Sắm Tết vừa đủ

Thay đổi thói quen mua sắm lãng phí không dễ, nhưng trải qua nhiều khó khăn, biến động của năm 2024, thị trường Tết 2025 đang thể hiện rõ sự tiết kiệm.

Những ngày này chị em nội trợ hay hỏi nhau “sắm Tết hết chưa”, “đi sắm Tết chưa”, “sắm Tết to không”… Và nhiều câu trả lời giống nhau là: “năm nay chi tiêu tiết kiệm, sắm những thứ cần thiết chứ không hoang phí như những năm trước” hay “chi tiêu hợp lý, không sắm tràn lan mà chỉ mua những thứ cần thiết”.

Còn vài ngày nữa Tết Ất Tỵ sẽ gõ cửa từng nhà.

Với người Việt, Tết Nguyên đán là kỳ lễ quan trọng. Đây là dịp gia đình quần tụ, nhớ về tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Chính vì thế, dù khó khăn, vất vả, bôn ba thì người Việt vẫn dành những điều tốt nhất cho gia đình trong dịp Tết.

Tết, gia đình nào cũng muốn sung túc. Dù ngày thường không thiếu món gì nhưng tâm lý Tết được đi mua sắm rất thú vị. Vào siêu thị hay các qua các chợ dịp này nhìn món nào cũng muốn mua vì bắt mắt.

Nhưng kinh tế khó khăn nên chị em đi chợ phải cân đo, đong đếm nhiều hơn. Giờ chỉ mua những thứ cần thiết. Thay đổi thói quen mua sắm lãng phí không dễ nhưng vật chất quyết định ý thức nên thị trường Tết 2025 thể hiện rõ 2 chữ “tiết kiệm”.

Tôi đang thấy nhiều gia đình chỉ chọn 1 cành đào, thay cho cả cây đào trị giá tiền triệu; chọn 1 lọ hoa thay vì mua cả chậu hoa rực rỡ bày trong dịp Tết. Nhiều bà nội trợ thu gọn thực đơn, chọn mua ít đồ ăn thức uống hơn. Đi siêu thị, đã thấy có những gia đình, trước khi thanh toán, rà lại toàn bộ hàng hóa đã nhặt, chỉ để chọn lại những món thật cần thiết...

Sau mấy năm vật lộn với dịch bệnh Covid - 19, rồi gần nhất là siêu bão số 3 (Yagi) càn quét khiến kinh tế của người dân gặp khó khăn. Tết năm nay, cũng là một năm khá đặc biệt với người dân ở những vùng trung tâm siêu bão số 3 đi qua như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương… Ở nhiều nơi, bà con đã dựng lại nhà mới, trồng cây, chăn nuôi lại sau thiệt hại do bão số 3. Khôi phục sau thiên tai, bà con lại đã có thu hoạch, thu nhập. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Tết 2025 là dấu mốc quan trọng, đánh dấu việc người dân vượt khó. Nhưng khó khăn vừa qua tiếp tục là bài học để nhà nhà tiết kiệm, tích lũy, phòng lúc khó khăn, thiên tai...

Thay vì bận rộn, hối hả mua sắm, bày biện Tết đến xao nhãng bao nhiêu việc khác, thì nay, Tết có khi cũng chỉ là dịp để mọi người sống chậm lại, chắt lọc những gì hạnh phúc nhất dành cho gia đình, người thân và bản thân mình. Vẫn là mua sắm để chăm lo cho Tết đủ, nhưng không cần đầy, không cần dư thừa.

Mặt khác, thương mại phát triển, ai ai cũng có thể giao dịch qua nền tảng số, nên chuyện mua sắm, bày biện ê hề cho Tết cũng không còn hợp "trend". Mọi người đều biết rằng, chỉ qua mùng 1 Tết, các mặt hàng tươi rói lại tràn ngập khắp các chợ, siêu thị, phục vụ đủ nhu cầu của người tiêu dùng.

Ngoài kia, trên từng con phố, trong từng ngôi nhà, sắc hương ngày Tết đã dập dìu, rực rỡ. Dòng người hối hả ngược xuôi, ai cũng nhanh chóng hoàn thành nốt công việc dang dở để sớm được trở về nhà, cùng người thân đón Tết và đón nhận không khí ngày xuân. Khó khăn dù có thể còn bộn bề nhưng mỗi người đều mang trong mình những ước vọng đón một năm mới thành công hơn.

Cuộc sống dù có đổi thay, nhưng những giá trị truyền thống của Tết Việt vẫn còn mãi với thời gian, hiện hữu trong từng nếp nhà, trong từng nếp nghĩ của mỗi người. Vượt qua mọi khó khăn, Tết vẫn luôn đong đầy với những bàn tay thu vén khéo léo của các bà, các chị.

KỲ LAN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/sam-tet-vua-du-403653.html
Zalo