Sân khấu cải lương TP HCM khẳng định vị thế

Cải lương là một trong những bộ môn nghệ thuật truyền thống có giá trị to lớn trong nền văn hóa - nghệ thuật nước nhà

Qua 50 năm xây dựng và phát triển, sân khấu cải lương TP HCM đã cho thấy cải lương là một trong những bộ môn nghệ thuật truyền thống có giá trị to lớn trong nền văn hóa - nghệ thuật nước nhà

Chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hội Sân khấu TP HCM đã thực hiện công trình sách biên khảo "Sân khấu cải lương TP HCM giai đoạn 1975-2025".

Đưa cải lương đến công chúng trẻ

"Sân khấu cải lương TP HCM giai đoạn 1975-2025" tập hợp nhiều bài viết sâu sắc của giới nghiên cứu, nghệ sĩ và các nhà lý luận phê bình, báo chí về sân khấu cải lương - bộ môn nghệ thuật được xem là đặc sản của miền Nam.

Ngay sau ngày 30-4-1975, Đảng ta đã xác định văn hóa - nghệ thuật, trong đó có sân khấu cải lương, là một mặt trận quan trọng trong công cuộc xây dựng xã hội mới. Những chủ trương, chính sách về văn hóa - nghệ thuật được cụ thể hóa qua nhiều nghị quyết của Đảng, như Nghị quyết 33-NQ/TW năm 2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; tạo hành lang pháp lý và tinh thần để nghệ thuật cải lương tiếp tục phát triển bền vững.

Trong "Sân khấu cải lương TP HCM giai đoạn 1975-2025", các tác giả đã phân tích hàng loạt vở diễn có chiều sâu tư tưởng như: "Thái hậu Dương Vân Nga", "Tấm lòng của biển", "Rạng ngọc Côn Sơn", "Chim Việt cành Nam", "Người ven đô", "Tiếng trống Mê Linh"… Không chỉ phản ánh hiện thực sinh động, các vở diễn này còn truyền tải lý tưởng cách mạng, giá trị đạo đức và lòng yêu nước.

50 năm qua, cải lương TP HCM đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó nổi bật là xây dựng đội ngũ với việc đào tạo hàng loạt nghệ sĩ giỏi nghề, được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT). Giai đoạn này, những gương mặt nghệ sĩ như: NSND Trọng Phúc, NSND Thanh Ngân, NSND Quế Trân, NSƯT Võ Minh Lâm… đã tiếp nối truyền thống, đồng thời mạnh dạn đổi mới để đưa cải lương đến gần hơn với công chúng trẻ.

Từ sau năm 1975 đến nay, đội ngũ soạn giả cải lương ở TP HCM cũng đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong việc sáng tác kịch bản, như các soạn giả: Lê Duy Hạnh, Đức Hiền, Đăng Minh, Hoàng Song Việt, Võ Tử Uyên, Phạm Văn Đằng… Những nét son này cũng được phản ánh đậm nét trong tập sách.

Bìa quyển sách biên khảo “Sân khấu cải lương giai đoạn 1975-2025” của Hội Sân khấu TP HCM. (Ảnh: THANH HIỆP)

Bìa quyển sách biên khảo “Sân khấu cải lương giai đoạn 1975-2025” của Hội Sân khấu TP HCM. (Ảnh: THANH HIỆP)

Nhiều tư liệu quý

"Sân khấu cải lương TP HCM giai đoạn 1975-2025" được thực hiện bởi những người có uy tín trong ngành như: NSND Trần Minh Ngọc, NSND Trần Ngọc Giàu, NSƯT Ca Lê Hồng, TS Huỳnh Quốc Thắng, TS Mai Mỹ Duyên, đạo diễn Tôn Thất Cần, ThS - đạo diễn Thanh Hiệp…

"Đây là công trình tâm huyết của Hội Sân khấu TP HCM, bước đầu là những tư liệu, bài viết cơ bản về sân khấu cải lương từ năm 1975 đến nay, Hội Sân khấu TP HCM sẽ tiếp tục tập hợp, cập nhập thêm tư liệu mới trong những đợt tái bản" - NSND Trần Ngọc Giàu thông tin.

Ngoài hơn 50 bài viết, "Sân khấu cải lương TP HCM giai đoạn 1975-2025" còn có phần phụ lục với hơn 200 ảnh màu, đen trắng của các nghệ sĩ, đạo diễn, họa sĩ, tác giả, nhạc sĩ đã gắn bó với sân khấu cải lương nhiều năm qua.

Sách có nhiều tư liệu quý về giải Trần Hữu Trang (1991-2012), giải Chuông vàng vọng cổ, giải Bông lúa vàng; hoạt động sản xuất, phân khúc khán giả và sự tác động của hình thức video cải lương; các trường phái ca hơi dài khi thể hiện bài vọng cổ; góc nhìn phân tích từ cải lương hồ quảng đến cải lương tuồng cổ; hình thức dàn dựng và những bài học quý từ NSND Huỳnh Nga, NSND Đoàn Bá, NSND Trần Ngọc Giàu… Sách cũng đề cập các tọa đàm chuyên đề của Hội Sân khấu TP HCM, như "Sân khấu cải lương TP HCM 1975-2025", "Tính văn học trong sân khấu cải lương giai đoạn từ năm 1975 đến nay"…

NSƯT Ca Lê Hồng nhận định: "Tập sách đã nói lên được vấn đề cốt lõi: Từ một loại hình nghệ thuật dân gian Nam Bộ, cải lương tại TP HCM đã trở thành di sản sống động, vừa mang bản sắc dân tộc vừa thích ứng linh hoạt với thời đại mới. Thành quả này là kết tinh từ sự nỗ lực của văn nghệ sĩ và sự lãnh đạo kịp thời, sâu sát của Đảng, qua đó giúp sân khấu cải lương phát triển bền vững suốt nửa thế kỷ qua".

Một số thành viên tham gia thực hiện tập sách (từ trái sang): Soạn giả Đức Hiền, đạo diễn Tôn Thất Cần, ThS - đạo diễn Thanh Hiệp và ông Nguyễn Văn Giỏi (Đoàn Cải lương Sài Gòn 1). Ảnh: NGUYỄN TRUNG

Một số thành viên tham gia thực hiện tập sách (từ trái sang): Soạn giả Đức Hiền, đạo diễn Tôn Thất Cần, ThS - đạo diễn Thanh Hiệp và ông Nguyễn Văn Giỏi (Đoàn Cải lương Sài Gòn 1). Ảnh: NGUYỄN TRUNG

Nhiều ý kiến đánh giá "Sân khấu cải lương TP HCM giai đoạn 1975-2025" đã góp phần bảo tồn và phát triển sân khấu cải lương. Tập sách này còn góp phần mở đường cho thế hệ trẻ kế thừa và đổi mới, giữ gìn giá trị nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh đất nước vươn mình đến kỷ nguyên mới.

XUÂN LỘC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/san-khau-cai-luong-tp-hcm-khang-dinh-vi-the-19625042022350707.htm
Zalo