Sáng 17/2, Quốc hội thảo luận về chính sách đặc thù cho điện hạt nhân Ninh Thuận

Sáng 17/2/2025, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Sáng 17/2/2025, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Quốc hội nghe Tờ trình về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Quốc hội nghe Tờ trình về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Trước đó, sáng 14/2/2025, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đồng thời, chiều 14/3, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về vấn đề này.

Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 174 ngày 30/11/2024 về việc “Tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận”.

Thực hiện các chủ trương trên, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ban, ngành khẩn trương triển khai thực hiện các công việc cần thiết nhằm sớm đưa dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành trong năm 2030-2031, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Do đây là dự án đặc biệt quan trọng, có công nghệ phức tạp, chỉ một số ít quốc gia sở hữu; nhu cầu vốn đầu tư rất lớn và lần đầu tiên được đầu tư xây dựng tại nước ta nên rất cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 121 ngày 6/2/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng, ngày 8/2/2025, Chính phủ đã có Tờ trình số 74, trình Quốc hội xem xét, thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù là rất cấp thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với sự cần thiết phải ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về các cơ chế, chính sách liên quan theo quy định; chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khi được ban hành, đảm bảo đúng chủ trương, chính sách của Đảng; hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách liên quan, trong đó có việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử và các cơ chế, chính sách đặc thù khác (nếu có).

Trong ngày 17/2/2025, Quốc hội cũng thảo luận ở hội trường về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và thảo luận ở hội trường về nội dung này.

Quốc hội họp riêng, nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; sau đó, thảo luận tại Đoàn về các nội dung trên...

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sang-172-quoc-hoi-thao-luan-ve-chinh-sach-dac-thu-cho-dien-hat-nhan-ninh-thuan-374112.html
Zalo