Sản xuất chè gắn với bảo vệ môi trường
Trên địa bàn TP. Phổ Yên hiện có 27/32 làng nghề chè và làng nghề chè truyền thống. Thời gian qua, cùng với việc tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, người trồng chè chú trọng bảo vệ môi trường, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.

Với diện tích trên 600ha chè, người dân tại 11 làng nghề chè truyền thống ở xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên) đã chủ động áp dụng quy trình sản xuất theo hướng an toàn, tạo cảnh quan vùng chè xanh - sạch - đẹp.
TP. Phổ Yên hiện có hơn 1.500ha chè, tập trung ở các xã phía Tây: Phúc Thuận, Thành Công, Minh Đức, Phúc Tân... Theo ông Nguyễn Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố: Phổ Yên xác định bảo vệ môi trường trong quá trình trồng và chế biến chè không chỉ là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc đối với nền nông nghiệp hiện đại. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động được thành phố quan tâm đẩy mạnh; đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm khuyến khích và tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất chè gắn với bảo vệ môi trường.
Riêng trong giai đoạn 2021-2024, TP. Phổ Yên đã tổ chức trên 250 buổi tập huấn, hướng dẫn người dân ở các làng nghề chè về kỹ thuật canh tác an toàn, thành lập các mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ chè theo chuỗi giá trị; hỗ trợ trồng chè mới với diện tích gần 140ha, kinh phí trên 1,6 tỷ đồng; hỗ trợ điểm tưới nước tiết kiệm trên cây chè với diện tích 350ha, kinh phí trên 5,2 tỷ đồng; hỗ trợ chứng nhận VietGAP với diện tích 250ha, kinh phí 1,5 tỷ đồng…
Trên cơ sở này, người dân đã dần thay đổi cách thức canh tác và chế biến chè theo hướng thân thiện với môi trường. Trong đó, việc trồng và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ được chú trọng. Thay vì lạm dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, bà con đã sử dụng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ ủ hoai mục, triển khai các biện pháp canh tác bền vững như luân canh, trồng cây che phủ đất để chống xói mòn và giữ ẩm.
Ngoài ra, việc ghi chép, theo dõi quá trình sản xuất một cách khoa học đã giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và thúc đẩy nông dân có trách nhiệm hơn với môi trường sống của chính mình.

Chị Phạm Thị Thơm (ở Làng nghề chè truyền thống xóm Lầy 5, xã Minh Đức, TP. Phổ Yên) sử dụng một số nguyên liệu như tỏi, ớt, cám gạo, rượu trắng… để tạo ra phân bón hữu cơ, sinh học thảo mộc bón cho chè.
Chị Phạm Thị Thơm, người dân Làng nghề chè truyền thống xóm Lầy 5, xã Minh Đức, chia sẻ: Năm 2022, tôi đã sử dụng các nguyên liệu như: Tỏi, ớt, cám gạo, rượu trắng… tạo ra phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học để chăm sóc 7ha chè. Với hình thức này, tôi thấy cây chè sinh trưởng ổn định, năng suất bình quân tăng khoảng 10-20% so với canh tác truyền thống; hệ sinh thái nương chè dần có sự thay đổi tích cực, môi trường sản xuất và môi trường sống được cải thiện rõ rệt.
Không chỉ áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ, đến nay, người dân tại các làng nghề chè của Phổ Yên cũng quan tâm đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm với diện tích gần 400ha, giúp giảm hao phí nước, bảo vệ nguồn nước ngầm và bề mặt.
Trong khâu chế biến, nhiều cơ sở đang từng bước cải tiến công nghệ, sử dụng năng lượng mặt trời để sấy chè, thay thế các nguồn nhiên liệu truyền thống gây nhiều khí thải.
Hệ thống xử lý nước thải cũng được quan tâm đầu tư, nhằm đảm bảo nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường tự nhiên.

TP. Phổ Yên hiện có gần 400ha chè được lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, giúp giảm hao phí nước, đồng thời bảo vệ nguồn nước ngầm và nước bề mặt.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn TP. Phổ Yên, điểm nhấn tại các làng nghề chè hiện nay là bà con nông dân đã tích cực tạo cảnh quan vùng chè xanh, sạch, đẹp bằng việc trồng cây xanh dọc lối đi giữa các đồi chè, vừa tạo bóng mát, vừa giữ đất, chống xói mòn; xây dựng hơn 300 điểm thu gom, xử lý bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại các đồi chè, đảm bảo môi trường sinh thái…
Nhờ đó, ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng được nâng cao, góp phần giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước và đất trồng, đảm bảo cho sản phẩm chè sạch, an toàn hơn.
Đơn cử tại Làng nghè chè truyền thống xóm 7, xã Phúc Thuận, các hộ dân đã chủ động thiết kế lối đi giữa các đồi chè, dựng biển chỉ dẫn, xây dựng các điểm check-in đẹp, hướng tới phát triển du lịch cộng đồng.
Đặc biệt, lối đi vào các vùng chè được người dân tự đổ bê tông, làm rãnh thoát nước và trồng hoa hai bên, tạo cảnh quan bắt mắt. Người dân sống trong môi trường xanh, sạch, đẹp đã thêm phần gắn bó với thiên nhiên, tăng ý thức bảo vệ đất đai.
Với những giải pháp cụ thể, thiết thực, vùng chè Phổ Yên không chỉ trở nên xanh mát, sạch đẹp hơn, mà còn góp phần nâng cao giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Năm 2024, sản lượng chè búp tươi trên địa bàn thành phố đạt trên 20.100 tấn (tăng khoảng 100 tấn so với năm 2023); tổng doanh thu tại các làng nghề chè đạt trên 60 tỷ đồng (tăng 5 tỷ đồng so với năm 2023); 300ha chè được chứng nhận VietGAP; 12 sản phẩm chè được chứng nhận OCOP đạt 3 sao và 4 sao…
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chè, góp phần xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững, thời gian tới, TP. Phổ Yên tiếp tục tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác an toàn và ý thức bảo vệ môi trường cho người trồng chè; thu gom, xử lý rác thải nông nghiệp, đặc biệt là bao bì thuốc bảo vệ thực vật không để tồn đọng trên nương chè; duy trì trồng cây xanh ven đồi chè để chống xói mòn đất và tạo cảnh quan sinh thái xanh mát…