Sản xuất lúa 'Cánh đồng không dấu chân'

Thông qua mô hình sản xuất lúa 'Cánh đồng không dấu chân' nhằm chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới như sạ cụm, phun thuốc bằng máy bay trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương. Ngoài ra, mô hình ứng dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, thân thiện với con người, môi trường…

Niềm vui được mùa

Ngay từ sáng sớm những ngày cuối tháng 11, cánh đồng lúa ở Khu Gốc Dầu, thôn 2, xã Sùng Nhơn, huyện Đức Linh đã rực ánh nắng xen qua, vàng rực hạt. Ông Phan Văn Năm, nông dân trồng lúa tại đây đã ra đồng sớm, đón đoàn khách của tỉnh, xã đến tham quan mô hình “Cánh đồng không dấu chân” mà gia đình ông là một trong số các hộ dân thực hiện. Mấy chục năm thâm niên trồng lúa, nhưng nét mặt ông Năm nay lại phấn khởi, bởi so các vụ khác trong năm, vụ mùa thường khó sản xuất vì thường bị sâu bệnh, thời tiết thất thường. Nhưng ở mô hình này, đám ruộng 6,5 sào của ông chuẩn bị gặt đang vàng ươm trĩu hạt, hứa hẹn năng suất, hiệu quả cao và giảm chi phí sản xuất so với những vụ lúa trước nhờ áp dụng "1 phải, 6 giảm".

Ông Phan Văn Năm, nông dân trồng lúa mô hình ở Sùng Nhơn. Ảnh: Ngọc Lân

Ông Phan Văn Năm, nông dân trồng lúa mô hình ở Sùng Nhơn. Ảnh: Ngọc Lân

Bởi lẽ, vùng đất Đức Linh là một trong những huyện trọng điểm canh tác lúa của tỉnh với tổng diện tích canh tác gần 22.000 ha /năm. Trong đó, ở xã Sùng Nhơn, diện tích sản xuất lúa khoảng 3.000 ha/năm. Lâu nay bà con vẫn canh tác truyền thống với lượng giống gieo sạ 20 – 30 kg/sào, chưa áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào trong sản xuất nên năng suất, chất lượng chưa đạt được như mong muốn. Trong khi đó, người tiêu dùng hiện nay đã và đang chú trọng đến việc sử dụng các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng như lúa VietGAP.

Nông dân phấn khởi vì lúa được mùa. Ảnh: Ngọc Lân

Nông dân phấn khởi vì lúa được mùa. Ảnh: Ngọc Lân

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa chủ yếu tập trung vào khâu làm đất và thu hoạch, tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay vẫn còn thấp. Chính vì vậy, Trung tâm xây dựng mô hình “Trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương – Cánh đồng không dấu chân” tại xã Sùng Nhơn nhằm giúp bà con bước đầu tiếp cận việc cơ giới đồng bộ trong sản xuất lúa. Đồng thời, sử dụng những giống lúa chất lượng cao trên một xứ đồng, hướng tới hình thành vùng lúa thương phẩm chất lượng cao tập trung; đảm bảo đầu ra ổn định cho người sản xuất thông qua việc ký kết hợp đồng sản xuất.

Theo đó, trong vụ mùa 2024, mô hình được thực hiện quy mô 20 ha/53 hộ thực hiện, từ tháng 8 - tháng 11, với giống lúa OM 5451. Sản xuất lúa cơ giới đồng bộ bằng máy sạ cụm, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái, tưới nước ướt khô xen kẽ. Song song, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Ngoài ra, nông dân ghi chép nhật ký điện tử đồng ruộng thay cho nhật ký giấy truyền thống. ThS. Nguyễn Thị Tú Trang - cán bộ phụ trách mô hình cho biết: Thực hiện mô hình này, lượng giống được hỗ trợ 12 kg/1.000 m2. Tuy nhiên, bà con áp dụng sạ cụm trong sản xuất nên sạ với lượng giống 10 kg/1.000 m2 và đã giảm 50 – 60% lượng giống sạ với sản xuất thông thường. Đồng thời, áp dụng quy trình tưới tiết kiệm ướt khô xen kẽ “5 khô – 5 ướt”.

Lúa năng suất cao.

Lúa năng suất cao.

Hiệu quả mô hình

Theo ghi nhận tại hội thảo mô hình trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương – cánh đồng không dấu chân tại xã Sùng Nhơn vào ngày 21/11/2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và một số hộ tham gia mô hình đánh giá: Trong mô hình, chi phí phân bón cao hơn ngoài mô hình do bón lót phân hữu cơ còn ngoài mô hình chỉ sử dụng phân bón hóa học. Lượng phân hữu cơ bón lót 1.200 kg/ha. Tuy nhiên, việc bổ sung phân hữu cơ sẽ làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật hữu hiệu cho đất, tác dụng cải tạo đất rất tốt, nhất là đối với các loại đất đã và đang bị suy thoái, nâng cao khả năng chống chịu sâu bệnh của cây lúa tốt hơn.

Nông dân tham quan mô hình. Ảnh: Ngọc Lân

Nông dân tham quan mô hình. Ảnh: Ngọc Lân

Ngoài ra, việc sử dụng thuốc BVTV, mô hình giảm lượng 40 – 50% số lần sử dụng so với ngoài mô hình. Điển hình tại hộ ông Phan Văn Năm đã giảm lượng phân bón hóa học và số lần phun thuốc BVTV. Với quy mô 0,65 ha, ngoài bón lót bằng phân hữu cơ Nhà nước hỗ trợ, ông Năm đã bón thúc 3 lần phân và chỉ phun thuốc BVTV trừ bệnh 1 lần/vụ. Tổng chi phí đầu tư của ông Năm hơn 16 triệu đồng/0,65 ha, tương đương trên 24 triệu đồng/ha. Lợi nhuận vụ này ông Năm dự kiến thu gần 25 triệu đồng/ha.

Ông Trương Ngọc Phú – Phó Chủ tịch UBND xã Sùng Nhơn chia sẻ: Trong vụ mùa 2024, xã Sùng Nhơn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình sản xuất lúa VietGAP – cánh đồng không dấu chân. Bước đầu gặp khó khăn do thời tiết và thói quen sản xuất truyền thống của bà con. Tuy nhiên đến nay kết quả mô hình thành công, năng suất khá cao, vượt 10 -15% so mọi năm. Mô hình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai đã giúp người dân xã Sùng Nhơn biết cách quản lý đồng ruộng, bảo vệ môi trường, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Nhất là bà con tiết kiệm 50 - 60% lượng giống so với sản xuất đại trà, năng suất mô hình tăng hơn 4 tạ/ha so với sản xuất đại trà. Tổng chi phí cho 1 ha lúa trong ruộng mô hình thấp hơn so với ruộng ngoài mô hình hơn 3 triệu đồng. Lợi nhuận ruộng mô hình tăng gần 6 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình.

Mô hình tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động của người nông dân, giúp họ hiểu được rằng, trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết và sống còn để duy trì và phát triển. Hơn nữa, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương còn thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, từ đó mang lại lợi ích, thu nhập cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu lúa VietGAP, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Đây là vùng trọng điểm lúa của xã, mô hình mang lại hiệu quả cao và cần được nhân rộng trên địa bàn trong thời gian tới. Theo ông Ngô Thái Sơn- Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh: mô hình là điểm khởi đầu, tham quan học tập cho các hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn huyện Đức Linh. Bên cạnh đó từng bước định hướng nông dân sản xuất lúa giảm phát thải, bán được tín chỉ carbon; góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm tác động đến môi trường.

Hướng tới, Trung tâm đề xuất UBND huyện Đức Linh, Phòng Nông nghiệp & PTNT và Hội Nông dân huyện có kế hoạch duy trì và tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất lúa sạ thưa, bón phân hữu cơ giảm lượng phân hóa học, đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất tại các vùng trọng điểm lúa của địa phương. Song song, tiếp tục nhân rộng mô hình trên địa bàn xã để bà con giảm lượng giống, phân hóa học, thuốc BVTV hóa học, giúp cho nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Ông Ngô Thái Sơn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh đánh giá: Hiệu quả của mô hình còn là sự đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo sạ, phun thuốc bằng máy bay, thu hoạch hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, toàn diện và bền vững. Đặc biệt, sử dụng máy bay phun thuốc BVTV giảm tác động đến môi trường và chính sức khỏe nông dân. Trong canh tác, hộ dân tăng cường sử dụng các phân hữu cơ, thuốc sinh học trong sản xuất nhằm góp phần cải tạo đất, nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra được sản phẩm an toàn.

KIỀU HẰNG, ẢNH NGỌC LÂN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/san-xuat-lua-canh-dong-khong-dau-chan-125953.html
Zalo