Sẵn sàng cho các dự án công nghiệp mới
Thời gian vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp lớn đã đề xuất đầu tư vào các dự án công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Điều này sẽ tạo ra động lực rất lớn cho kinh tế của tỉnh phát triển trong những năm tới.
Chào đón nhiều nhà đầu tư chiến lược
Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh tiếp lãnh đạo Công ty CP Shinec và Công ty CP Chứng khoán SSI muốn đầu tư vào khu công nghiệp (KCN) sinh thái, KCN năng lượng tái tạo tại xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa), với quy mô 480ha, có tổng mức đầu tư khoảng 5.300 tỷ đồng và KCN Ninh Diêm 1 ở thị xã Ninh Hòa thuộc Khu Kinh tế Vân Phong với quy mô dự kiến 250ha, tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng.

Khu vực chuẩn bị khởi công xây dựng Khu Công nghiệp Dốc Đá Trắng.
Trước đó, lãnh đạo UBND tỉnh cũng làm việc với đại diện liên danh Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp Becamex IDC và KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) về đề xuất đầu tư. Liên danh này đề xuất đầu tư thực hiện 2 dự án khu đô thị, công nghiệp tại huyện Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa với tổng mức đầu tư khoảng 29.800 tỷ đồng, gồm: Dự án KCN - đô thị - dịch vụ Ninh Xuân tại xã Ninh Xuân (Ninh Hòa), với quy mô dự kiến 2.500ha; Dự án Khu đô thị dịch vụ - giáo dục - logistics Diên Khánh tại xã Diên Thạnh, có quy mô 500ha.
Vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã tham dự Hội nghị gặp gỡ các công ty thầu phụ của Công ty HD Hyundai Mipo (Hàn Quốc). Hội nghị nhằm tăng cường kết nối, mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư giữa Khánh Hòa và các doanh nghiệp Hàn Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp đóng tàu và công nghiệp phụ trợ. Đại diện các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá, Khánh Hòa là địa điểm lý tưởng để đầu tư, với những chính sách ưu đãi cũng như điều kiện thuận lợi về hạ tầng giao thông phù hợp cho các doanh nghiệp chế tạo máy, cơ khí và phụ trợ đóng tàu đặt nhà máy sản xuất và mong muốn được tạo điều kiện để đầu tư.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Đảng ủy UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, chưa bao giờ Khánh Hòa có nhiều nhà đầu tư chiến lược cùng đề xuất làm KCN như hiện nay. Sự quan tâm của các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp không chỉ khẳng định tiềm năng phát triển vượt trội của Khánh Hòa, mà còn mở ra cơ hội chuyển mình mạnh mẽ cho địa phương. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với tỉnh khi phải thực hiện rất nhiều công việc cùng lúc.
Gỡ nút thắt chỉ tiêu đất khu công nghiệp
Khánh Hòa đang có cơ hội lớn để phát triển công nghiệp, đặc biệt là khi các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đang thể hiện sự quan tâm đặc biệt. Dự kiến, vào ngày 2-4, UBND tỉnh khởi công Dự án KCN Dốc Đá Trắng do Công ty Cổ phần Phát triển KCN Viglacera Yên Mỹ (Hưng Yên) làm chủ đầu tư, có diện tích 288ha, với tổng vốn đầu tư hơn 1.807 tỷ đồng. Đồng thời, nhiều dự án KCN khác đang hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Khu vực nam Cam Ranh - nơi chưa có nhiều dự án công nghiệp vì thiếu quỹ đất.
Tuy nhiên, với nhu cầu của các nhà đầu tư, tỉnh đang gặp khó liên quan đến chỉ tiêu sử dụng đất KCN, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Theo Quyết định số 326, ngày 9-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025, Khánh Hòa được phân bổ chỉ tiêu đất KCN đến năm 2030 là 1.120ha, song hiện nay, tổng diện tích các KCN thành lập trên địa bàn tỉnh đã hơn 632ha, bao gồm KCN Suối Dầu, KCN Ninh Thủy và KCN Dốc Đá Trắng. Trong khi đó, phương án phát triển KCN của tỉnh đến năm 2030 bao gồm các dự án lớn như: KCN Nam Cam Ranh (352ha), KCN Ninh Diêm 3 (290ha) và KCN Ninh Xuân (1.000ha). Cùng với đó, nếu đề xuất đầu tư của Công ty CP Shinec, Công ty CP chứng khoán SSI và liên danh Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp Becamex IDC và KCN Việt Nam - Singapore được chấp thuận thì quỹ đất KCN cần bổ sung lên đến hơn 3.000ha nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu phát triển.
Nhằm tháo gỡ nút thắt về chỉ tiêu đất KCN, mới đây, UBND tỉnh đã báo cáo các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Môi trường để xem xét và điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030. Qua đó, giúp tỉnh có thể kịp thời quy hoạch quỹ đất, hoàn thiện hồ sơ xây dựng các KCN và đón đầu cơ hội từ các nhà đầu tư lớn. Ông Nguyễn Sanh Đương - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, bên cạnh việc đề xuất tăng diện tích đất công nghiệp, hiện nay, UBND tỉnh đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoàn thành các công trình, dự án để sớm đưa vào hoạt động tại KCN Ninh Thủy, KCN Dốc Đá Trắng, Cụm Công nghiệp Sông Cầu, Cụm Công nghiệp Trảng É 2, Cụm Công nghiệp Diên Thọ, Cụm Công nghiệp Ninh Xuân... Đồng thời, UBND tỉnh cũng triển khai xây dựng Đề án chiến lược “Tái cơ cấu thương mại và phát triển các trung tâm logistics đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm kết nối của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Trung Bộ đến năm 2030”.