Sâm Ngọc Linh góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Kon Tum

Chiều 15/5 tại thành phố Kon Tum, UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Hội thảo khoa học 'Các nghiên cứu mới về sâm Ngọc Linh-Thành tựu và ứng dụng'. Hội thảo khẳng định rõ hơn công dụng, tiềm năng dược lý của sâm Ngọc Linh, cung cấp cơ sở khoa học vững chắc cho lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Được các nhà khoa học Việt Nam phát hiện ở vùng núi Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum, công bố lần đầu vào năm 1973, sâm Ngọc Linh là loài thực vật có giá trị dược liệu và kinh tế bậc nhất hiện nay. Các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước hơn 50 năm qua đã chứng minh giá trị sinh học, hóa học và dược tính vượt trội của sâm Ngọc Linh. GS.TS Trần Công Luận, Trường Đại Học Tây Đô, nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định, sâm Ngọc Linh có giá trị y học và dược tính vượt trội.

“Đến bây giờ chúng ta xác lập được hơn 52 hợp chất saponin, trong đó 26 hợp chất saponin được biết ở trong các dòng sâm khác và 26 hợp chất saponin là hoàn toàn mới chỉ có được phát hiện đầu tiên ở trong cây sâm Việt Nam của chúng ta. Như vậy sâm Việt Nam của chúng ta là cống hiến hết 50% rồi và đồng thời thêm một sapogenin nữa và tổng số lượng hợp chất có ở trong phần dưới mặt đất của cây Sâm Ngọc Linh thì liệt kê tới 63 hợp chất”. GS.TS Trần Công Luận khẳng định.

GS.TS Trần Công Luận, Trường Đại Học Tây Đô, nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu Thành phố Hồ Chí Minh phân tích các nhóm hợp chất trong cây sâm Ngọc Linh.

GS.TS Trần Công Luận, Trường Đại Học Tây Đô, nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu Thành phố Hồ Chí Minh phân tích các nhóm hợp chất trong cây sâm Ngọc Linh.

Cùng với các nghiên cứu đã được công bố rộng rãi, tại hội thảo nhiều nhà khoa học đã trình bày các công trình nghiên cứu mới của mình về sâm Ngọc Linh, như “Nâng cao giá trị sử dụng của sâm Ngọc Linh qua các nghiên cứu tác dụng dược lý”; “Tác dụng bảo vệ thận của sâm Ngọc Linh chế biến”; “Thành phần hóa học của lá sâm Ngọc Linh và định hướng ứng dụng”; “Kết quả ứng dụng công nghệ sinh học nghiên cứu di truyền, nhân giống sâm Ngọc Linh và định hướng sản xuất thương mại”…Đối với vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm quốc gia, GS.TS. Nguyễn Minh Đức, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, nên xây dựng thương hiệu riêng cho sâm Ngọc Linh.

“Thương hiệu riêng sâm Ngọc Linh chúng tôi đề nghị chỉ áp dụng cho sâm Việt Nam có chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng tại vùng Ngọc Linh gồm 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Hay nói một cách khác sâm Ngọc Linh là một thương hiệu riêng nhưng mà chất lượng cao của sâm Việt Nam và phải được trồng ở vùng núi Ngọc Linh. Như vậy sâm Ngọc Linh là một thương hiệu riêng của sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam”. GS.TS. Nguyễn Minh Đức nêu ý kiến.

Theo ông Nguyễn Đức Tuy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum, xác định được tầm quan trọng và tiềm năng to lớn của Sâm Ngọc Linh, Tỉnh ủy Kon Tum đã có Nghị quyết "Về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 phát triển được 4.500ha sâm Ngọc Linh và đến năm 2030 có khoảng 10.000ha sâm Ngọc Linh. Để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh và người tiêu dùng, tỉnh Kon Tum đã đầu tư hệ thống phân tích ADN và thiết bị phân tích, kiểm định các thành phần của sâm; hàng nghìn cây giống sâm Ngọc Linh cũng đã được cấp phát miễn phí cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số vùng dự án đế phát triển kinh tế gia đình.

Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/sam-ngoc-linh-gop-phan-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-tinh-kon-tum-post1199762.vov
Zalo