San Francisco: Thành phố vàng của xứ sở cờ hoa

Cơn sốt vàng California đã thay đổi mãi mãi miền Tây nước Mỹ, nhưng San Francisco được xem là phát triển mạnh mẽ nhất.

San Francisco trong cơn sốt vàng (1850).

San Francisco trong cơn sốt vàng (1850).

Việc phát hiện ra vàng năm 1848 đã châm ngòi cho một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, đồng thời biến San Francisco từ một thị trấn cảng buồn tẻ thành đô thị nhộn nhịp chỉ trong vòng vài năm. Cơn sốt vàng California đã thay đổi mãi mãi miền Tây nước Mỹ, nhưng San Francisco được xem là phát triển mạnh mẽ nhất.

Cơn sốt vàng

Theo Hiệp ước Guadalupe Hidalgo được ký vào ngày 2/2/1848, vùng đất sau này trở thành tiểu bang California được Hoa Kỳ mua lại từ Mexico và San Francisco khi đó chỉ là một đốm nhỏ trên bản đồ. Tuy nhiên, chỉ một tuần trước sự kiện này, chưa ai biết ở thị trấn Coloma thuộc khu vực, vàng đã được tìm thấy.

Vào ngày 24/1/1848, James W. Marshall tình cờ phát hiện những mảnh vàng dọc theo sông American khi đang xây dựng một xưởng cưa cho John Sutter, một doanh nhân người Đức.

Mặc dù Sutter cố gắng giữ bí mật về khám phá này, nhưng tin tức vẫn lan truyền nhanh chóng. 4 tháng sau, vào ngày 12/5, một thương nhân tên là Sam Brannan đã dạo qua các đường phố của San Francisco, cầm một lọ kim loại quý và hét lên, “Vàng! Vàng! Vàng từ sông American!”.

Trước khi đưa ra thông tin này, ông ta đã khôn ngoan thu mua hết mọi cuốc, xẻng, chảo ở San Francisco và Sacramento, kiếm được một khoản lợi nhuận kha khá khi bán lại chúng cho những người tìm kiếm vàng với mức giá cao.

Vào thời điểm đó, San Francisco có không tới 1.000 cư dân. Đến cuối tháng 5, hầu hết họ đã đổ xô về phía Đông để tìm vàng và thành phố hầu như bị bỏ hoang. Theo Bảo tàng thành phố San Francisco, vào ngày 29/5/1848, tờ The Californian đã in một bài xã luận có nội dung: “Từ San Francisco đến Los Angeles, từ bờ biển đến chân dãy núi Sierra Nevadas, đều vang lên tiếng kêu VÀNG, VÀNG, trong khi những cánh đồng chỉ được trồng trọt một nửa, ngôi nhà chỉ xây được một nửa, và mọi thứ đều bị bỏ bê, ngoại trừ việc sản xuất xẻng và cuốc chim”. Tờ báo cũng thông báo sẽ ngừng xuất bản vì toàn bộ nhân viên đã nghỉ việc để đi tìm vàng.

Chẳng bao lâu “cơn sốt vàng” lan rộng khắp nước Mỹ, đồng thời các con tàu liên tục cập cảng Vịnh San Francisco chở theo những người tìm vàng từ khắp nơi trên thế giới. Sức hút của vàng mạnh đến nỗi thủy thủ đoàn đã bỏ lại những chiếc tàu của mình, đi vào đất liền cùng với hành khách để đào vàng. Đến tháng 6/1849, khoảng 200 con tàu bị bỏ hoang trôi nổi gần thành phố, một số được đưa vào bờ để làm nơi ở, nhà kho và kinh doanh, chẳng hạn như Khách sạn Niantic.

Vào năm 1849, ước tính có khoảng 40.000 người đổ vào San Francisco bằng đường bộ hoặc đường biển. Họ được gọi là “49ers”, hầu hết là những thanh niên trong độ tuổi 20 và 30, đã bỏ lại gia đình, công việc, cuộc sống ổn định để đi tìm cơ hội làm giàu.

Sau đó, những người từ Mexico, Chile, Peru, Trung Quốc, Úc, Pháp, Ireland, Đức và nhiều nơi khác trên thế giới cũng tìm đến gia nhập đội ngũ tìm vàng. Cuộc di cư quốc tế chưa từng có này đã tạo ra một xã hội đa ngôn ngữ, đa văn hóa ở San Francisco.

 San Francisco ngày nay.

San Francisco ngày nay.

Những đổi thay “chóng mặt”

Tuy nhiên, thực tế của cuộc sống cho thấy làm giàu dễ dàng. Những người nhập cư này phải đối mặt với bệnh tật, thời tiết khắc nghiệt và bạo lực. Đến đầu những năm 1850, nhiều “49ers” thất vọng trở về nhà hoặc tìm kiếm cơ hội ở nơi khác. Mặc dù vậy, những thay đổi ở San Francisco trong cơn sốt vàng đã đưa thị trấn yên tĩnh này trở thành một thành phố sinh động như ngày nay.

Trước thời điểm bùng nổ, San Francisco bao gồm vài chục ngôi nhà tập trung quanh Quảng trường Portsmouth. Chỉ trong vòng vài năm, nơi đây đã có hơn 500 con phố, 20 bến tàu kéo dài vào vịnh và từng khối nhà xây dựng bằng gạch, đá kiên cố. Địa hình độc đáo của San Francisco đặt ra những thách thức đã được khắc phục thông qua các giải pháp kỹ thuật đầy tham vọng. Đồi núi đã được san phẳng, đất loại bỏ được sử dụng để lấp đầy các phần nông của vịnh, mở rộng thành phố.

Đến năm 1853, thị trấn bùng nổ này là nơi có nhiều cơ sở văn hóa đáng kể, bao gồm nhiều nhà hát đón tiếp các tài năng quốc tế, một số tờ báo hằng ngày, hàng chục khách sạn và nhiều nhà thờ đại diện cho nhiều giáo phái khác nhau.

Thành phố cũng nhanh chóng thiết lập mạng lưới thương mại trên khắp Thái Bình Dương. Các tàu hơi nước đã thiết lập dịch vụ thường xuyên đến Panama, và các tàu khác di chuyển giữa San Francisco và các cảng ở Trung Quốc, Úc…

Ngoài ra, San Francisco còn phát triển nhanh chóng sản xuất, với các xưởng đúc sắt, nhà máy sản xuất đồ nội thất và nhà máy xay bột hoạt động vào đầu những năm 1850. Ngân hàng đầu tiên mở cửa vào tháng 1/1849, tiếp theo là việc thành lập các tổ chức lớn như Wells Fargo (1852) và chi nhánh San Francisco của Sở đúc tiền Hoa Kỳ (1854).

Cơn sốt vàng ở San Francisco đã biến thị trấn đìu hiu này thành một đô thị nhộn nhịp và đa dạng. Ngoài ra, nó cũng đẩy nhanh hành trình của California trở thành một tiểu bang, làm thay đổi hoàn toàn cảnh quan của miền Tây nước Mỹ.

Cơn sốt vàng California đã tạo ra một bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng cho San Francisco, với người nhập cư Trung Quốc chiếm một phần đáng kể trong dân số thành phố. Thuế cao ở Trung Quốc sau Chiến tranh thuốc phiện đã buộc nhiều nông dân phải rời bỏ đất đai của họ và xem cơn sốt vàng là cơ hội để bắt đầu lại ở Mỹ. Trên thực tế, chỉ riêng năm 1852, hơn 20.000 người nhập cư Trung Quốc đã chuyển đến khu vực San Francisco, dẫn đến việc thành lập Phố Tàu San Francisco - khu phố cổ nhất ở Mỹ - để lại dấu ấn lâu dài trong nền văn hóa của thành phố.

Theo Allthatsinteresting

Lê Du

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/san-francisco-thanh-pho-vang-cua-xu-so-co-hoa-post739195.html
Zalo