Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc

Tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5%

Dẫn thông tin từ S&P Global, Bộ Công Thương cho biết, tốc độ tăng sản lượng sản xuất trong tháng 7 đã nhanh hơn so với tháng 6 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 3.2011. Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 7 tăng 0,7% so với tháng trước và tăng tới 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, đáng chú ý, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 13,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,9%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,1%; riêng ngành khai khoáng giảm 7%.

Đặc biệt, sản xuất tháng 7 của đầu tàu kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho thấy sự hồi phục ở cả ba chỉ số là IIP tăng 9,6%, tiêu thụ chế biến - chế tạo thêm 13,4% và tồn kho giảm 17,8%.

Ảnh minh họa. Nguồn: dangcongsan.vn

Ảnh minh họa. Nguồn: dangcongsan.vn

Tính chung 7 tháng qua, IIP ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,2%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%.

Chỉ số sản xuất 7 tháng năm 2024 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng mạnh nhất với 28,7%; tiếp đến là sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 21,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 17,3%; khai thác quặng kim loại tăng 15%; dệt và sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí cùng tăng 12,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 11,1%...

Sản xuất công nghiệp tăng trên diện rộng, với chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng qua tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Dẫn đầu tăng chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 7 tháng qua là Lai Châu với mức tăng 43,1%; tiếp đến lần lượt là Phú Thọ tăng 38,4%; Bắc Giang tăng 27,5%; Bình Phước tăng 17,1%; Thanh Hóa tăng 15,1%; Điện Biên tăng 8,8%...

Sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các sản phẩm công nghiệp

Dù vậy, theo đánh giá của Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp tăng trưởng chưa toàn diện. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm so với cùng kỳ năm trước; ngành thép, vật liệu xây dựng gặp khó khăn do thị trường bất động sản trong nước tiếp tục trầm lắng và nhu cầu thế giới giảm, cung vượt cầu, đơn hàng trong nước và xuất khẩu đều giảm.

Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận vốn dù lãi suất đã giảm, chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cùng với tỷ giá đồng USD tăng cao, chi phí logistics tăng cao... làm giảm tính cạnh tranh về giá của sản phẩm xuất khẩu. Khu vực sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài…

Trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho biết sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách, trong đó tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật về phát triển lĩnh vực công nghiệp và xây dựng từng bước hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả theo tinh thần của Kế hoạch 81/KH-UBTVQH và Quyết định 2114/QĐ-TTg thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị.

Cùng với đó, tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ. Bộ sẽ trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực (sữa, giấy, thép, ô tô, dịch vụ logictics, thị trường bán lẻ…); Đề án Tổng thể về việc đề nghị các nước công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại giai đoạn 2024 - 2030; Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam; Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 - 2030.

Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, rà soát các tồn đọng để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản...

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc triển khai các công trình trong lĩnh vực dầu khí, nhất là các dự án trong điểm về dầu khí, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn; bám sát tình hình cấp than cho sản xuất điện để kịp thời tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ để xem xét, chỉ đạo các vấn đề phát sinh.

Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các ngành chế biến chế tạo để mở rộng sản xuất như xử lý vấn đề chồng lấn quy hoạch khoáng sản tại một số địa phương để thực hiện các dự án phát triển; sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các sản phẩm công nghiệp; trình Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi như về lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu linh phụ kiện phục vụ sản xuất trong nước… để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Mặt khác, Bộ cũng sẽ tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn trong và ngoài nước cùng các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy liên kết với các doanh nghiệp trong nước và nâng cao năng lực cho các nhà cung ứng nội địa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Thiên An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/san-xuat-cong-nghiep-tiep-tuc-khoi-sac-i383111/
Zalo