Sản xuất nông nghiệp khu vực biên giới phát triển theo hướng chuyên canh, liên kết
Thực hiện Kết luận số 245-KL/TU ngày 23/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021 - 2025, sản xuất nông nghiệp khu vực biên giới tiếp tục phát triển theo đúng định hướng chuyên canh, nâng cao chất lượng, gia tăng liên kết sản xuất và tiêu thụ; tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt được kết quả tích cực, các ngành hàng chủ lực tiếp tục phát triển.
Ngành hàng lúa phát triển ổn định theo chuỗi giá trị, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến lúa gạo xuất khẩu. Sản lượng lúa duy trì tương đối ổn định qua các năm, 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt trên 302 ngàn tấn, đóng góp 22% vào tổng sản lượng lúa cả tỉnh. Trong đó, lúa chất lượng ước đạt 242.040 tấn, chiếm 80% tổng sản lượng lúa khu vực biên giới. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đối với khu vực biên giới, diện tích áp dụng GAP trên lúa là 283ha, diện tích được cấp đủ điều kiện an toàn thực phẩm trên lúa là 1.992ha; đã thực hiện cấp 89 mã số vùng trồng cho 22.494ha lúa.
Ngành thủy sản phát triển khá tốt, phục hồi sau đại dịch Covid-19, đảm bảo cung ứng nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Sản lượng thủy sản ước 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên 120 ngàn tấn, đóng góp 34,2% vào tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh; trong đó, sản lượng cá tra chiếm tỷ trọng lớn với 78,3%, ước đạt trên 94 ngàn tấn, tăng trưởng bình quân 3 năm (2021 - 2023) đạt 16%/năm. Tốc độ phát triển ngành thủy sản khá đồng đều tại 3 địa phương, riêng huyện Tân Hồng tiếp tục duy trì mức đóng góp vượt trội hơn với tỷ trọng 53%.
Công tác khuyến nông, khuyến ngư tiếp tục được quan tâm thực hiện; nhân rộng mô hình cánh đồng lúa liên kết, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang rau màu; triển khai thực hiện hiệu quả các dự án về chuyển đổi nông nghiệp bền vững (Dự án VnSAT năm 2022), phát triển nông nghiệp hữu cơ (Tổ chức Seed To Table), triển khai thực hiện Dự án sản xuất lúa thân thiện môi trường tại huyện Hồng Ngự, tiếp tục triển khai xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt - nuôi trùn quế, mô hình ương cá tra hai giai đoạn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Kinh tế tập thể tiếp tục phát triển, phần lớn các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động tương đối hiệu quả, mang lại lợi ích cho thành viên cùng người dân trên địa bàn. 6 tháng đầu năm 2024, khu vực biên giới có 41 hợp tác xã, tăng 4 hợp tác xã so với năm 2020, trong đó, có 35 hợp tác xã nông nghiệp; dự kiến đến cuối năm 2024 có thêm 2 hợp tác xã thành lập mới. Toàn khu vực hiện có 95 tổ hợp tác, trong đó, có 91 tổ hợp tác nông nghiệp. Công tác hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, đưa lao động trẻ về làm việc tại hợp tác xã theo Nghị quyết số 16/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh được quan tâm thực hiện, các địa phương biên giới đã chi hỗ trợ cho 14 lao động trẻ về làm việc tại 14 tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã với tổng số tiền hỗ trợ hơn 840 triệu đồng. Mô hình hội quán tiếp tục được nhân rộng với 24 hội quán, gồm 1.176 thành viên, tăng 8 hội quán so với cuối năm 2020.
Bên cạnh đó, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt hiệu quả tích cực, hiện khu vực biên giới có 109 sản phẩm đạt OCOP, gồm 3 sao và 4 sao (vượt mục tiêu 5 năm), công tác hỗ trợ duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm được các địa phương tập trung thực hiện. Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục có nhiều chuyển biến, trong 6 tháng đầu năm 2024, có thêm 3 xã biên giới được công nhận xã NTM, nâng tổng số lên 19 xã đạt chuẩn NTM (đạt mục tiêu 5 năm đề ra) và có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao: An Phước (huyện Tân Hồng), xã Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự) và xã Bình Thạnh (TP Hồng Ngự), nâng tổng số lên 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 100% kế hoạch đề ra).