Sản xuất sớm, kỳ vọng xuất khẩu 'thuận buồm xuôi gió'
Đơn hàng xuất khẩu năm 2025 khá tốt, vì vậy, 'bắt tay' ngay vào việc những ngày đầu, tháng đầu năm, doanh nghiệp kỳ vọng một năm 'thuận buồm xuôi gió'.
‘Bắt tay’ ngay vào sản xuất, xuất khẩu
Sáng 3/2 (tức mùng 6 Tết Ất Tỵ), toàn thể công nhân viên Công ty TNHH Nhật Việt đi làm để chuẩn bị cho đơn hàng xuất khẩu vào mùng 8 Tết Ất Tỵ sang thị trường Trung Đông với khối lượng lớn.
Ông Trần Đình Thăng - Giám đốc Công ty TNHH Nhật Việt (chủ thương hiệu giày dép Vento Việt Nam) - cho biết, doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu tới hết nửa năm 2025. Mỗi tháng, trung bình doanh nghiệp phải xuất khẩu 100 nghìn đôi dép sang Trung Đông, với ít nhất 6 container 40 feet.
Cũng trở lại công việc bắt đầu từ ngày hôm nay 3/2 (tức mùng 6 Tết) để chuẩn bị cho các đơn hàng lớn, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta - cho hay, với lô nào đủ nguyên liệu sản xuất để xuất khẩu thì xuất khẩu ngay. Bởi hiện nay, khó khăn nhất đối với ngành chế biến và xuất khẩu tôm là nhiều diện tích nuôi tôm bị dịch bệnh nên thiếu hụt tôm nguyên liệu.
Không khí sôi động sản xuất ngay những ngày đầu tiên trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ cũng diễn ra tại khắp các địa phương trên cả nước. Tại tỉnh Tiền Giang, sáng 3/2, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện nghi thức khai trương đầu Xuân mới và bắt tay vào sản xuất khí thế vui tươi, sôi nổi với niềm tin năm mới thắng lợi mới.
Ông Cao Đình Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Giống cây trồng Sen Hồng tại thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) - cho hay, trong năm 2025, công ty tiếp tục chọn những mặt hàng chiến lược theo nhu cầu của bà con nông dân; tích cực hỗ trợ, chia sẻ để bà con thực hiện thắng lợi vụ mùa. Ngày khai trương đầu năm anh em công nhân ra quân rất khí thế, có nhiều khách hàng xa gần đã đặt hàng mua giống cây trồng.
Còn tại Đồng Nai, trong ngày 3/2, Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) có 91,6% trên tổng số 18.000 lao động đã quay lại nhà máy trong ngày đầu làm việc trở lại sau Tết.
Theo đại diện công ty này, số công nhân chưa đi làm việc chủ yếu là những người nghỉ thai sản hoặc có kế hoạch xin nghỉ thêm từ trước. Do đó, hoạt động sản xuất của công ty không bị ảnh hưởng và gần như trở lại bình thường.
Tương tự, đại diện Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) cho biết, sau kỳ nghỉ Tết, công ty sẽ đón công nhân trở lại làm việc vào ngày 3/2. Với khoảng 38.500 công nhân ở 3 nhà máy (Vĩnh Cửu, Long Thành và Tân Phú), công ty sẽ chi khoảng 7,7 tỷ đồng để lì xì cho cán bộ, công nhân (mỗi người 200.000 đồng) trong ngày làm việc đầu năm mới.
Trước đó, tại Công ty TNHH Cảng container quốc tế Cái Lân (CICT), tỉnh Quảng Ninh, không khí lao động trở nên nhộn nhịp ngay từ sáng mùng 4 Tết (1/2). Đơn vị này đã thực hiện bốc xếp hơn 60.000 tấn hàng rời từ hai tàu lớn. Cụ thể, tàu Alba quốc tịch Bahamas vận chuyển trên 36.000 tấn lúa mì nhập khẩu, trong khi tàu Stamina Diva quốc tịch Panama mang theo hơn 30.000 tấn ngô nhập khẩu.
Mặc dù vẫn đang trong kỳ nghỉ Tết, công ty đã sắp xếp đầy đủ nhân lực và thiết bị để đảm bảo việc giải phóng hàng hóa đúng tiến độ. Theo kế hoạch, ngày 2/2 (mùng 5 Tết), Cảng sẽ tiếp tục đón tàu CS Bright quốc tịch Panama nhập 48.000 tấn dăm gỗ. Việc duy trì sản xuất liên tục trong kỳ nghỉ lễ giúp đảm bảo hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn và đáp ứng nhu cầu giao thương của thị trường quốc tế.
Hướng đến mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng 12%
Nghị quyết số 01 ngày 5/1/2025 của Chính phủ đặt chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2025 là 12%, phấn đấu tăng trưởng 14% trong điều kiện thuận lợi.
Chính phủ nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp chính là thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và thị trường xuất nhập khẩu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Khai thác hiệu quả các cơ hội từ 17 FTA đã ký kết; đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, chủ lực; tăng cường khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng…
Theo đa số các doanh nghiệp, thị trường năm nay khá tốt, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm 2025. Ông Trần Đình Thăng cho hay, năm 2025, thị trường đang rất rộng mở đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Ngành giày dép cần tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu bởi sản phẩm giày dép Made in Vietnam vẫn có uy tín trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó là các thị trường ngách, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng thị trường. Cùng với đó, cần đầu tư thêm nguồn lực về con người, trình độ để tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam để ký kết. Đồng thời, cũng cần chú trọng vào yếu tố bền vững vì đây là nhu cầu thị trường.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - thông tin có doanh nghiệp đủ đơn hàng sản xuất năm 2025. Song, một số doanh nghiệp nếu chậm chuyển đổi cũng gặp khó khăn, mất đơn hàng, thu hẹp sản xuất, bán hết nhà xưởng. Điều này cho thấy tính khốc liệt của các ngành công nghệ cao.
Theo bà Hương, doanh nghiệp Việt tham gia được vào chuỗi cung ứng ở vai trò lắp ráp, tuy nhiên vẫn cần đầu tư để nâng cao vị thế của Việt Nam vững chắc trong chuỗi giá trị toàn cầu và thu về nhiều giá trị gia tăng. Từ đó, giúp doanh nghiệp có đơn hàng nhiều hơn.
Không để tâm lý “còn mùng là còn Tết”, với việc sẵn sàng tâm thế làm việc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, cùng sự chủ động và quyết tâm từ các doanh nghiệp hứa hẹn xuất khẩu hàng hóa năm 2025 tiếp tục bứt phá.
Bà Lý Kim Chi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA), Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA):
Mặc dù 2024 đạt các kỷ lục mới và ấn tượng nhưng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm đến hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Vì thế, cần có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa đới với các doanh nghiệp trong nước để họ có thể tiếp cận đa dạng các nguồn vốn, công nghệ mới và mở rộng thị trường nếu không muốn tiếp tục bị hạn chế như hiện nay.