Sẵn sàng ngày hội đến trường
Sau dịp nghỉ lễ 2/9, năm học mới sẽ bắt đầu. Hiện các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, kế hoạch năm học 2023 - 2024 đã được các nhà trường chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, tạo tiền đề cho một năm học đầy hứng khởi.
Kịp thời bổ sung đội ngũ
Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS - THPT Khương Hạ (quận Thanh Xuân), năm học 2023 – 2024, trường đón 441 học sinh lớp 1, lớp 6, lớp 10, nâng tổng số học sinh của trường lên 1.315 em.
“Là ngôi trường bước sang tuổi thứ 3, thầy cô và nhà trường luôn nỗ lực, nâng cao chất lượng đội ngũ, bảo đảm hiệu quả giáo dục. Để chào đón học sinh gia nhập ngôi nhà chung Tiểu học - THCS - THPT Khương Hạ, nhà trường đã chuẩn bị chương trình kỹ lưỡng, tạo phấn khởi, bất ngờ cho học sinh” – Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Phương Liên cho biết.
Cũng theo nhà giáo Nguyễn Phương Liên, trong suốt kỳ nghỉ Hè, các thầy cô giáo đã tham gia nhiều khóa tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn do Sở GD&ĐT và phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân tổ chức. Trên cơ sở nguồn giáo viên hiện có, nhà trường đã lập kế hoạch chi tiết, phân công chuyên môn cho từng tổ/nhóm giáo viên. Cùng với đó, việc chuẩn bị kế hoạch bài giảng, tạo kho học liệu chung, bổ sung đầu sách cho thư viện mở… cũng được tích cực thực hiện.
Ngoài ra, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cấp Tiểu học và THCS, một mặt nhà trường chủ động tìm giáo viên, cho dạy thử, mặt khác báo cáo phòng Nội vụ quận để tiến hành ký hợp đồng. Việc tổ chức họp phụ huynh nhằm thông báo, tuyên truyền về nội dung Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng được triển khai chi tiết. Đến phút này, mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới của Trường Tiểu học - THCS - THPT Khương Hạ cơ bản đã sẵn sàng.
Thực hiện khung chương trình của Bộ GD&ĐT, năm học 2023 – 2024, cùng cả nước, ngành giáo dục Hà Nội sẽ triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 cấp tiểu học; lớp 6, lớp 7, lớp 8 cấp THCS; lớp 10 và lớp 11 cấp THPT; đồng thời tiếp tục thực hiện nội dung dạy học lớp 5, lớp 9, lớp 12 Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 theo hướng tinh giản, phù hợp.
Để thực hiện tốt yêu cầu này, các trường học Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá tích cực theo định hướng phát triển năng lực học sinh; phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường; phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để thực hiện kế hoạch giáo dục.
Trước năm học mới, Hà Nội đã tập huấn cho 29.000 giáo viên cốt cán về đổi mới chương trình, SGK để triển khai dạy học hiệu quả. Ngành giáo dục đã và đang tổ chức thi tuyển 608 chỉ tiêu viên chức làm việc ở các cơ sở giáo dục công lập. Song song đó, các quận, huyện, thị xã cũng tổ chức tuyển dụng và TP giao ký hợp đồng 3.112 giáo viên. Tổng cộng, năm học này, Hà Nội giải quyết được khoảng 6.000 giáo viên cho các nhà trường. Đây là một số cố gắng rất lớn của TP cũng như ngành giáo dục.
Ngoài việc đẩy mạnh phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” tại các cơ sở giáo dục, thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, một số Phòng GD&ĐT có những sáng kiến hay, đơn cử như mô hình “ngân hàng giáo viên", là nơi tập hợp đội ngũ giáo viên nòng cốt ở các bộ môn, sẵn sàng chi viện, hỗ trợ các nhà trường.
Tạo hứng khởi cho học sinh
Với Trường Tiểu học Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn), năm học tới sẽ đón tổng số 1.100 học sinh. Đặc biệt chào đón các em học sinh lớp 1, nhà trường đã có 2 tuần định hướng trước đó để các em làm quen với nền nếp, kỷ luật lớp học. Các chương trình năm học cũng đã được lên khung chi tiết để cả học sinh, phụ huynh yên tâm bước vào năm học mới.
Giống các trường học trên địa bàn TP, ngày 28/8, Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) tổ chức tập trung 1.540 học sinh toàn trường, phổ biến nội dung và chuẩn bị tốt nhất cho lễ khai giảng năm học mới. Trước đó, nhà trường tổ chức ra quân tổng vệ sinh khử khuẩn toàn bộ khuôn viên, cắt tỉa cây xanh, bảo đảm không gian trường lớp xanh - sạch - đẹp - an toàn cho học sinh, giáo viên và nhân viên.
Theo hướng dẫn, năm học 2023 - 2024, tất cả các trường học Hà Nội sẽ đồng loạt tổ chức lễ khai giảng vào sáng ngày 5/9 trang trọng, tiết kiệm với đầy đủ phần lễ, phần hội và cùng một số nội dung sinh hoạt đầu năm; trong đó chú trọng việc đón học sinh đầu cấp.
Xuất phát từ thực tế quỹ đất ở các quận vùng lõi nội thành hạn hẹp, việc xây mới trường học chỉ trông chờ vào các nhà máy, xí nghiệp di dời, chuyển đổi quỹ đất nên Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai xây mới trường lớp. Để giải quyết bài toán này, Hà Nội đã đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép nâng tầng các trường nội đô, thậm chí cho xây thêm các tầng hầm ở các trường học. Khi nâng tầng, các tầng thấp sẽ ưu tiên bố trí lớp học, Ban Giám hiệu, phòng hội đồng sư phạm sẽ ở tầng cao. Có tầng hầm làm chỗ để xe, sân trường dành cho học sinh vui chơi, hoạt động thể thao và trải nghiệm.
Ngành cũng đề xuất Bộ GD&ĐT điều chỉnh cách tính diện tích sàn xây dựng/học sinh thay vì diện tích đất/học sinh; bởi như vậy sẽ phù hợp, thuận lợi hơn đối với xây dựng trường học cho các TP đông học sinh, thiếu đất xây trường.
Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 2.845 trường học và khoảng 2,3 triệu học sinh. Trước thềm năm học mới, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương yêu cầu các cơ sở giáo dục chuẩn bị mọi điều kiện tổng thể và chi tiết để tổ chức lễ khai giảng thực sự là ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Các nhà trường rà soát, quan tâm đối tượng học sinh yếu thế, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh các trường dân tộc nội trú… để không có học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn không được đến trường.
Về đồng phục cho học sinh, Sở yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc các quy định tại Thông tư của Bộ GD&ĐT. Theo đó, không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, cần mặc sạch sẽ, gọn gàng để khuyến khích tiết kiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Các trường không để một học sinh nào vì chưa có đồng phục mới mà không được vào trường học. Cùng với đó, các nhà trường công khai các khoản thu - chi đầu năm học theo đúng các quy định hiện hành.