Sân khấu Bình Dương: Bền bỉ đóng góp, phát huy giá trị truyền thống

Khi các thể loại văn hóa giải trí có sự giao thoa, tác động với nhau, với lòng say mê nghệ thuật, các nghệ sĩ cải lương phấn đấu sáng tạo, khẳng định chỗ đứng, bền bỉ, lặng lẽ đóng góp cho dòng chảy văn hóa của dân tộc.

Một tiết mục biểu diễn của các thành viên Phân hội Sân khấu Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh trong Lễ giỗ tổ kỷ niệm Ngày sân khấu Việt Nam

Theo nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Bình Dương tuy không phải là cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) - cải lương Nam bộ, nhưng đã từng xuất hiện những tài danh trong lĩnh vực sáng tác, biểu diễn sân khấu. Cụ thể như nghệ nhân Mười Phú (Đông Hòa, TP.Dĩ An) đã sáng tác bản Ngũ khúc long phi; nghệ nhân Út Búng (nghệ nhân đờn kìm, ở chợ Búng Lái Thiêu), sáng tác bản Tây thi quảng, bài ca ĐCTT mang hơi quảng độc đáo của Bình Dương.

Trong thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật sân khấu cải lương, nhiều soạn giả Bình Dương đã sáng tác những vở tuồng cải lương nổi tiếng, được nhiều đoàn cải lương dàn dựng. Cụ thể như soạn giả Quy Sắc với vở tuồng “Khi rừng mới sang thu”, “Trăng thề vườn Thúy”; soạn giả Loan Thảo với “Chuyện tình Lan và Điệp”; soạn giả Mộc Linh với “Tiếng hát Muông Tênh”; soạn giả Thế Châu với “Bên cầu dệt lụa” và không thể không nhắc đến soạn giả Hoàng Song Việt và nữ soạn giả Nguyễn Thu Phương cũng là người Bình Dương.

Về biểu diễn nhạc cụ, Bình Dương có nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Văn Còn (tức Tư Còn) với danh hiệu Danh cầm đàn nguyệt; nghệ nhân Nguyễn Văn Còn (tức Ba Còn ở Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An), người đã sáng tạo ra hệ thống dây ngân giang trên cây đàn ghi-ta phím lõm nổi tiếng.

Có thể nói, tuy ĐCTT Bình Dương “sinh sau” nhưng đã cống hiến cho nghệ thuật tài tử nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ vang danh khắp các tỉnh Nam bộ. Họ đã tích cực góp phần vào việc kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương nói riêng, Nam bộ nói chung.

Vào những năm 80, nghệ nhân nhân dân (NNND) Thu Hồng cùng với nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Cao Thị Thắng và nghệ sĩ Kim Lệ Thy đã được công nhận là ba giọng ca cổ nhạc tiêu biểu của đất Bình Dương lúc bấy giờ. Từ năm 2015 đến nay, Bình Dương có 17 nghệ sĩ được Chủ tịch nước phong tặng các danh hiệu: 1 NNND và 16 NNƯT. Tiếp nối các thế hệ đi trước, Bình Dương có nhiều nghệ sĩ đạt các giải cao khi tham gia các Festival ĐCTT quốc gia, liên hoan ĐCTT các tỉnh thành phía Nam hay các cuộc thi tài năng như Bông lúa vàng, Chuông vàng vọng cổ...

Với những đóng góp bền bỉ, thầm lặng của mình, các nghệ sĩ đã giúp lưu giữ, truyền lại những bài bản, điệu ca đến thế hệ trẻ hôm nay, làm giàu thêm văn hóa của đất và người Bình Dương.

Nghệ nhân Trần Minh Hải, hội viên Phân hội Sân khấu Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Chủ nhiệm CLB ĐCTT huyện Bắc Tân Uyên, cho biết mặc dù còn nhiều khó khăn trong hoạt động do nguồn kinh phí bị cắt giảm, nhưng Phân hội Sân khấu tỉnh vẫn duy trì các hoạt động bằng hình thức xã hội hóa. Thời gian qua Phân hội Sân khấu tỉnh thường xuyên đến các địa phương biểu diễn, qua đó giúp lan tỏa niềm đam mê nghệ thuật dân tộc và cũng để các hội viên được học tập thêm kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng ca diễn phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu thưởng thức âm nhạc dân tộc của người dân.

THỤC VĂN

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/san-kha-u-bi-nh-duong-ben-bi-dong-gop-phat-huy-gia-tri-truye-n-tho-ng-a331620.html
Zalo