Sáng 3/7: Giá vàng thế giới giảm trở lại
Sáng nay (3/7), giá vàng giao ngay giảm 10,200 USD xuống 3.346,890 USD/oz; vàng tương lai giao dịch ở mức 3.356,40 USD/oz, giảm 3,30 USD so với đầu phiên.

Nhận định về vàng, Giám đốc Chiến lược ETF tại công ty quản lý tài sản abrdn, Robert Minter cho biết, giá vàng đang dao động ổn định quanh mức 3.300 USD/oz nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc thiết lập xu hướng tăng mới, khi giới đầu tư cố gắng làm quen với mặt bằng giá cao hiện tại.
Mặc dù vàng vẫn tiếp tục “giậm chân tại chỗ”, nhưng rất khó để thấy được bất kỳ yếu tố suy yếu rõ ràng nào khi nợ công của Mỹ tiếp tục tăng mạnh.
Tuần trước, nợ công của Mỹ đã vượt qua một cột mốc mới, quá 37 nghìn tỷ USD. Trong khi quy mô nợ của Mỹ đang thu hút sự chú ý, Minter lưu ý rằng Mỹ không “đơn độc”, vì châu Âu cũng đang tăng cường chi tiêu công trong những tháng gần đây.
“Tôi đã rà soát lại số liệu từ năm 1993 và xem xét số lượng nợ Kho bạc Hoa Kỳ đang lưu hành, nó đã tăng khoảng 900%, con số này cũng gần tương đương với mức tăng của giá vàng trong cùng kỳ”, ông nói và thêm rằng: “Nếu Mỹ tăng nợ công lên 900%, thì các nước châu Âu cũng buộc phải làm điều tương tự nếu không muốn bị mất cân bằng tỷ giá và ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại và nền kinh tế”.
Ông Minter nhấn mạnh rằng vì các quốc gia đều đang thực hiện chi tiêu thâm hụt với tốc độ tương đương nhau, nên áp lực phá giá tiền tệ không dễ dàng nhận thấy, nhưng vàng đã phản ánh điều đó, khi tiếp tục giao dịch gần mức cao kỷ lục so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt.
“Vàng là loại tiền tệ duy nhất không phải là khoản nợ của người khác. Giá vàng trên 3.000 USD/oz là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh nợ toàn cầu gia tăng. Rất khó để giá vàng có thể giảm mạnh xuống dưới mốc 3.000 USD một lần nữa”, ông nói thêm.
Trong bối cảnh này, ông hy vọng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua vàng, ngay cả khi tốc độ chậm lại so với ba năm qua.
Về ngắn hạn, ông Minter cảnh báo rủi ro điều chỉnh khi tâm lý bi quan đã lên tới đỉnh điểm và nếu tâm lý này được "xả" ra, vàng có thể mất vai trò trú ẩn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, ông cho rằng bất kỳ nhịp điều chỉnh nào cũng nên được coi là cơ hội mua vào.
Ông đặc biệt nhấn mạnh nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi các tín hiệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bởi một chu kỳ giảm lãi suất mới có thể là chất xúc tác mạnh cho vàng từ nay đến cuối năm.
Dù Fed vẫn tỏ ra thận trọng, ông Minter cho rằng họ sớm muộn gì cũng buộc phải hành động. Ông chỉ ra rằng lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm hiện chỉ quanh 3,78%, thấp hơn khoảng 80 điểm cơ bản so với lãi suất điều hành hiện tại của Fed.
“Thị trường trái phiếu đang phát đi tín hiệu rằng chính sách tiền tệ hiện tại đang bị "siết" quá mức, và có cơ sở vững chắc để Fed cắt lãi suất ít nhất 50 điểm cơ bản trong năm nay. Làn sóng tăng giá tiếp theo của vàng sẽ đến từ dòng tiền đầu tư truyền thống, đặc biệt là khi Fed bắt đầu nới lỏng chính sách”, ông nhận định.

Theo công cụ FedWatch của CME, mặc dù khả năng vẫn còn thấp, nhưng khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối tháng này ngày càng tăng. Tuy nhiên, thị trường đã định giá đầy đủ cho việc nới lỏng vào tháng 9 và tháng 12.
Khi được hỏi về tiềm năng của vàng trong nửa cuối năm, ông Minter cho rằng nếu dựa theo xu hướng năm ngoái, giá vàng có thể tăng thêm khoảng 300 USD/oz khi Fed bắt đầu nới lỏng chính sách, đưa giá tiến gần mốc 3.700 USD/oz.
“Từ tháng 6 đến tháng 9 năm ngoái, nhu cầu ETF đã tăng đáng kể khi thị trường kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất. Trong giai đoạn đó, giá vàng đã tăng từ 2.300 USD/oz lên 2.600 USD/oz. Tôi cho rằng năm nay cũng sẽ lặp lại đà tăng 300 USD/oz tương tự khi dòng vốn ETF quay trở lại nhờ kỳ vọng nới lỏng tiền tệ”, ông Minter nói.
Trong nửa đầu năm 2025, giá vàng đã tăng gần 25%, tiếp nối đà tăng mạnh mẽ từ năm 2024. Các chuyên gia dự báo giá vàng có thể tiếp tục tăng thêm khoảng 35% trong năm nay nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn, lãi suất có xu hướng giảm, cùng với bất ổn địa chính trị và rủi ro tài khóa tại Mỹ.
Một yếu tố đáng chú ý là dự luật thuế và chi tiêu do Tổng thống Donald Trump đề xuất, với tổng giá trị có thể làm gia tăng thêm 3,3 nghìn tỷ USD vào nợ công Mỹ. Nếu được Hạ viện phê duyệt, đây có thể là “cú hích” tiếp theo khiến nhà đầu tư đổ dồn vào vàng như một tài sản bảo toàn giá trị.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng đến năm 2026, giá vàng có thể chững lại hoặc giảm nhẹ nếu những rủi ro tài khóa, địa chính trị và lãi suất được kiểm soát. Dẫu vậy, vàng vẫn được dự báo duy trì ở mức cao hơn đáng kể so với giai đoạn 2015-2019, thậm chí có thể cao hơn 150%.
Ở thông tin khác, hôm qua, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust tiếp tục bán ra 0,57 tấn vàng, hạ mức nắm giữ xuống còn 947,66 tấn.
Về mặt kỹ thuật, phe đánh lên giá vàng tương lai đang có lợi thế kỹ thuật tổng thể vững chắc trong ngắn hạn.
Mục tiêu giá tăng tiếp theo của phe đánh lên là tạo ra mức đóng cửa trên mức kháng cự vững chắc tại 3.400 USD/oz.
Mục tiêu giá giảm tiếp theo trong ngắn hạn của phe đánh xuống là đẩy giá tương lai xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc tại 3.200 USD/oz.
Mức kháng cự đầu tiên được ghi nhận ở mức là 3.370,50 USD/oz và sau đó là 3.400,00 USD/oz.
Mức hỗ trợ đầu tiên được ghi nhận ở mức thấp nhất trong ngày hôm qua là 3.337,20 USD/oz và sau đó ở mức 3.313,70 USD/oz.