Săn đồ giảm giá trong tháng 'cô hồn'

Với một số người dùng, thời điểm tháng 7 Âm lịch (còn được gọi là tháng cô hồn) được xem là cơ hội tốt để mua sắm khi các cửa hàng, doanh nghiệp bán lẻ đồng loạt tung chương trình giảm giá kích cầu.

Theo quan niệm dân gian, tháng 7 Âm lịch (còn có cách gọi khác là tháng Ngâu hay tháng “cô hồn”) từ lâu đã gắn liền với những thói quen kiêng kỵ để tránh rủi ro. Do đó đây là thời điểm mà nhiều người hạn chế mua sắm, xây dựng hay khởi công các công việc lớn để tránh xui xẻo. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, nhiều người lại xem đây là cơ hội lý tưởng để săn đồ giá rẻ, đặc biệt là những mặt hàng gia dụng, công nghệ và thời trang.

Chia sẻ với Mekong ASEAN, chị Lan (30 tuổi, sống tại Hà Nội) cho biết: “Mình không quá đặt nặng vấn đề tâm linh nên vẫn thoải mái mua sắm trong tháng Ngâu này. Bởi đây là lúc các nhãn hàng tung ra nhiều chương trình giảm giá sâu, vừa tiết kiệm chi phí mà lại mua được những món đồ mình yêu thích”.

Chị Lan cho biết, bình thường chiếc máy hút bụi ít nhất cũng phải 2 triệu đồng. Tuy nhiên, có mẫu sau khi giảm giá trong dịp này chỉ còn khoảng 800.000 đồng. Do đó với chị Lan, mua sắm trong tháng “cô hồn” không khác gì mua sắm dịp giảm giá lớn nhất năm là Black Friday. Giữa thời điểm chi phí sinh hoạt ngày càng leo thang, mỗi món đồ chị mua được với mức giá ưu đãi có thể giúp chị nhẹ bớt gánh nặng chi tiêu.

Một số người tiêu dùng cho biết sẽ chờ đến tháng 7 Âm lịch, thời điểm mà các chương trình khuyến mãi rầm rộ diễn ra, để mua sắm những món đồ với giá ưu đãi. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.

Một số người tiêu dùng cho biết sẽ chờ đến tháng 7 Âm lịch, thời điểm mà các chương trình khuyến mãi rầm rộ diễn ra, để mua sắm những món đồ với giá ưu đãi. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.

Không chỉ riêng chị Lan, không ít người tiêu dùng khác cũng tận dụng thời điểm này để mua sắm. Họ nhận ra rằng, đây là thời điểm tốt để mua những món đồ cần thiết với giá cả phải chăng, đồng thời tận dụng các chương trình khuyến mãi mà trong những tháng khác khó có thể tìm thấy.

Đồ gia dụng, thực phẩm, quần áo và đồ điện tử là lựa chọn hàng đầu bởi đây là những mặt hàng thường có giá trị cao. Do đó, mua sắm các mặt hàng này với mức giá rẻ có thể giúp người tiêu dùng tiết kiệm đáng kể. Hơn nữa, đây cũng là dịp để nhiều hộ gia đình thay thế hoặc nâng cấp các món đồ cũ, phù hợp với nhu cầu thiết thực của người dùng.

Mua sắm các mặt hàng không thiết yếu với mức giá rẻ có thể giúp người tiêu dùng tiết kiệm đáng kể. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.

Mua sắm các mặt hàng không thiết yếu với mức giá rẻ có thể giúp người tiêu dùng tiết kiệm đáng kể. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.

Các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu, tặng quà kèm theo cũng đang trở thành chiến lược phổ biến của nhiều thương hiệu. Mekong ASEAN ghi nhận các tuyến phố mua sắm trên địa bàn thành phố Hà Nội như Chùa Bộc, Cầu Giấy, Kim Mã, Đội Cấn… không khó bắt gặp những tấm biển quảng cáo khuyến mãi thu hút khách hàng.

Nhiều thương hiệu tung ra hàng loạt chương trình khuyến mại lớn để kích cầu tiêu dùng. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.

Nhiều thương hiệu tung ra hàng loạt chương trình khuyến mại lớn để kích cầu tiêu dùng. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.

Chị Yến, một nhân viên bán hàng tại cửa hàng quần áo trên phố Chùa Bộc (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Mình cứ nghĩ rằng tháng cô hồn năm nay sẽ vắng khách. Thế mà 3 ngày cuối tuần vừa rồi, lượng khách đến mua hàng lại đông ngoài sức tưởng tượng. Đặc biệt vào buổi chiều, mình và các bạn nhân viên gần như không có thời gian nghỉ ngơi vì khách ra vào liên tục. Doanh thu của cửa hàng cũng cao đáng kể so với tháng trước”.

Tại các trung tâm thương mại, nhiều doanh nghiệp bán lẻ, từ thực phẩm cho đến đồ gia dụng, đồ dùng gia đình cũng đồng loạt tung các chương trình giảm giá, ưu đãi.

Nhiều hệ thống cửa hàng, siêu thị đã triển khai các ưu đãi khuyến mãi cho đa dạng mặt hàng, từ thời trang, mỹ phẩm cho đến đồ gia dụng, tiêu dùng. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.

Nhiều hệ thống cửa hàng, siêu thị đã triển khai các ưu đãi khuyến mãi cho đa dạng mặt hàng, từ thời trang, mỹ phẩm cho đến đồ gia dụng, tiêu dùng. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.

Tuy nhiên, không phải người tiêu dùng nào cũng dễ dàng bỏ qua các quan niệm dân gian. Nhiều người vẫn có tâm lý e ngại mua sắm trong tháng Ngâu vì lo lắng những điều không may. Chị Phúc (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Từ xưa các cụ quan niệm rằng, tháng 7 Âm lịch là thời điểm kiêng kỵ để mất tiền, không nên mua sắm nhà, xe cộ, tránh chuyện không may xảy ra nên những người người tiêu dùng như tôi vẫn quan niệm tránh mua sắm trong tháng này”.

Nhận định thêm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cấp cao tại Viện Thương mại và kinh tế quốc tế (Trường Đại học kinh tế quốc dân) cho biết, việc mua sắm trong tháng cô hồn thời gian gần đây đã trở thành một xu hướng với những người tiêu dùng có tư duy hiện đại và không quá bị ảnh hưởng bởi các quan niệm tâm linh. Một số người dùng nhận thấy, đây là thời điểm tốt để mua sắm những món đồ cần thiết với giá cả phải chăng.

Theo ông Lạng, với sự thay đổi trong tư duy tiêu dùng, các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội này để linh hoạt chiến lược kinh doanh, thu hút khách hàng, đồng thời giảm phần nào lượng hàng tồn kho từ mùa trước.

“Mặc dù hiểu rằng kiêng kỵ có thể là một cách để tạo cảm giác an tâm nhưng người dùng cũng không nên để những tín ngưỡng này ảnh hưởng quá mức đến cuộc sống hàng ngày,” PGS.TS Nguyễn Thường Lạng chia sẻ.

Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/san-do-giam-gia-trong-thang-co-hon-32422.html
Zalo