạt động ở vùng ven bờ biển Hà Tĩnh. Tất cả số tàu, thuyền này đã nhận được thông tin và đang trên đường vào bờ để tránh trú bão số 4.
Hà Tĩnh có 3.960 tàu thuyền với 15.753 lao động đánh bắt cá đã được các cơ quan chức năng Hà Tĩnh liên lạc và thông báo diễn biến, đường đi của cơn bão số 4 để chủ các tàu, thuyền chủ động đưa phương tiện vào nơi tránh trú bão an toàn.
Tại các âu thuyền thuộc xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà); Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên); Xuân Hội (huyện Nghi Xuân) hàng trăm tàu thuyền trong và ngoài tỉnh đã đến tránh trú, được chằng chéo an toàn.
Công ty Viễn Thông Hà Tĩnh cũng đã nhắn tin đến hàng vạn thuê bao điện thoại di động nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc phòng, chống bão, mưa lũ.
Đại tá Trần Văn Đình, Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết: “Về số lượng tàu thuyền, chúng tôi đang tiếp tục đôn đốc lực lượng biên phòng các tỉnh và các địa phương với các ngành có liên quan tham mưu chính quyền địa phương chỉ đạo sớm kêu gọi tổ chức sắp xếp neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn, chậm nhất là 7 giờ sáng ngày 30-8 và sớm nhất là 18 giờ chiều nay 29-8, đảm bảo an toàn cho các phương tiện nghề cá”.
Nhấn mạnh tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, các thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cử ngay các đoàn công tác trực tiếp tham gia chỉ đạo ứng phó bão số 4 cùng với địa phương các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Hiện bão số 4 càng gần bờ thì càng di chuyển nhanh hơn so với kịch bản dự báo hôm qua.
Khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình dự kiến sẽ là nơi tâm bão đổ bộ. Bão số 4 còn diễn biến phức tạp vì có thể thay đổi hướng, vì vậy các địa phương không được chủ quan, phải kiểm tra khu neo đậu, sắp xếp tàu, thuyền hợp lý tránh thiệt hại khi bão đổ bộ, kiên quyết không để người ở trên phương tiện.
Đồng thời lên phương án sơ tán người dân vùng có nguy cơ cao, vùng trũng, trước khi bão đổ bộ đất liền, đặc biệt lưu ý thông báo đến người dân cũng như đảm bảo an toàn cho du khách trên các đảo, những nơi tập trung hoạt động vui chơi giải trí.
Cũng trong trưa nay 29-8, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, trong chiều nay Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai dẫn đầu đoàn công tác vào 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh để trực tiếp chỉ đạo ứng phó với bão số 4 - Podul.
Trước giờ bão vào, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT sẽ kiểm tra tình hình thực địa tại Cửa Lò, Diễn Châu, khu neo đậu tàu thuyền Quỳnh Lưu của tỉnh Nghệ An và các tuyến đê biển Lộc Hà - Nghi Xuân của tỉnh Hà Tĩnh...