Sản xuất, tiêu thụ thực phẩm giả: Không chỉ gian lận mà là tội ác
Khi vụ 'Kẹo rau củ Kera' còn chưa kịp 'hạ nhiệt', thì một lần nữa dư luận lại rúng động trước thông tin Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất và tiêu thụ gần 600 loại sữa bột giả, thu lợi bất chính gần 500 tỷ đồng. Vụ việc không chỉ là một vụ án kinh tế nghiêm trọng, mà còn là hồi chuông 'báo động đỏ' về đạo đức kinh doanh và năng lực quản lý thị trường.

Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Ảnh: VTV.
Lừa dối và đầu độc người tiêu dùng
VTV đưa tin, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an vừa triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” và “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Kết quả điều tra bước đầu xác định, từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng đã thành lập Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất kinh do-anh sữa bột. Đến nay đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Đáng chú ý, các thành phần công bố như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này. Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia. Cơ quan công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả. Trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 3/4/2025, Bộ Công an khởi tố vụ án “sản xuất hàng giả là thực phẩm” và “lừa dối khách hàng” liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Chị em Rọt và sản phẩm “Kẹo rau củ Kera”. Đồng thời, khởi tố, bắt tạm giam 5 bị can: Nguyễn Phong, Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục), Lê Tuấn Linh, Lê Thành Linh, Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs).
Cả hai vụ việc đều phơi bày một sự thật đau xót: Hàng giả đã không còn là những sản phẩm lỗi, in nhãn vội vã bán ở vỉa hè. Hiện nay, các đối tượng có công ty, có thương hiệu, có cả hệ thống kế toán hợp pháp. Chúng có thể lên sàn thương mại điện tử, len lỏi khắp nơi. Những kẻ làm giả hàng hóa giờ đây không còn giấu mặt, mà công khai xây dựng doanh nghiệp, thuê KOL quảng bá, livestream bán hàng và chào hàng như những doanh nghiệp tử tế. Thế nhưng, đằng sau vẻ ngoài hợp pháp đó là sự bất lương trơ trẽn. Vì lợi nhuận, một số doanh nghiệp và cá nhân sẵn sàng đầu độc học sinh, người bệnh, phụ nữ mang thai, người già - những người cần được bảo vệ nhất trong xã hội.
Đối với Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group cho thấy thủ đoạn nguy hiểm hơn bởi những sản phẩm sữa không dành cho người khỏe mạnh, mà dành cho trẻ sơ sinh, người bệnh, phụ nữ mang thai. Trong khi nhãn mác ghi nào là tổ yến, đông trùng hạ thảo, óc chó… thì thực tế bên trong chỉ là hỗn hợp bột rẻ tiền, một vài chất phụ gia không xác định và chất lượng thực tế chỉ đạt dưới 70% chỉ tiêu công bố. Không sai khi gọi đây là tội ác có tổ chức, bởi kẻ làm giả biết rõ ai sẽ uống thứ bột đó, nhưng vẫn chọn lừa dối và trục lợi.
Đáng bàn hơn, suốt gần 4 năm hoạt động, đường dây này đã qua mặt nhiều cơ quan kiểm tra, phân phối sữa giả rộng khắp các tỉnh thành, thu lợi gần 500 tỷ đồng, trong khi không ai biết có bao nhiêu người bệnh, bao nhiêu phụ nữ có thai đã bị ảnh hưởng, bao nhiêu đứa trẻ sinh non không được bổ sung đúng dưỡng chất cần thiết trong thời kỳ vàng phát triển.
Cần tăng nặng chế tài xử phạt
Một câu hỏi lớn cần phải được đặt ra: Vì sao một đường dây có thể hoạt động rầm rộ suốt 4 năm, sản xuất hàng trăm loại sữa giả, phân phối khắp nơi, thu về hàng trăm tỷ đồng mà không bị phát hiện?
Theo giới chuyên gia kinh tế, hệ thống giám sát và kiểm soát hàng hóa thời gian qua còn lỏng lẻo và có nhiều “lỗ hổng” để các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả lợi dụng. Chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe nên các đối tượng “chưa biết sợ”. Đó là chưa kể đến sự thiếu cảnh giác của người tiêu dùng khi chọn mua thực phẩm từ các nguồn không chính thống.
Thực tế cho thấy, hàng giả ngày nay không chỉ còn là vấn đề kinh tế hay vi phạm hành chính mà nó đã trở thành một loại tội phạm xâm hại trực tiếp sức khỏe, tính mạng con người và phá hoại niềm tin xã hội. Khi người tiêu dùng không còn tin vào nhãn mác, thị trường sẽ hỗn loạn. Khi thị trường hỗn loạn, doanh nghiệp làm ăn tử tế sẽ “chết” trước tiên. Và khi doanh nghiệp chân chính bị triệt tiêu, nền kinh tế sẽ mất đi khả năng phát triển bền vững.
Trước thực tế đó, vừa qua, Bộ Công an đã đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật theo hướng tăng nặng hình phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, thuốc, chất bổ sung... nhất là khi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người. Theo đó, một số hành vi sẽ bị xử lý hình sự thay vì chỉ xử phạt hành chính như trước đây. Các chuyên gia pháp lý đánh giá đây là bước đi quyết liệt, cần thiết, góp phần răn đe, chấn chỉnh đạo đức kinh doanh trong bối cảnh hàng giả ngày càng tinh vi và nguy hiểm hơn. Việc tăng nặng hình phạt cũng là thông điệp mạnh mẽ khẳng định xã hội này không dung thứ cho những kẻ bất lương kiếm sống bằng cách gieo rắc giả dối và “đầu độc” cộng đồng.