Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài 1: Chuẩn bị cho cuộc chơi chiến lược

Thay vì thu hút FDI bằng mọi giá, định hướng thu hút FDI của Việt Nam hiện nay là thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối với các doanh nghiệp trong nước.

Lời tòa soạn:

Sau 37 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để đón dòng vốn chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp 4.0. Nhìn lại lịch sử, Việt Nam đã 3 lần đón làn sóng đầu tư nước ngoài. Làn sóng đầu tiên được bắt đầu từ năm 1991, sau khi Diễn đàn Đầu tư Việt Nam được tổ chức. Làn sóng thứ 2 bắt đầu vào năm 2005, khi đầu tư nước ngoài bùng nổ trở lại sau những tác động của khủng hoảng tài chính khu vực năm 1998. Làn sóng thứ 3 trong những năm 2017-2018, khi hàng loạt tập đoàn lớn, dự án lớn đầu tư vào Việt Nam.

Và năm 2024, được xem là điểm khởi đầu của làn sóng FDI thứ 4 với hàng loạt dự án quy mô lớn, trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn. Do vậy, Việt Nam cần giải pháp phù hợp để tiếp nhận vốn đầu tư FDI hiệu quả, nhất là làn sóng FDI thế hệ mới.

Người Đưa Tin thực hiện tuyến 4 bài viết với chủ đề "Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới" với mục tiêu đánh giá về những tiềm năng, lợi thế cùng những rào cản trong thu hút FDI thế hệ mới tại Việt Nam. Từ đó, gợi mở những giải pháp, góp phần nâng cao chất lượng nền kinh tế và hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của dân tộc.

Những chuyển biến tích cực trong thu hút FDI

Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành (năm 1987), Việt Nam đã chính thức mở cửa cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được 37 năm.

Tuy nhiên, bước ngoặt của thu hút FDI của Việt Nam phải tính kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Sau thời điểm này, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng rất nhanh và mạnh, biến Việt Nam trở thành một trong những nước thu hút FDI lớn nhất trong khu vực ASEAN.

Cụ thể, năm 2008, Việt Nam đã đón một lượng lớn FDI với số vốn đăng ký lên tới 64 tỷ USD, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2007. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2009 - 2012 lại có sự sụt giảm đáng kể, trước khi hồi phục lại và dao động tương đối ổn định trong giai đoạn kế tiếp 2013 - 2019.

Năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, dòng vốn FDI vào Việt Nam giảm 6,7% so với năm 2019, với giá trị khoảng 21 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký cấp mới là 14,6 tỷ USD và vốn đăng ký điều chỉnh là 6,4 tỷ USD. Về cơ cấu vốn FDI trong giai đoạn này, giá trị vốn đăng ký cấp mới luôn cao hơn (gấp khoảng 2-3 lần) vốn đăng ký điều chỉnh, cho thấy Việt Nam liên tục thu hút các nhà đầu tư mới vào thị trường.

Bước sang năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, song kết quả thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam vẫn tương đối khả quan với 31,15 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới, tăng 9,2% so với năm 2020. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp ước đạt 19,74 tỷ USD.

Năm 2022, tổng vốn FDI đăng kí vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD; mức vốn FDI thực hiện đạt kỉ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm (2017 - 2022).

Sang đến năm 2023, Việt Nam thu hút 36,61 tỷ USD vốn đầu tư FDI, tăng hơn 32% so với 2022 và là mức cao thứ 3 trong 15 năm gần đây. Vốn thực hiện đạt kỷ lục với khoảng 23,18 tỷ USD.

Năm 2024, dòng vốn ngoại vẫn tích cực vào Việt Nam. Tính đến tháng 20/7/2024, tổng vốn đăng ký đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều dự án FDI lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, điện tử, năng lượng… được đầu tư mới và mở rộng tăng vốn.

Việt Nam đang đón dòng vốn FDI thế hệ mới theo hướng hướng ưu tiên dự án FDI công nghệ cao, công nghệ nguồn, tạo liên kết và tạo lan tỏa với khu vực doanh nghiệp trong nước (Ảnh: Hữu Thắng).

Việt Nam đang đón dòng vốn FDI thế hệ mới theo hướng hướng ưu tiên dự án FDI công nghệ cao, công nghệ nguồn, tạo liên kết và tạo lan tỏa với khu vực doanh nghiệp trong nước (Ảnh: Hữu Thắng).

Điểm khác biệt rõ rệt của dòng vốn FDI vào Việt Nam trong những năm gần đây là chất lượng được nâng lên. Kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay đã được chọn lọc kỹ càng hơn theo hướng ưu tiên dự án FDI công nghệ cao, công nghệ mới nổi và có hiệu ứng lan tỏa.

Nghị quyết 50 đã nhấn mạnh tới việc chọn lọc kỹ hơn các dự án đầu tư theo hướng ưu tiên dự án FDI công nghệ cao, công nghệ nguồn, tạo liên kết và tạo lan tỏa với khu vực doanh nghiệp trong nước.

Từ đó, khái niệm FDI thế hệ mới (hay còn được gọi là đầu tư có chọn lọc) đã trở thành hoạt động mang tính tất yếu khách quan, góp phần quan trọng vào việc bổ sung nguồn lực, trình độ phát triển và công nghệ còn hạn chế của Việt Nam.

Nhờ nhiều lợi thế, nước ta đã thu hút một loạt dự án FDI thuộc các ngành sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, sản xuất chip. Đơn cử như Tập đoàn Amkor đầu tư 1,6 tỷ USD vào Khu công nghiệp Yên Phong 2 (Bắc Ninh) để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn. Đây cũng là nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Amkor (đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2023).

Trước đó, tháng 9/2023, Hana Micron Vina (Hàn Quốc) - doanh nghiệp sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh khác - cũng đã chính thức khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Công ty Hana Micron Vina tại Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Đây là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc.

Tập đoàn Amkor đầu tư 1,6 tỷ USD vào Khu công nghiệp Yên Phong 2 (Bắc Ninh) để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn (Ảnh: TTXVN).

Tập đoàn Amkor đầu tư 1,6 tỷ USD vào Khu công nghiệp Yên Phong 2 (Bắc Ninh) để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn (Ảnh: TTXVN).

Lãnh đạo Hana Micron Vina cho biết đến năm 2025, công ty có kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên trên 1 tỷ USD, doanh thu hàng năm dự kiến đạt 800 triệu USD và tạo ra 4.000 việc làm cho người lao động Việt Nam.

Công ty Luxshare-ICT Việt Nam, thuộc tập đoàn đa quốc gia Luxshare-ICT của Trung Quốc, tháng 11/2023 đã đầu tư thêm 330 triệu USD để mở rộng nhà máy sản xuất tại Bắc Giang, nâng tổng số vốn của công ty này tại tỉnh Bắc Giang lên 504 triệu USD.

Luxshare-ICT là nhà sản xuất Airpods và nhiều thiết bị khác cho Apple. Luxshare – ICT ngoài ra cũng đầu tư vào Nghệ An 290 triệu USD với hai dự án là Luxshare ICT 1 trị giá 140 triệu USD và Luxshare 2 trị giá 150 triệu USD tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An (Hưng Nguyên), để sản xuất linh kiện điện tử.

Một tập đoàn công nghệ khác là Quanta - tập đoàn lớn về sản xuất thiết bị máy tính của Đài Loan (Trung Quốc) trong năm 2023 cũng đã ký với tỉnh Nam Định thỏa thuận phát triển dự án sản xuất và gia công máy tính xách tay và máy tính để bàn tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận (huyện Mỹ Lộc) với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 120 triệu USD.

Một nhà máy LG tại Hải Phòng (Ảnh: TH).

Một nhà máy LG tại Hải Phòng (Ảnh: TH).

Tại Hải Phòng, tháng 6/2023, tỉnh này đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn cho dự án Nhà máy LG Innotek Hải Phòng giai đoạn 2023 – 2025 với số vốn 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên hơn 2 tỷ USD, để xây dựng nhà máy V3 sản xuất modul camera xuất khẩu; tạo thêm 2.600 việc làm cho người lao động, lợi nhuận dự kiến đạt 400 triệu USD/năm và nộp ngân sách khoảng 100 tỷ đồng/năm.

Tập đoàn LG là nhà đầu tư lớn nhất tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 7,24 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn FDI toàn thành phố (tính tới thời điểm giữa năm 2023).

Cùng với các "ông lớn" công nghệ vào Việt Nam trước đó như Intel, Samsung,… cho thấy việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ tại Việt Nam đã và đang đạt được những kết quả tích cực.

Chủ động hành động, không ngồi chờ nhà đầu tư

Với Nghị quyết 50, đã đến lúc Việt Nam cần thực hiện quyền lựa chọn các đối tác để cùng nhau hợp tác phát triển nhằm nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, không phải thu hút vốn FDI bằng mọi giá.

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS.Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - nói rằng, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam, việc thu hút FDI phải hướng đến chuyển giao công nghệ, tạo ra sự liên kết và chuỗi giá trị. Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị mang nội hàm là "hợp tác đầu tư nước ngoài" chứ không phải đơn thuần là "thu hút đầu tư nước ngoài" như trước đây.

TS.Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (Ảnh: TH).

TS.Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (Ảnh: TH).

Theo ông Thành, chiến lược thu hút FDI thế hệ mới với tiêu chí hàng đầu là công nghệ, để có thể đưa doanh nghiệp trong nước trở thành vệ tinh, sản xuất các khâu phụ trợ và nắm bắt công nghệ cao từ doanh nghiệp FDI. Muốn vậy, Việt Nam cũng không thể ngồi chờ nhà đầu tư nước ngoài tìm đến, mà cần chủ động hơn nữa.

Trong Tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra rằng, hiện các quốc gia đang tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao nói chung, trong đó có các lĩnh vực là xu hướng của thế giới như chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI).

Nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, các quốc gia châu Âu hay thậm chí các quốc gia láng giềng như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan đều có các chính sách hỗ trợ đa dạng và hấp dẫn, với việc áp dụng song song các chính sách ưu đãi trên thu nhập (miễn, giảm thuế) và ưu đãi dựa trên chi phí với các gói hỗ trợ có thể lên đến nhiều tỷ USD.

Nhờ sự phản ứng nhanh trong việc đổi mới chính sách, các quốc gia này, đặc biệt trong các quốc gia láng giềng trong khu vực ASEAN đã thu hút được những dự án rất lớn trong lĩnh vực công nghệ cao.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù thu hút FDI tại Việt Nam vẫn tăng trưởng qua các năm gần đây nhưng số lượng các dự án quy mô vốn đầu tư lớn với hàm lượng công nghệ cao còn khiêm tốn.

"Việc mở rộng của một số dự án công nghệ cao cũng có dấu hiệu tạm ngừng, một số doanh nghiệp đã thông báo chính thức về việc kế hoạch đầu tư mới, mở rộng tại Việt Nam. Ngoài ra, một số tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư, nhưng không lựa chọn Việt Nam hoặc lựa chọn chờ, tạm dừng nhằm theo dõi phản ứng chính sách của Việt Nam", tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Thủ tướng gặp gỡ và trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp FDI tại VBF 2024 (Ảnh: VGP).

Thủ tướng gặp gỡ và trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp FDI tại VBF 2024 (Ảnh: VGP).

Tại hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2024 (VBF 2024) diễn ra hồi tháng 3/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu một số tồn tại của khu vực FDI như chất lượng đầu tư, trình độ công nghệ và chuyển giao công nghệ ở một số dự án còn hạn chế; tỉ lệ nội địa hóa còn thấp.

"Sự liên kết giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực FDI còn chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả, bền vững. Số lượng, quy mô các dự án đầu tư vào công nghệ cao, xanh, sạch, thân thiện môi trường còn khiêm tốn. Còn có tình trạng một số địa phương chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao; còn phát sinh những bất cập trong quan hệ lao động, visa…", Thủ tướng chỉ ra.

Trước đó, Chính phủ cũng có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp đã được nêu tại Quyết định số 667 ngày 2/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 308 ngày 28/3/2023 phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, các bộ, ngành phối hợp, hỗ trợ các địa phương xúc tiến, đàm phán, tư vấn chính sách, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài trên nguyên tắc các bên cùng có lợi; tuyên truyền quảng bá về sự sẵn sàng của Việt Nam đón nhận làn sóng đầu tư thế hệ mới với các lợi thế về tiềm năng phát triển kinh tế mạnh mẽ, môi trường đầu tư thực sự thuận lợi với sự đồng hành, hỗ trợ tối đa của chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Đồng thời, cơ sở hạ tầng không ngừng được hoàn thiện, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư ngoài thuế đối với dự án công nghệ cao khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu…

Ngoài ra, các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh việc ban hành và thực thi chính sách để ngành công nghiệp hỗ trợ có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển thời gian sắp tới.

Từ đó giúp các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam có thể kết nối và tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong làn sóng đầu tư giai đoạn tới; thúc đẩy triển khai các dự án năng lượng theo Quy hoạch điện VIII và sớm khắc phục tình trạng thiếu điện tại một số địa phương.

Ở một góc độ khác, các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhiều lần khuyến nghị, Việt Nam phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hợp lý hóa các quy trình hành chính và thủ tục; tăng cường sự rõ ràng trong pháp luật để giảm bớt việc giải thích không chính xác; phát triển kết cấu hạ tầng cốt lõi như đường, cảng, cầu để tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài.

(Còn nữa)

Nguyễn Thu Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/san-sang-don-lan-song-fdi-the-he-moi-bai-1-chuan-bi-cho-cuoc-choi-chien-luoc-204240811011326051.htm
Zalo