Sản xuất lúa theo hướng an toàn: Nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ
Thời gian qua, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của cây lúa, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng các mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn VietGAP, hữu cơ.
Qua đó, hình thành vùng lúa tập trung, quy mô lớn, tạo ra sản phẩm gạo an toàn, cho hiệu quả kinh tế cao, không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu.
Tiền đề hình thành vùng sản xuất tập trung
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Kim Bài (huyện Thanh Oai) Nguyễn Đình Lâm, vụ xuân năm nay, hợp tác xã sản xuất 35ha lúa chất lượng cao Japonica, năng suất đạt 65 tạ/ha, cao hơn so với giống lúa cũ trước đây. Không chỉ cho năng suất cao, lúa sản xuất theo hướng an toàn VietGAP còn giúp giảm chi phí sản xuất và giá bán cao hơn 10% so với các giống lúa truyền thống. Do vậy, thời gian tới, hợp tác xã tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm để gạo chất lượng cao vào các kênh phân phối hiện đại.
Tương tự, tại huyện Mê Linh, vụ xuân 2024, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh đã triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP, sử dụng giống lúa TBR 225 trên diện tích 20ha tại xứ đồng Tuyến, thôn 3, xã Thạch Đà với sự tham gia của 82 hộ nông dân. Kết quả cho thấy, lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh, chi phí sản xuất thấp hơn so với ruộng ngoài mô hình khoảng 400.000 đồng/ha. Đặc biệt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng, hướng đến nền sản xuất nông sản sạch, an toàn, bền vững.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh Nguyễn Thị Chinh thông tin, phát huy hiệu quả vụ xuân, vụ mùa huyện tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội mở rộng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Thạch Đà.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, vụ mùa 2024, trung tâm tiếp tục triển khai mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 50ha ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh), xã Hồng Sơn (huyện Mỹ Đức) và xã Thạch Đà (huyện Mê Linh), với 338 hộ tham gia thực hiện trên giống lúa TBR 225, HD11 và nếp cái hoa vàng. Tham gia mô hình, các hộ dân được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 50% giống, 50% phân bón và 50% thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời được áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất từ khâu gieo cấy, chăm sóc đến thu hoạch (mạ khay, cấy bằng máy, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bằng flycam, thu hoạch bằng máy) và được tập huấn, hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật áp dụng sản xuất lúa theo hướng VietGAP. Hiện lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng, sinh trưởng phát triển tốt. Điểm huyện Mê Linh bị sâu cuốn lá nhỏ và bệnh đốm sọc vi khuẩn gây hại nhẹ, cán bộ kỹ thuật bám sát mô hình, phối hợp với cơ sở hướng dẫn các hộ phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc lúa, tích cực kiểm tra đồng ruộng, làm tốt công tác dự tính, dự báo.
Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phong trào sản xuất, hình thành nên các vùng sản xuất lúa hàng hóa. Đến nay, Hà Nội đã có hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung, mỗi vùng có diện tích từ 50ha đến 300ha. Việc sản xuất lúa theo hướng VietGAP, hữu cơ, giúp nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất an toàn, giảm dư lượng các chất độc hại trong đất cũng như trong sản phẩm hạt gạo. Cùng với đó, tạo ra sản phẩm gạo an toàn, hướng đến sản phẩm gạo sạch, góp phần xây dựng vùng trồng lúa khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao sức khỏe cộng đồng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Xây dựng theo chuỗi liên kết
Để nhân rộng các mô hình sản xuất lúa chất lượng, an toàn VietGAP, hữu cơ, các địa phương cần tổ chức lại sản xuất, hình thành cánh đồng lớn, liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò lớn trong việc kết nối cung cấp vật tư nông nghiệp và thu mua sản phẩm cho nông dân khi vào vụ thu hoạch với giá ổn định.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà, thời gian tới, huyện tiếp tục duy trì các vùng sản xuất hàng hóa lúa tập trung theo quy trình VietGAP; đồng thời đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho nông dân để nâng cao tỷ lệ áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa an toàn, hữu cơ. Cùng với đó, huyện tiếp tục đẩy nhanh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa để giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng hiệu quả sản xuất, giảm giá thành và tăng thu nhập cho nông dân. Khuyến khích và hỗ trợ phát triển các hợp tác xã kiểu mới sản xuất, kinh doanh lúa gạo, nhằm tập hợp nông dân sản xuất theo quy mô lớn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương nhân rộng các mô hình sản xuất lúa an toàn theo hướng VietGAP, hữu cơ, từ đó, xây dựng thương hiệu, hình thành nên các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ gạo bền vững. Từ cánh đồng lớn, tiến tới vùng chuyên canh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng lớn, đồng đều, bảo đảm chất lượng để nâng cao giá trị sản phẩm.
Với diện tích đất trồng lúa của Hà Nội còn khá lớn, trong khi nhiều nơi chưa khai thác hết tiềm năng đất lúa, nên các địa phương cần đẩy mạnh việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất theo hướng an toàn, liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị kinh tế. Qua đó, giúp người dân quay trở lại với đồng ruộng, vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa xây dựng thương hiệu gạo, hướng tới xuất khẩu.