Sân bay Gia Bình sẽ giảm bớt 'gánh nặng' cho dịch vụ logistic Nội Bài
Theo chuyên gia, việc xây dựng sân bay Gia Bình sẽ góp phần giảm gánh nặng về dịch vụ logistics tại sân bay Nội Bài cũng như chuyên trở hành khách
Giảm ách tắc hệ thống giao thông hàng không
Trong những năm qua, ngành logistics đang phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Bên cạnh sự hỗ trợ của giao thông đường bộ và hàng hải, ngành hàng không đã và đang đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành.
Đơn cử, sân bay Nội Bài - cửa ngõ quan trọng của thủ đô Hà Nội, đã không ngừng chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của lượt hành khách và lượng hàng hóa qua lại. Từ năm 2023, sân bay Nội Bài đã phục vụ hơn 29 triệu hành khách và 250.000 tấn hàng hóa, trong khi chỉ với công suất thiết kế vào khoảng 25 triệu hành khách mỗi năm. Dự báo trong những năm tới, lượng hành khách và hàng hóa qua sân bay Nội Bài sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Cũng từ đây, ngành hàng không nói chung và logistics nói riêng cũng đối mặt với tình trạng quá tải nghiêm trọng, đặc biệt trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ các hoạt động thương mại quốc tế, đã làm gia tăng khối lượng vận chuyển hàng hóa, gây áp lực lớn lên các sân bay, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Từ năm 2023, sân bay Nội Bài đã phục vụ hơn 29 triệu hành khách và 250.000 tấn hàng hóa, trong khi chỉ với công suất thiết kế vào khoảng 25 triệu hành khách mỗi năm. Ảnh: VietnamAirlines
Theo đó, việc hình thành các trung tâm logistics mới là một yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và tối ưu hóa quá trình vận chuyển hàng hóa. Và một trong những dự án nổi bật trong ngành logistics hiện nay chính là sân bay Gia Bình - một công trình hạ tầng hiện đại hứa hẹn mở ra không gian mới, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển ngành logistics tại Việt Nam.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp chiều tối 23/2, Thủ tướng đề nghị xây dựng đường kết nối sân bay Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh với Thủ đô Hà Nội với quan điểm phải kết nối nhanh nhất, thẳng nhất, hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, phải xây dựng khu logistics tại sân bay theo hướng hiện đại, thông minh, phát triển thương mại điện tử.
Theo nhiều chuyên gia nhận định, sự ra đời của sân bay Gia Bình sẽ giúp tối ưu hóa hệ thống logistics toàn cầu, tạo cơ hội cho Việt Nam kết nối trực tiếp với các thị trường lớn, từ đó thúc đẩy giao thương và mở rộng cơ hội phát triển ngành du lịch cũng như các dịch vụ logistics đa dạng. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành logistics Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển mình quan trọng, với tiềm năng mạnh mẽ để phát triển các khu công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics hàng đầu của khu vực Đông Nam Á.
Trao đổi với Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định, việc phân bổ một phần lượng hành khách và hàng hóa từ Nội Bài sang Gia Bình sẽ giúp giảm tắc nghẽn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống giao thông hàng không, và thúc đẩy sự phát triển đồng bộ các khu vực lân cận.
“Chúng ta biết rằng hiện nay, lượng máy bay lên xuống cũng như lượng khách qua sân bay Nội Bài đã ở mức quá tải. Vì thế, rõ ràng việc phát triển một sân bay quốc tế mới là điều cần thiết để giảm bớt gánh nặng cho sân bay quốc tế Nội Bài. Dự án này không chỉ giúp nâng cao khả năng vận chuyển hàng hóa, mà còn tạo ra một hạ tầng kết nối đồng bộ giữa đường bộ, đường sắt, và hàng không, từ đó giúp giảm thiểu thời gian và chi phí vận chuyển, tối ưu hóa chuỗi cung ứng”, ông Thịnh chia sẻ.
Đưa ngành logistics bước vào một kỷ nguyên mới
Theo quy hoạch, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Gia Bình sẽ có diện tích lên tới hơn 1.000 ha, với công suất phục vụ đến 3 triệu hành khách và 1 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Với khả năng trên, sân bay sẽ tạo ra không gian lớn cho vận chuyển hàng hóa, đặc biệt các sản phẩm yêu cầu thời gian vận chuyển nhanh như thực phẩm, dược phẩm, điện tử và công nghệ cao.
Có thể thấy, điểm mạnh của sân bay Gia Bình còn nằm ở khả năng kết nối với các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt và cảng biển. Với các tuyến cao tốc kết nối sân bay với các khu công nghiệp lớn như Yên Phong, Quế Võ và cảng biển Hải Phòng sẽ giúp tối ưu hóa thời gian và chi phí vận chuyển, thúc đẩy doanh nghiệp đưa hàng hóa nhanh chóng và hiệu quả ra thị trường quốc tế.

Phối cảnh sân bay Gia Bình. Ảnh minh họa
Đánh giá về những cơ hội có thể mở ra cho các doanh nghiệp logistics và vận tải khi trung tâm logistics tại sân bay Gia Bình được hoàn thành, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa, kho bãi, bảo quản, và phân phối sẽ có cơ hội mở rộng quy mô, phát triển các chuỗi cung ứng mới.
“Sân bay Gia Bình sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa hệ thống logistics toàn cầu, giúp Việt Nam kết nối trực tiếp với các thị trường lớn. Sự ra đời của sân bay cũng đồng nghĩa với việc gia tăng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành logistics. Điều này sẽ tạo cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề phụ trợ như bảo trì thiết bị, công nghệ thông tin, và quản lý chuỗi cung ứng”, ông Thịnh cho hay.
Chính phủ cũng xác định, Sân bay Gia Bình không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho khu vực miền Bắc mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics, du lịch và giao thương quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cũng chỉ ra, hiện việc xây dựng Sân bay Gia Bình không thiếu những thách thức lớn.
"Một trong những vấn đề quan trọng là cần đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống hạ tầng giao thông. Các tuyến đường bộ và đường sắt kết nối sân bay với các khu vực công nghiệp, cảng biển phải được đầu tư một cách mạnh mẽ và đồng bộ để đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa diễn ra thuận lợi và hiệu quả.
Ngoài ra, việc giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân cũng là một vấn đề không thể bỏ qua. Dự án sẽ tác động đến các khu vực đất đai và cộng đồng dân cư, do đó, cần có các giải pháp đền bù hợp lý và công bằng, bảo vệ quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng" - chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói.
Với vai trò trung tâm vận chuyển hàng hóa quốc tế, sân bay Gia Bình hứa hẹn sẽ mở ra một không gian mới đầy tiềm năng, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành logistics và tạo ra một cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội tại Bắc Ninh nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng.
Theo quyết định số 207/QĐ-BGTVT ngày 20/2/2025 của Bộ Giao thông Vận tải, sân bay Gia Bình sẽ được quy hoạch theo tiêu chuẩn quốc tế, thuộc cấp 4E theo mã ICAO. Trong giai đoạn 2021-2030, sân bay dự kiến có công suất 1 triệu hành khách/năm và vận chuyển 250.000 tấn hàng hóa/năm. Các loại máy bay khai thác bao gồm B777, B787, A350, A321 cùng các chuyên cơ và máy bay chuyên dụng khác.