Sản xuất nông nghiệp ứng phó với thiên tai ở Sơn La

Chuyển từ sản xuất truyền thống sang chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành những mô hình mới… Đó là cách mà người dân, HTX, các đơn vị ở tỉnh miền núi Sơn La đã, đang triển khai nhằm giảm thiểu những rủi ro, thiệt hại trước thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Trước đây, sau mỗi trận mưa đá, gió lốc, nhiều diện tích mận hậu của gia đình anh Lường Văn Quỳnh, ở phường Mường Sang, thị xã Mộc Châu đã bị dập thân, gẫy cành và rụng quả... thiệt hại nặng về kinh tế.

Nông dân đầu tư làm lưới phòng chống mưa đá cho cây mận.

Nông dân đầu tư làm lưới phòng chống mưa đá cho cây mận.

Để bảo vệ cây trồng, anh Quỳnh đã đầu tư hơn 300 triệu đồng làm hệ thống lưới phòng, chống mưa đá cho 5 ha mận. Sau khi mắc lưới, gia đình đã giảm 80% thiệt hại sau mỗi trận mưa đá, yên tâm đầu tư sản xuất, đảm bảo chất lượng quả mận khi thu hoạch.

"Yếu tố thời tiết rất quan trọng, để bảo vệ cây, chúng tôi thường xuyên phải theo dõi thời tiết hằng ngày, hằng tháng, để theo dõi định kỳ sự phát triển của cây và bảo vệ cây khỏi tác động của môi trường, thời tiết. Như việc chăng lưới này đã giúp cây mận chống chọi thời gian mưa đá và thời tiết khắc nghiệt." - anh Quỳnh cho hay.

Nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ dân ở Mộc Châu, Sơn La đầu tư nhà lưới để sản xuất nông nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ dân ở Mộc Châu, Sơn La đầu tư nhà lưới để sản xuất nông nghiệp.

Mộc Châu là một trong những vùng phát triển nông nghiệp mạnh của Sơn La, với hơn 11.400 ha cây ăn quả; gần 3.000 ha rau; hơn 2.100 ha chè. Những năm gần đây, biến đổi khí hậu gây ra tình trạng nắng nóng kéo dài, sương muối, mưa đá, lũ lụt… ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng.

Để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại, chủ động bảo vệ cây trồng trước các hiện tượng thời tiết cực đoan, thị xã Mộc Châu đã chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn, vận động các hộ sản xuất thực hiện nhiều mô hình mới, ứng dụng công nghệ, với gần 490 cơ sở ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho cây trồng; hơn 140 cơ sở đầu tư nhà kính, nhà lưới…

Ông Trần Xuân Thành, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường thị xã Mộc Châu, cho biết: Các cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn nhân dân,thứ nhất là về cơ cấu mùa vụ, thứ hai là cách phòng tránh, như ở Mộc Châu bà con thực hiện dựa trên khoa học và kinh nghiệm, như che lưới, người ta hay nói là “mắc màn cho mận” để chống mưa đá, nhiều vùng nhờ đó đã tránh và hạn chế thiệt hại; cùng với đó là các biện pháp tưới nước tiết kiệm, áp dụng kỹ thuật để ứng phó thiên tai…

Mô hình trồng rau trong nhà lưới.

Mô hình trồng rau trong nhà lưới.

Cùng với các loại cây ăn quả, hoa màu, Sơn La cũng chủ động nhiều phương án chăm sóc hơn 21.000 ha cà phê, gắn với nâng cao chất lượng, bảo vệ cây cà phê trước ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu khắc nghiệt. Trong đó, quan tâm việc tái canh, cải tạo và đưa vào các bộ giống có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; trồng xen cà phê với cây che bóng để chống xói mòn, tránh sương muối...

Ông Hồ Trung Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La cho biết: Chi cục hướng dẫn cơ sở sản xuất giống cây trồng phối hợp với các trung tâm nghiên cứu, các viện giống để khảo nghiệm, thử nghiệm, đánh giá và đưa vào sản xuất các giống cà phê mới có năng xuất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu và các điều kiện thổ nhưỡng, các vùng canh tác cà phê của tỉnh Sơn La. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chuyên ngành tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con… đảm bảo phù hợp, nâng hiệu quả kinh tế.

Phủ bạt, trồng xen cây che bóng để bảo vệ cây cà phê khỏi sương muối...

Phủ bạt, trồng xen cây che bóng để bảo vệ cây cà phê khỏi sương muối...

Từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La đã xảy ra tình trạng sương muối làm thiệt hại hơn 120 ha diện tích cà phê; mưa đá, gió lốc cũng ảnh hưởng nhiều diện tích rau màu, cây ăn quả đang vào độ kết trái, chuẩn bị thu hoạch…

Địa phương đang tiếp tục hình thành và nhân rộng các mô hình sản xuất thích ứng linh hoạt, ứng phó với thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc; phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo giá trị kinh tế, sản xuất bền vững, hiệu quả.

Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/san-xuat-nong-nghiep-ung-pho-voi-thien-tai-o-son-la-post1198552.vov
Zalo