Sẵn sàng vốn tín dụng cho Quảng Nam phát triển
Tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào 'sức khỏe' của nền kinh tế và doanh nghiệp. Hệ thống ngân hàng Quảng Nam cam kết sẵn sàng cung ứng đầy đủ nguồn vốn, hỗ trợ phát triển kinh tế và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tình hình kinh tế Quảng Nam năm 2024 ghi nhận sự phục hồi tích cực, duy trì đà phát triển ổn định so với năm trước. GRDP cả năm ước tăng 7,1%, xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và đứng thứ 4/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung (sau Thừa Thiên Huế: tăng 8,2%; Bình Định: 7,8%; Đà Nẵng: 7,5%). Kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, trong đó sản xuất công nghiệp tăng ấn tượng 13,5%. Quy mô nền kinh tế năm 2024 ước đạt gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng gần 16,5 nghìn tỷ đồng so với năm 2023.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, với tỷ trọng công nghiệp và du lịch dịch vụ tăng mạnh, trong khi tỷ trọng nông nghiệp giảm. GRDP bình quân đầu người đạt hơn 84 triệu đồng, tăng 10 triệu đồng so với năm 2023.
Khu vực dịch vụ của Quảng Nam năm 2024 ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt nhờ lượng khách quốc tế gia tăng đáng kể. Sự bùng nổ này không chỉ mang lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch mà còn thúc đẩy tăng trưởng ở các ngành liên quan như thương mại, vận tải, lưu trú và các dịch vụ khác.
Hiện, trên địa bàn Quảng Nam có 31 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD), 3 quỹ tín dụng (QTD), 1 văn phòng đại diện, 26 chi nhánh cấp 2 và 114 phòng giao dịch, đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu tài chính của người dân và doanh nghiệp. Trong thời gian qua, ngành Ngân hàng Quảng Nam đã chủ động tham mưu UBND tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để truyền thông chính sách tín dụng, xử lý kịp thời các kiến nghị nhằm ổn định hoạt động trên địa bàn.
Ông Phạm Trọng, Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Nam, chia sẻ: “Ngành Ngân hàng trên địa bàn luôn đồng hành cùng khách hàng, chia sẻ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận vốn. Nguồn vốn tín dụng được đảm bảo sẵn sàng, lãi suất cho vay giảm đáng kể, công tác thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số được triển khai tích cực, hiệu quả”.
NHNN chi nhánh Quảng Nam cũng chỉ đạo các TCTD triển khai các giải pháp tiền tệ, tín dụng trọng tâm như cấp tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, tổ chức chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Dư nợ cho vay tại Quảng Nam năm 2024 đạt 114.742 tỷ đồng, tăng 7,38% so với năm trước, đáp ứng nhu cầu vốn cho 264.278 khách hàng. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, với dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên chiếm tỷ trọng lớn. Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt được hiệu quả rõ rệt khi tổ chức nhiều hội nghị, hỗ trợ 739 khách hàng tiếp cận vốn, với dư nợ đạt 8.598 tỷ đồng, chiếm 7,87% dư nợ trên địa bàn. Đặc biệt, ngành công nghiệp hỗ trợ ghi nhận tăng trưởng tín dụng tới 50,99%, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng 13,5% của ngành sản xuất công nghiệp ở địa phương.
Tuy nhiên, hoạt động tín dụng ở Quảng Nam vẫn đối mặt với thách thức khi “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp chưa được cải thiện đáng kể, khiến cầu tín dụng tăng chậm. Một số chương trình tín dụng trọng điểm, như chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng do Quảng Nam chưa có dự án được phê duyệt. Việc thúc đẩy tín dụng xanh cũng gặp khó khăn do thiếu danh mục phân loại xanh quốc gia, khiến hệ thống ngân hàng chưa thể triển khai rộng rãi…
Được biết, kế hoạch tăng trưởng GRDP Quảng Nam năm 2025 được ấn định ở mức 9,5-10%, mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành ngân hàng, đặc biệt trong việc cấp vốn cho các dự án hạ tầng lớn.
Ông Phạm Trọng khẳng định: Tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào “sức khỏe” của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Hệ thống ngân hàng Quảng Nam cam kết sẵn sàng cung ứng đầy đủ nguồn vốn, hỗ trợ phát triển kinh tế và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngành Ngân hàng Quảng Nam đang tích cực khơi thông dòng vốn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và góp phần xây dựng nền kinh tế địa phương phát triển bền vững.