Sẵn sàng các kịch bản điều hành giá với từng nhóm mặt hàng

Mặc dù trong quá trình thực hiện quản lý, điều hành giá trong năm 2024 đã có thành công nhất định, nhưng năm 2025 còn tiềm ẩn các yếu tố có thể tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội cho phép.

Với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính cho rằng, trong năm 2025, ngoài các yếu tố tác động từ bên ngoài, còn tiềm ẩn các yếu tố liên quan tới tăng giá của một số nhóm mặt hàng như nhiên liệu, vật liệu xây dựng, thực phẩm và một số mặt hàng do Nhà nước định giá.

Để ứng phó với các yếu tố tác động đến giá cả các mặt hàng, ngày 23/12/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BTC về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, trong đó nêu cụ thể các biện pháp tổ chức, quản lý điều hành giá trong thời điểm đầu năm và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, cũng như cả năm 2025.

Theo đó, giao Cục Quản lý giá có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị nắm bắt thông tin, theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, nhất là đối với một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng tư liệu sản xuất quan trọng có giá biến động lớn; kịp thời tham mưu trình Bộ các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp nhằm ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát; chủ trì triển khai các đoàn kiểm tra, nắm bắt tình hình thực hiện công tác quản lý, bình ổn giá tại một số địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Bộ Tài chính sẽ chủ động các kịch bản điều hành giá đối với từng nhóm mặt hàng. (Ảnh minh họa)

Bộ Tài chính sẽ chủ động các kịch bản điều hành giá đối với từng nhóm mặt hàng. (Ảnh minh họa)

Các sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trên địa bàn bằng cách theo dõi sát diễn biến tình hình cung cầu, giá cả thị trường trên địa bàn trước, trong và sau Tết; nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân và các mặt hàng thiết yếu khác liên quan đến sản xuất.

Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan đẩy mạnh tổ chức thực hiện theo thẩm quyền công tác niêm yết giá, kê khai giá trên địa bàn; kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định...

Tại buổi họp báo ngày 7/1/2025, ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả hàng hóa thị trường trong nước và thế giới, để chủ động các kịch bản điều hành giá đối với từng nhóm mặt hàng. Một trong những nhiệm vụ quan trọng khác là sử dụng linh hoạt, phù hợp những công cụ quản lý, điều hành giá, từ bình ổn giá tới định giá, kê khai giá, niêm yết giá.

Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ sớm họp bàn, thống nhất đưa ra “kịch bản” quản lý, điều hành giá cho cả năm 2025. Như vậy, công tác quản lý, điều hành giá được thực hiện ngay từ đầu năm, trong đó xác định rõ một số giải pháp.

Theo đó, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp hoàn thiện các văn bản pháp luật về giá và đưa các chính sách vào cuộc sống.

Diệp Anh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/san-sang-cac-kich-ban-dieu-hanh-gia-voi-tung-nhom-mat-hang-182930.html
Zalo