Sẵn sàng cho niên vụ cà phê 2024
Còn khoảng một tháng nữa, Sơn La sẽ vào vụ thu hoạch cà phê. Thời điểm này, các nhà máy đang khẩn trương duy tu, sửa chữa, nâng cấp dây chuyền chế biến; các nông hộ vùng chuyên canh tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thu hoạch cà phê.
Quy mô sơ chế được mở rộng và tín hiệu vui từ thị trường
Hiện nay, cà phê Sơn La được chế biến tập trung tại các cơ sở, gồm: Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế; Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La; Doanh nghiệp tư nhân Thu Thủy; HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Chanh; HTX Cà phê Bích Thao; HTX Ara-Tay Coffee; Công ty cổ phần chế biến cà phê Sơn La. Các cơ sở đảm bảo thu mua, sơ chế, chế biến 50% sản lượng cà phê quả tươi của tỉnh. Lượng còn lại, được chế biến nhỏ, phân tán trong các hộ dân thông qua phương pháp chế biến ướt, nửa ướt, lên men, honey (mật ong).
Sẵn sàng bước vào vụ sản xuất cà phê năm nay, Công ty cổ phần Phúc Sinh đầu tư một số thiết bị chuyên sâu, gia tăng khoảng 15% công suất hiện có. Cùng với đó, duy trì dây chuyền chế biến chè Cascara từ vỏ cà phê tại Nhà máy đạt tiêu chuẩn của Hiệp hội Anh quốc dành cho thực phẩm, có công suất 10 tấn quả chín/ngày, tương đương 1 tấn trà thành phẩm/ngày.
Là đơn vị chuyên thu mua, sơ chế, chế biến cà phê hữu cơ, cà phê đặc sản phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, HTX Cà phê Bích Thao, xã Hua La, Thành phố đã đầu tư gần 10 tỷ đồng nâng công suất dây chuyền sơ chế cà phê từ 20 tấn cà phê nhân lên 60 tấn cà phê nhân/ngày, đêm. Ngoài liên kết với 800 nông hộ, HTX trồng cà phê, đơn vị còn liên kết chuyển giao kỹ thuật thâm canh 40 ha cà phê đặc sản cho HTX Nông nghiệp Chiềng Sét, xã Chiềng Đen, Thành phố; hướng dẫn HTX xây dựng 4 nhà lưới chế biến cà phê Honey (mật ong).
Theo Hội Cà phê Sơn La, do ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El Nino, sản lượng cà phê Sơn La năm nay giảm, nhưng được giá. Nhu cầu thị trường thế giới, đặc biệt các nước EU, Mỹ, Nhật Bản về cà phê Arabica chất lượng cao, cà phê đặc sản rất cao, luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.
Để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, thông tin sai lệch gây nhiễu động giá của các đơn vị, cá nhân không có vùng nguyên liệu, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các huyện, Thành phố làm tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp, nông hộ đảm bảo thông tin và cạnh tranh bình đẳng, minh bạch theo cách lợi ích cùng hưởng, rủi ro chia sẻ.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong 6 năm 2024, nhập khẩu cà phê của Nhật Bản đạt 199,2 nghìn tấn, trị giá 820,7 triệu USD, tăng 15,4% về lượng và tăng 14,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bình quân nhập khẩu cà phê của Nhật Bản từ Việt Nam tăng mạnh, mức tăng 46,6%, lên mức 3.336 USD/tấn.
Như vậy, thị trường cà phê niên vụ 2024 - 2025 được dự báo tín hiệu vui về giá, nhất là các khách hàng lớn từ châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông, Nhật Bản đã quan tâm đến cà phê Sơn La. Bên cạnh đó, những năm gần đây, tỷ lệ gia tăng tiêu thụ cà phê Arabica trong nội địa ngày càng tăng trưởng ở mức 2 con số, cho thấy thị trường cà phê Arabica đang rộng mở cả nội địa và xuất khẩu.
Xây dựng vùng chuyên canh cà phê bền vững
Phát huy tiềm năng, nắm bắt thời cơ phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, ngày 11/5/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 863-KL/TU về sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2030. Mục tiêu, giai đoạn 2023 - 2025, giá trị sản xuất cà phê chiếm 6-8% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt; đến năm 2025, toàn tỉnh tái canh 8.000 ha cà phê; phát triển 3.900 ha cà phê đặc sản; xuất khẩu 25.000 tấn cà phê nhân/năm.
Hiện thực hóa mục tiêu, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, tái canh cà phê già cỗi bằng giống cà phê THA1, TN1, TN2, TN6, TN7. Đến nay, toàn tỉnh có trên 21.400 ha cà phê, tập trung tại huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Thành phố, sản lượng ước đạt 45.000 tấn cà phê nhân, trị giá 4.500 - 5.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, tỉnh Sơn La thành lập các HTX, tổ hợp tác; liên kết giữa doanh nghiệp, HTX với nông dân trong sản xuất, chế biến, kiểm soát chất lượng cà phê. Mở rộng diện tích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, tỉnh có trên 19.000 ha cà phê được cấp các chứng nhận; UBND tỉnh đã cấp quyết định vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao cho 2 vùng sản xuất cà phê trên địa bàn huyện Mai Sơn, quy mô 1.000 ha cà phê của 1.560 hộ gia đình. Sở Khoa học và Công nghệ đã cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La” cho 7 doanh nghiệp, HTX và đã xuất khẩu đến 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Những giải pháp đồng bộ, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền địa phương và nỗ lực của các doanh nghiệp, hứa hẹn sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cà phê cho các hộ dân, gắn với bảo vệ môi trường hiệu quả, tất cả vì niên vụ cà phê 2024 - 2025 thắng lợi.