Bình Liêu và hành trình xanh hóa vùng biên cương

Bình Liêu đang từng bước khẳng định vị thế của mình, là điểm sáng trong phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh Quảng Ninh. Hành trình xanh hóa vùng biên cương được triển khai nhiều năm trở lại đây đã mang lại hiệu quả phát triển kinh tế bền vững.

Phát huy lợi thế để xanh hóa vùng biên cương phía Bắc

Nằm ở vùng biên cương phía Bắc của tỉnh Quảng Ninh , Bình Liêu không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi ghi dấu ấn của hành trình xanh hóa thông qua các dự án trồng rừng. Với vị trí địa lý đặc biệt, không chỉ là giải pháp bảo vệ môi trường mà còn là hướng đi chiến lược nhằm nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế địa phương.

Việc trồng rừng sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực như giúp cải thiện chất lượng không khí, giảm thiểu thiên tai và bảo vệ nguồn nước, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, huyện biên giới Bình Liêu cũng đang hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh tạo, phát huy lợi thế sẵn có của địa phương qua đó tạo việc làm và nâng cao đời sống người dân một cách bền vững trong lĩnh vực lâm nghiệp và du lịch sinh thái.

Khu vực trồng thông và lim của Cty TNHH MTV lâm nghiệp Bình Liêu.

Khu vực trồng thông và lim của Cty TNHH MTV lâm nghiệp Bình Liêu.

Công tác phát triển kinh tế xanh, phủ xanh rừng trồng tại huyện Bình liêu còn mang ý nghĩa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch tại địa phương. Trong những năm qua, Lễ hội hoa sở tại Bình liêu đã thu hút đông đảo khách du lịch và trở thành một trong những điểm nhấn về phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh. Du khách đến với với Quảng Ninh không chỉ biết tới kỳ quan thiên nhiên vịnh Hạ Long nổi tiếng thế giới mà bên cạnh đó họ còn biết tới sự đa dạng về màu sắc văn hóa các dân tộc và sự đa dạng sinh thái ở vùng đất địa đầu tổ quốc qua những lễ hội được tổ chức tại các huyện biên giới như Bình Liêu.

Tận dựng, phát huy những lợi thế sẵn có, những nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp và người dân Bình liêu đã giúp huyện biên giới phía Bắc vững vàng trên lộ trình phát triển bền vững mà còn đóng góp vào mục tiêu chung của tỉnh Quảng Ninh trong việc chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.

Thành quả đáng ghi nhận từ những con số

Song hành, phối hợp chặt chẽ cùng với chính quyền địa phương và người dân, các đơn vị lâm đang triển khai các dự án trồng rừng bền vững mang lại những giá trị kinh tế thiết thực với những bước phát triển chiến lực phù hợp với điều kiện, lợi thế của huyện. Từ trồng rừng gỗ lớn, phát triển giống cây sở ghép có năng suất cao đến việc mở rộng vùng trồng quế hữu cơ – tất cả đang góp phần nâng cao độ che phủ rừng và thu nhập cho người dân miền núi.

Là đơn vị quản lý rừng lớn trên địa bàn, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Liêu hiện đang quản lý hơn 5.000 ha rừng. Hưởng ứng chủ trương phát triển lâm nghiệp bền vững, Công ty đã tiên phong trồng rừng bằng các giống cây bản địa có giá trị kinh tế cao như lim, giổi, lát và cây dược liệu dưới tán. Bắt đầu từ 77ha trồng thí điểm năm 2021, đến nay, diện tích đã mở rộng lên khoảng 1.100ha, sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương.

Năm 2025, Công ty đặt mục tiêu trồng mới khoảng 200ha rừng, chủ yếu là keo, thông, lim, giổi và lát. Hiện đã triển khai được 25ha. Thời gian tới, công ty sẽ nhân rộng mô hình trồng cây sở ghép – một loại cây lấy dầu có giá trị cao – với diện tích mỗi năm mở rộng khoảng 3-4ha. Trước đó, năm 2023, với sự phối hợp của Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng (Bộ KH&CN), Công ty đã trồng thử nghiệm hơn 7.000 cây sở ghép trên diện tích 4ha. Giống mới này cho năng suất vượt trội, rút ngắn thời gian thu hoạch từ 10 năm còn 5 năm, sản lượng cao gấp 20 lần cây sở truyền thống.

Huyện Bình Liêu đang hướng tới mô hình trồng quế hữu cơ.

Huyện Bình Liêu đang hướng tới mô hình trồng quế hữu cơ.

Theo ông Hoàng Văn Trình, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Liêu cho biết việc khai thác nhựa thông tại địa bàn xã Vô Ngại đã tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho công nhân và người dân địa phương.

Huyện Bình Liêu đã xây dựng kế hoạch trồng rừng năm 2025 với mục tiêu phủ xanh hơn 1.000ha, trong đó có 40ha rừng phòng hộ. Đến nay, toàn huyện đã trồng được hơn 150ha, đạt 14,6% kế hoạch. Riêng kế hoạch trồng 200ha rừng gỗ lớn theo Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND, các xã đã thực hiện được 30ha.

Bên cạnh các loại cây gỗ lớn, cây quế đang là hướng đi kinh tế hiệu quả của người dân Bình Liêu. Theo thống kê, toàn huyện Bình Liêu hiện có 690 ha quế, tập trung ở 7 xã. Vào vụ thu hoạch, các điểm thu mua tại nhà dân hoạt động nhộn nhịp. Quế bóc trên rừng được phân loại, cạo vỏ, phơi khô để bán cho các đơn vị chế biến hoặc xuất khẩu. Nhờ giá trị cao và đầu ra ổn định, người dân tận thu gần như toàn bộ phần vỏ và cành quế.

Không chỉ dừng lại ở phát triển quế truyền thống, Bình Liêu đang hướng tới mô hình trồng quế hữu cơ. Các hộ dân được hướng dẫn kỹ thuật, quản lý canh tác chặt chẽ theo quy chuẩn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhờ đẩy mạnh trồng rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp, thu nhập người dân ngày càng được cải thiện.

Sự kết hợp hài hòa giữa phát triển rừng gỗ lớn, cây đặc sản như sở ghép, quế cùng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và mở rộng mô hình sản xuất sạch đang tạo ra động lực lớn cho Bình Liêu bứt phá trong phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và bảo vệ môi trường sinh thái.

Năm 2024, giá mỗi kg hoa hồi khô mà người dân tại Bình Liêu bán ra trên dưới 140.000 đồng, mang lại thu nhập khoảng 200-300 triệu đồng/năm/hộ. Từ đây, tỷ lệ hộ nghèo các địa phương giảm nhanh chóng, nhiều hộ dân có nhà to, xe đẹp, có của ăn, của để. Nhiều ngôi nhà trị giá gần tỷ đồng được dựng lên từ số tiền thu được trong 3 vụ thu hoạch hoa hồi gần đây đã giúp người dân đổi đời. Đặc biệt, kể từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện đã xuất hiện ngày càng nhiều những hộ trồng rừng thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Anh Dường Cắm Chăng ở Đồng Văn huyện Bình Liêu chia sẻ: Năm 2015, nhà tôi còn nằm trong danh sách hộ nghèo. Thế nhưng từ khi con lớn, 2 vợ chồng đều chăm chỉ chăm sóc, bảo vệ 3ha rừng hồi thì thu nhập tốt hơn. Hiện gia đình không còn nghèo nữa mà đã đủ ăn, còn có tích lũy để xây nhà, sắm sửa đồ đạc.

Có thể thấy, đi lên từ rừng, lấy rừng làm dư địa phát triển, lấy rừng làm tư liệu sản xuất đa mục đích, phát triển kinh tế xanh, bền vững… đó chính là sự chuyển động rất đáng mừng ở Bình Liêu hôm nay. Với sự vào cuộc của chính quyền và người dân, tin rằng, rừng của Bình Liêu sẽ tiếp tục phát huy giá trị, không chỉ đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trên địa bàn mà còn biến Bình Liêu trở thành vùng đất có thương hiệu du lịch bản địa gắn với rừng.

Mạnh Tiến

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/binh-lieu-va-hanh-trinh-xanh-hoa-vung-bien-cuong-100072.html
Zalo