Sân chơi trí tuệ cho học sinh

Sở GD&ĐT vừa tổ chức cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh lần thứ XII, năm học 2024-2025. Đây là sân chơi bổ ích, trí tuệ, giúp học sinh ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, khơi dậy tiềm năng sáng tạo khoa học kỹ thuật, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học.

Ban giám khảo nghe thí sinh trình bày dự án tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh lần thứ XII, năm học 2024-2025. Ảnh: TRUNG HIẾU

Ban giám khảo nghe thí sinh trình bày dự án tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh lần thứ XII, năm học 2024-2025. Ảnh: TRUNG HIẾU

Cuộc thi có 33 đơn vị, 165 học sinh tham dự với 89 dự án. Trong đó, khối THPT có 23 đơn vị dự thi với 55 dự án ở 9/22 lĩnh vực và 97 học sinh; khối THCS có 9 đơn vị dự thi là các phòng GD&ĐT và 1 trường cấp THCS-THPT với 34 dự án ở 9/22 lĩnh vực và 68 học sinh.

Nhiu d án thiết thc

Cuộc thi năm nay các thí sinh tham gia 11 lĩnh vực: Kỹ thuật cơ khí, hệ thống nhúng, phần mềm hệ thống, rô bốt và máy thông minh, năng lượng vật lý, khoa học thực vật, Vật lý và thiên văn học, Y Sinh và khoa học sức khỏe, Hóa - Sinh, Hóa học, kỹ thuật môi trường, khoa học xã hội và hành vi. Trong đó có nhiều dự án thiết thực, có tính thực tiễn cao.

Tiêu biểu là các dự án: Robot AIFBM hỗ trợ người khuyết tật mất khả năng nói và nhìn của nhóm tác giả Nguyễn Long Nhật, lớp 11A2 và Bùi Thị Thúy Duyên, lớp 10A1 (Trường THPT Trần Quốc Tuấn, huyện Phú Hòa); Dự án thiết bị hỗ trợ dạy và học chữ nổi Braille của tác giả Phạm Hoàng Tuấn Anh, lớp 11A2 (Trường THPT Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa); Dự án phần mềm AI hỗ trợ lái xe an toàn của nhóm tác giả Trần Đăng Hải, lớp 8C4 và Lê Thiên Hương, lớp 8C1 (Trường THCS Trần Phú, huyện Sông Hinh)…

Chia sẻ về việc xây dựng dự án, Phạm Hoàng Tuấn Anh cho hay: “Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người khiếm thị và thị lực kém, trong đó nhiều người phải đối mặt với những khó khăn lớn trong việc tiếp cận và học chữ nổi.

Để giúp người khiếm thị và thị lực kém học chữ nổi Braille, em tạo ra một thiết bị hỗ trợ học chữ nổi, ghép vần, giúp mọi người có thể hiểu và dạy chữ nổi Braille một cách dễ dàng, làm quen với cách ghép vần trên thiết bị điện tử; đồng thời tăng cường sự hỗ trợ giữa những người khiếm thị với nhau trong học tập”.

Qua nghiên cứu, Tuấn Anh đã hoàn thiện dự án với các chức năng của sản phẩm: học chữ nổi, ghép vần, đọc các ký tự Braile xuất hiện trên màn hình và hoạt động tốt. Sản phẩm này dễ sử dụng, thuận tiện cho người dùng, sử dụng bằng ngôn ngữ tiếng Việt và khả năng ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn.

Hay Dự án phần mềm AI hỗ trợ lái xe an toàn, tác giả Trần Đăng Hải và Lê Thiên Hương đã nghiên cứu, lập trình được phần mềm AI hỗ trợ lái xe an toàn với các tính năng giám sát và phát hiện dấu hiệu ngủ gật; nhận diện mất tập trung khi lái xe và cảnh báo khi lái xe một tay hoặc buông cả hai tay. Dự án này nhằm góp phần giảm thiểu nguy cơ tai nạn và bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông.

Khơi dy nim đam mê

Để cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học cấp tỉnh ngày càng thu hút đông đảo học sinh tham gia, ngay từ đầu năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT đã phát động phong trào đến tất cả các đơn vị, trường học trong tỉnh. Các trường cũng đã thành lập CLB nghiên cứu KHKT cấp trường và tạo điều kiện cho những em đam mê nghiên cứu KHKT có sân chơi, phát triển ý tưởng của mình thành các dự án thiết thực.

Theo ông Dương Bình Luyện, Trưởng phòng Giáo dục trung học - thường xuyên (Sở GD&ĐT), trước khi tham gia cuộc thi KHKT cấp tỉnh, nhiều đơn vị, trường học có phong trào nghiên cứu KHKT mạnh, tổ chức cuộc thi cấp trường bài bản, chất lượng như các trường: THPT Nguyễn Huệ, THPT chuyên Lương Văn Chánh (TP Tuy Hòa), THPT Phan Đình Phùng (TX Sông Cầu), THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Hòa), THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa), THPT Phan Bội Châu (huyện Sơn Hòa); các phòng GD&ĐT: TP Tuy Hòa, TX Đông Hòa và huyện Sông Hinh. Vì thế, các dự án tham gia cuộc thi lần này đa dạng lĩnh vực, một số dự án gắn liền với việc học tập, lao động, sản xuất. Một số dự án ấn tượng về sự sáng tạo, có khả năng ứng dụng rộng rãi trong đời sống thực tiễn.

Thầy Nguyễn Văn Thuyền, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết: Những năm qua, song song với công tác dạy và học, nhà trường còn thành lập CLB nghiên cứu khoa học cho học sinh, tạo sân chơi cho các em đam mê nghiên cứu KHKT. Hằng năm, nhà trường đều phát động phong trào nghiên cứu KHKT trong học sinh và tổ chức cuộc thi cấp trường để chọn ra những dự án tốt nhất tham gia thi cấp tỉnh. Nhờ đó, nhiều năm liền nhà trường có học sinh tham gia cuộc thi cấp tỉnh và đạt giải nhất, chọn thi cấp quốc gia.

Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh thực sự trở thành sân chơi trí tuệ, môi trường giao lưu học tập để các em sáng tạo KHKT, công nghệ, vận dụng kiến thức đã học giải quyết các vấn đề thực tiễn, liên môn, góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng của học sinh trung học, chuẩn bị một bước cho nguồn nhân lực trong tương lai. Cuộc thi góp phần đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực mà ngành GD&ĐT đang triển khai, góp phần vào sự thành công chung của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Kết quả cuộc thi, ban giám khảo đã chọn ra 62 dự án đạt giải gồm: 4 giải nhất, 14 giải nhì, 20 giải ba và 24 giải khuyến khích. Trong đó, cấp THPT 38 giải gồm: 3 giải nhất, 9 giải nhì, 12 giải ba và 14 giải khuyến khích. Cấp THCS có 24 giải gồm: 1 giải nhất, 5 giải nhì, 8 giải ba và 10 giải khuyến khích. Thông qua cuộc thi này, Sở GD&ĐT sẽ chọn 3 dự án tốt nhất của cấp THPT tham gia cuộc thi KHKT cấp quốc gia tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 3/2025.

TRUNG HIẾU

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/325723/san-choi-tri-tue-cho-hoc-sinh.html
Zalo