Sản xuất, buôn bán hàng giả: Tăng chế tài để tạo tính răn đe

Những ổ nhóm sản xuất thuốc giả, thực phẩm giả liên tục được lực lượng chức năng triệt phá trong thời gian gần đây đang dấy lên nỗi lo lắng, bức xúc cho người dân. Nhiều ý kiến cho rằng cần tăng chế tài xử phạt đối với hành vi này để tạo tính răn đe.

Bất chấp để thu lợi

Mới đây, ngày 7/5/2025 Đội 7 - Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03) Công an thành phố Hà Nội vừa triệt phá thành công một đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm và thiết bị y tế, ước tính do vợ chồng Phạm Ngọc Tiến và Đoàn Thị Nguyệt, trú tại KĐT Xa La, quận Hà Đông, Hà Nội cầm đầu.

Quá trình kiểm tra thu giữ được: 30 khuôn bế dập gân vỏ hộp, 28.531 hộp thực phẩm chức năng; 34.822 lọ thực phẩm chức năng; 38.935 vỉ chứa các viên thực phẩm chức năng; 8.535 thùng chứa nhiều vỏ hộp các loại, gần 100 thùng tem nhãn, các loại máy móc, dây chuyền, công cụ, nguyên vật liệu… để sản xuất hàng giả, tương đương hơn 100 tấn hàng hóa là thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả (khoảng hơn 100 mã sản phẩm khác nhau). Các đối tượng khai nhận đã sản xuất, buôn bán hàng giả từ năm 2020, và bán trên tất cả các hiệu thuốc, bệnh viện rải rác trên toàn quốc.

Công an Hà Nội phát hiện đường dây sản xuất, buôn bán hơn 100 tấn hàng hóa là thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả do vợ chồng Phạm Ngọc Tiến và Đoàn Thị Nguyệt cầm đầu.

Công an Hà Nội phát hiện đường dây sản xuất, buôn bán hơn 100 tấn hàng hóa là thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả do vợ chồng Phạm Ngọc Tiến và Đoàn Thị Nguyệt cầm đầu.

Hay trước đó, Ngày 16/4, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt giữ 14 đối tượng về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh". Tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu để làm thuốc tân dược giả được lực lượng chức năng thu giữ lên đến gần 10 tấn.

Nhóm đối tượng này do Nguyễn Tiến Đạt, sinh năm 1991 trú tại Chung cư Hapulico, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội cầm đầu đã câu kết với nhóm đối tượng của Trịnh Doãn Giáo, sinh năm 1985 trú tại quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh là đối tượng cầm đầu đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, xương khớp.

Hai vụ việc nêu trên cho thấy sự nguy hiểm, phức tạp của loại tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Lý giải cho việc gia tăng về quy mô, tính chất vi phạm của loại tội phạm này, nhiều chuyên gia cho rằng với sự phát triển của xã hội, người dân ngày càng quan tâm đến sức khỏe hơn.

Việc sản xuất thuốc tân dược giả từ nguồn nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc sau đó bán ra thị trường với số lượng lớn sẽ là “mỏ vàng” mang lại cho các đối tượng những khoản lợi nhuận khổng lồ và đó cũng là lý do để các đối tượng sản xuất buôn bániêu thụ thuốc giả bất chấp tất cả, kể cả vi phạm pháp luật. Và dù có nhiều biện pháp, chế tài xử lý, nhưng vấn nạn này vẫn luôn nhức nhối với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có hàng chục nghìn người tử vong vì dùng phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Việt Nam cũng không nằm ngoài thực trạng này.

Đề xuất phạt tiền gấp đôi tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, thuốc chữa bệnh

Bộ Công an cho biết, thuốc sản xuất ra có hàm lượng thấp, không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành có thể bị coi là thuốc giả (quy định tại Điều 2, Luật Dược năm 2016). Người nào sản xuất, buôn bán thuốc giả có thể bị phạt ở mức cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình trong trường hợp thu lời bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên; Làm chết 2 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên (Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)).

Nhiều đối tượng bất chấp vi phạm pháp luật trước khoản lợi nhuận khổng lồ từ sản xuất, mua bán thuốc giả.

Nhiều đối tượng bất chấp vi phạm pháp luật trước khoản lợi nhuận khổng lồ từ sản xuất, mua bán thuốc giả.

Bên cạnh đó, đối với các công ty cung cấp hoạt chất để sản xuất lô thuốc giả nếu trong trường hợp công ty đó biết rõ hoạt chất đó sẽ được dùng để sản xuất thuốc giả mà vẫn cố tình cung cấp thì có thể bị xem là đồng phạm, tổ chức hoặc giúp sức trong việc sản xuất thuốc giả và bị xử lý hình sự theo Điều 194 Bộ luật Hình sự.

Trong trường hợp các công ty nhập khẩu và phân phối hoạt chất làm thuốc sai mục đích việc các công ty nhập khẩu và phân phối hoạt chất làm thuốc sai mục đích sẽ bị thu hồi và có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế. Trong trường hợp nếu hành vi nhập khẩu, phân phối hoạt chất làm thuốc sai mục đích đó dẫn đến việc sản xuất thuốc giả, thuốc kém chất lượng, gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 194 Bộ luật Hình sự.

Mới đây, tại Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 20/5/2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Đại tướng Lương Tam Quang thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Đáng chú ý, đối với tội phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, an toàn thực phẩm Dự thảo nâng mức phạt tiền lên gấp 2 lần so với quy định hiện hành đối với Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192), Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193), Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194), Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi (Điều 195), Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317).

Nguyễn Ngân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/san-xuat-buon-ban-hang-gia-tang-che-tai-de-tao-tinh-ran-de-10373479.html
Zalo