Sản phẩm phát triển xanh và thương mại hóa cao đạt giải khởi nghiệp

Ban tổ chức cuộc thi 'Ý tưởng, dự án khởi nghiệp Xanh - Phát triển bền vững' lần thứ 10 năm 2024 đã trao giải Nhất cho 2 dự án có sản phẩm phát triển xanh và mang tính thương mại hóa cao là 'Các dòng bánh khoai mì dinh dưỡng Cusami' bảng A và 'Nâng cao giá trị trái tắc, bưởi và mãng cầu xiêm' bảng B đến từ tỉnh Đồng Tháp.

Sau hai ngày chấm giải cuộc thi ngày 9 và ngày 10/11, Vòng chung kết cuộc thi "Ý tưởng, dự án khởi nghiệp Xanh - Phát triển bền vững", giám khảo Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cho rằng lần thi thứ 10 này, các dự án nhấn khá mạnh đến yếu tố thương mại hóa sản phẩm. Do vậy, ở bảng chấm điểm của Ban giám khảo, phần thương mại hóa sản phẩm là điểm quan trọng.

“Hiện nay, trong thị trường cạnh tranh gay gắt, thói quen người tiêu dùng thay đổi, nếu không hiểu, tính toán và làm được về khía cạnh thương mại hóa sản phẩm thì những ý tưởng có hay đến mấy, hay sản phẩm tốt đến mấy cũng khó có thể sống nổi trên thương trường”, bà Phạm Chi Lan chia sẻ.

Cuộc thi "Ý tưởng, dự án khởi nghiệp Xanh - Phát triển bền vững" lần thứ 10 năm 2024 đã tìm ra hai giải nhất với các yếu tố thương mại và phát triển xanh

Cuộc thi "Ý tưởng, dự án khởi nghiệp Xanh - Phát triển bền vững" lần thứ 10 năm 2024 đã tìm ra hai giải nhất với các yếu tố thương mại và phát triển xanh

Theo Mai Tuấn Anh, tác giả của dự án "Các dòng bánh khoai mì dinh dưỡng Cusami", khoai mì là một nông sản đặc trưng của Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Bánh khoai mì Cusami của nhóm được làm từ 100% khoai mì tươi ngon, giàu tinh bột hấp thu chậm, không chứa gluten, rất phù hợp cho người ăn kiêng, người mắc bệnh tiểu đường và những người có vấn đề về tiêu hóa. Sản phẩm cung cấp năng lượng bền vững, giúp người ăn no lâu hơn và kiểm soát cân nặng hiệu quả.

“Hiện Việt Nam đã có cà phê rất nổi tiếng, nhưng lại chưa có sản phẩm bánh để dùng kèm với cà phê. Tham vọng của chúng tôi là có thể làm sản phẩm bánh từ củ khoai mì để ăn kèm với cà phê”, Mai Tuấn Anh chia sẻ tham vọng.

Nhận định về những dự án mang đến cuộc thi khởi nghiệp lần này, các chuyên gia cho rằng các dự án đã được chuẩn bị một cách tương đối đầy đủ, toàn diện. Dự án được các bạn trẻ khởi nghiệp rất chú ý đến nhân tố xanh, biết lấy yếu tố xanh làm đặc trưng trong khởi nghiệp. Đồng thời, các dự án cũng có chú ý đến tính sáng tạo, bởi khởi nghiệp khác với lập nghiệp là mở một doanh nghiệp kinh doanh bình thường, nó phải có yếu tố sáng tạo, phải ứng dụng công nghệ mới hoặc quản trị mới, cách làm mới… Đó là những điểm mà doanh nghiệp khởi nghiệp xanh lần này chú ý đến sự sáng tạo. Sự sáng tạo này đã đưa những sản phẩm bản địa ra thương trường và được người tiêu dùng đón nhận một cách nhiệt tình.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm BSA, sau 10 năm triển khai, cuộc thi đã ghi nhận có hơn 2.300 thí sinh tham dự với gần 1.600 dự án đến từ 62 tỉnh thành. Qua đó, cộng đồng doanh nông khởi nghiệp ngày càng tăng về số lượng, cũng như đa dạng sản phẩm gắn với phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, gắn với tài nguyên bản địa.

“Những dự án khởi nghiệp tham dự cuộc thi đã có những sản phẩm thâm nhập sâu vào thị trường trong nước và thế giới. Chính những thay đổi về nhận thức, tư duy đã giúp các dự án khởi nghiệp xanh bám sát hơn với các nhu cầu của cuộc sống hiện nay. Cùng với đó, nhiều doanh nông xanh đã đổi mới, nâng cao quy trình sản xuất, phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, đã xuất khẩu chính ngạch sản phẩm của mình ra những thị trường quốc tế”, bà Hạnh cho biết.

Ngọc Hậu

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/san-pham-phat-trien-xanh-va-thuong-mai-hoa-cao-dat-giai-khoi-nghiep-157652.html
Zalo